Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về thực tiễn triển khai Luật Quy hoạch

11:24, 30/05/2022

BHG - Sáng 30.5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ 2. Quốc hội tổ chức thảo luận tập trung tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đoàn ĐBQH tỉnh ta tham gia thảo luận và nêu ra nhiều ý kiến từ thực tiễn triển khai Luật Quy hoạch.

Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”.
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”. ảnh: Theo Chinhphu.vn

Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Giang, Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan nhất trí với báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề xuất các giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trong thời gian tới. Cụ thể, về nội dung quy hoạch tỉnh tập trung định hướng tích hợp phát triển KT-XH, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực KT-XH, đảm bảo QP-AN; theo quy định của luật, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; quy hoạch quảng cáo ngoài trời) là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, nội dung của các quy hoạch trên không được quy định tại Luật Quy hoạch mà ở các quy hoạch chuyên ngành. Như báo cáo của đoàn giám sát đã nêu, tại hầu hết các địa phương hiện nay, hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn chất lượng chưa tốt, một số định hướng quy hoạch thiếu tính khả thi, cần thiết phải điều chỉnh hoặc lập mới sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Vì vậy để đảm bảo sự đồng bộ, các địa phương sẽ cần lượng kinh phí rất lớn để thực hiện điều chỉnh, lập mới các quy hoạch nêu trên.

Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu thảo luận tại kỳ họp. ảnh: CTV 

Theo đại biểu, hiện chưa có sự đồng bộ, thống nhất về thời kỳ quy hoạch giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nhưng có thời kỳ quy hoạch dài hơn quy định tại Khoản 2, Điều 8; Khoản 3, Điều 26. Như vậy, thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch là khác nhau nên trong quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo sẽ khó đảm bảo sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch. 

Tại Điều 45 quy định về Kế hoạch thực hiện quy hoạch, bao gồm các nội dung chủ yếu (dự án đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất; xác định các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch). Tuy nhiên, nội dung trên chưa đủ đảm bảo triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh. Cần bổ sung thêm quy định tiếp sau quy hoạch tỉnh được phê duyệt, phải cụ thể hóa không chỉ bằng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, kế hoạch thực hiện quy hoạch mà còn là các chương trình, kế hoạch thực hiện hiện về các ngành, lĩnh vực đã được tích hợp để tổ chức thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, những yếu tố, điều kiện cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế việc điều chỉnh của quy hoạch cấp dưới (quy hoạch cấp tỉnh) phù hợp với quy hoạch cấp trên (quy hoạch ngành quốc gia) lại chưa đầy đủ. Cụ thể, về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, theo Nghị quyết số 119 của Chính phủ, các bộ hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh; hoàn thành trước ngày 31.10.2021. Đến nay, các bộ vẫn chưa ban hành nên nội dung quy hoạch tỉnh gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện, thiếu các định hướng phát triển thống nhất, đồng bộ từ T.Ư.

Về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ lập quy hoạch: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch mới được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia, đến chất lượng các quy hoạch. Cùng với đó, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chậm và nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi lập quy hoạch. Mặt khác, trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh các lĩnh vực như điện, giao thông, thủy lợi, đê điều, hạ tầng xã hội. Do vậy, các địa phương có xu hướng vừa lập quy hoạch tỉnh, vừa chờ quy hoạch ngành quốc gia sợ phải điều chỉnh các nội dung chồng chéo, tốn kém kinh phí.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Đồng thời đề nghị Quốc hội quy định cụ thể thời gian hoàn thành một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương triển khai trong quá trình lập, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch. Theo đại biểu, đến nay, vẫn còn số lượng lớn các quy hoạch chưa được phê duyệt (5/6 quy hoạch vùng; 35/39 quy hoạch ngành quốc gia; 62/63 quy hoạch tỉnh); để đảm bảo khả năng hoàn thành công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Nghị quyết 119/NQ-CP là đến ngày 31.12.2022; tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định quy hoạch đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch cụ thể về thẩm định, phê duyệt đối với từng quy hoạch để các bộ, ngành, địa phương chủ động và chịu trách nhiệm thực hiện đúng kế hoạch đặt ra.

Hà Giang hiện nay đã cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch và lấy ý kiến các bộ ngành. Đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư quan tâm sớm phê duyệt để triển khai thực hiện.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại hơn 8,5 tỷ đồng trên toàn tỉnh
BHG - Từ ngày 27 đến rạng sáng ngày 29.5, trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục xảy ra mưa lớn, dông lốc và sét đánh, gây thiệt hại tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Quản Bạ, Mèo Vạc.
29/05/2022
Thành phố Hà Giang đẩy lùi hủ tục, xây dựng môi trường sống hấp dẫn
BHG - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh, thành phố Hà Giang có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng biệt, tạo cho thành phố một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT- XH, diện mạo thành phố có nhiều đổi mới, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự.
29/05/2022
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
BHG - Chiều 27.5, Đảng bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tới dự, chúc mừng có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trương Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.
27/05/2022
Phát huy dân chủ trong các cuộc sinh hoạt Chi bộ
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng mạnh là do Chi bộ tốt”, đồng thời, theo Người, “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ”. Thấm nhuần tư tưởng đó, những năm qua, Đảng bộ thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) luôn quán triệt nghiêm túc và chỉ đạo sát sao việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, đặc biệt là phát huy tinh thần dân chủ. Từ đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động trong đảng viên; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
27/05/2022