Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

14:17, 25/10/2019

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 25/10, trước khi thảo luận toàn thể tại Hội trường, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 456/BC-UBTVQH14 ngày 17/10/2019 gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này như sau:  

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ. Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước. Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trên đây thì sẽ được nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương và tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để bổ sung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Do đó, việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và trên cơ sở chỉnh lý dự thảo Luật do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại khoản 1 Điều 4; Điều 44 và Điều 58 về chính quyền địa phương ở quận và phường; khoản 2 Điều 72 về chính quyền địa phương ở hải đảo và Điều 75 về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và sẽ tạo độ linh hoạt, mềm dẻo trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các loại đơn vị hành chính, tránh tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương. Quy định như dự thảo Luật vừa nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết số 18-NQ/TW, vừa tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp ở những nơi có đủ điều kiện.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 03 Văn phòng. Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này. 

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, dự thảo Luật do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 để bắt đầu triển khai từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ (2021 – 2026). 

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, rà soát về ngôn ngữ đối với các quy định trong dự thảo Luật. Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề như: việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II;  bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm./.

Theo quochoi.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quốc hội giải trình một số vấn đề về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Ngày 24.10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

25/10/2019
Thông báo kết quả Hội nghị T.Ư 11 khóa XII; quán triệt Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

BHG - Ngày 25.10, tại hội trường lớn Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh thông báo nhanh kết quả hội nghị T.Ư 11 khóa XII; quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XII). Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, hội đặc thù của tỉnh…

 

25/10/2019
UBND tỉnh họp phiên tháng 10

BHG - Sáng 25.10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tháng 10; triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 11.2019 và xem xét, cho ý kiến vào tờ trình của một số sở, ngành. Tham dự phiên họp có các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 

25/10/2019
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tham gia ý kiến vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

BHG - Chiều 24.10, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1.

25/10/2019