Phụ nữ Afghanistan lo sợ thời kỳ đen tối khi Taliban tràn đến

13:48, 14/08/2021

Khi đang cùng mẹ và các chị em gái chuẩn bị đi ăn tối, Zahra chợt thấy mọi người sợ hãi tháo chạy và hét lên: "Taliban tới rồi".

Chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố sau những cuộc tiến công chớp nhoáng của Taliban trên khắp đất nước, chỉ trong vài phút, mọi thứ đã thay đổi với Zahra, cô gái 26 tuổi đang sinh sống ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul hồi tháng 4/2020.
Phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul hồi tháng 4/2020.

Zahra lớn lên khi chế độ cai trị hà khắc của Taliban ở Afghanistan đã bị lật đổ vào năm 2001, khi phụ nữ dám mơ ước về việc được đi học, đi làm. Trong 5 năm qua, cô đã làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới. Tuy nhiên, ước mơ và hoài bão của Zahra dường như đã sụp đổ vào tối 12/8, khi Taliban tràn vào thành phố.

Như nhiều cư dân khác ở Herat, Zahra, cha mẹ và 5 anh chị em của cô ngồi co cụm trong nhà, lo lắng cho tương lai và cảm thấy sợ hãi khi phải ra ngoài.

"Tôi bị sốc nặng. Tôi là một phụ nữ đã rất nỗ lực và luôn cố gắng học hỏi, thăng tiến để rồi giờ đây phải ẩn nấp trong nhà sao?", Zahra chia sẻ.

Sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng cùng những chiến thắng như chẻ tre trong những ngày qua, Taliban hiện kiểm soát hơn 2/3 đất nước, chỉ hai tuần trước khi Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng khỏi nước này. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa từ cuối tháng 5 do lo ngại Taliban sẽ áp đặt lại những luật lệ hà khắc, hạn chế mọi quyền của phụ nữ.

Trong thời kỳ Taliban cai trị, phụ nữ Afghanistan không được đi học, đi làm và thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Taliban cũng áp dụng những luật lệ hà khắc như hành quyết công khai, chặt tay những kẻ trộm cướp và ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.

Hiện chưa có thông tin về các biện pháp cực đoan trên được thực hiện tại các khu vực do Taliban kiểm soát. Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho biết một nhóm phụ nữ ở tỉnh Takhar hôm 13/8 đã bị Taliban chặn xe vì "đi dép lộ chân", trong khi một giáo viên ở tỉnh nói rằng phụ nữ không được đi chợ nếu không có nam giới đi kèm.

Zahra đã dừng đến văn phòng và chuyển sang làm việc tại nhà khoảng một tháng trước khi Taliban áp sát Herat. Tuy nhiên, khi các tay súng Taliban phá vỡ tuyến phòng thủ của thành phố hôm 12/8, cô đã không thể tiếp tục công việc. Mắt Zahra ngấn lệ khi nghĩ về cảnh mình không thể đi làm, em gái 12 tuổi không thể đi học hay em trai không thể tự do chơi bóng đá.

Zahra liệt kê một số thành tựu của phụ nữ trong 20 năm qua kể từ khi Taliban bị lật đổ, đó là trẻ em gái được đi học, phụ nữ được tham gia vào bộ máy của quốc hội, chính phủ và công việc kinh doanh.

Biến đổi quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan trong 4 năm qua.
Biến đổi quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan trong 4 năm qua.

Marianne O'Grady, phó giám đốc của tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới CARE International tại Kabul, cho biết những tiến bộ mà phụ nữ Afghanistan đạt được trong hai thập kỷ qua vô cùng ấn tượng, đặc biệt ở các khu vực thành thị. O'Grady nói thêm cô không thể tưởng tượng được rằng mọi thứ sẽ trở lại như cũ.

"Bạn không thể tước đoạt giáo dục của hàng triệu người. Nếu phụ nữ phải lùi về sau những bức tường và không được ra ngoài như trước, ít nhất giờ đây họ có thể giáo dục cho người thân, con cái và hàng xóm theo những cách không thể xảy ra ở 25 năm trước", O'Grady nói.

Zarmina Kakar, một nhà hoạt động nữ quyền 26 tuổi, nhận định những thành tựu của phụ nữ Afghanistan trong 20 năm qua như giống một con chim miệt mài làm tổ, nhưng rồi phải bất lực nhìn chiếc tổ bị người khác phá hủy.

"Hôm nay, một lần nữa, tôi cảm thấy rằng nếu Taliban lên nắm quyền, chúng ta sẽ trở lại những ngày đen tối", Kakar nói.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục

Giới trẻ Trung Quốc đua nhau 'lên bờ' để vào nhà nước

Adam Xu, 25 tuổi, dành ít nhất 12 giờ mỗi ngày để ôn tập cho kỳ thi tuyển công chức quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 11. Xu đang học thạc sĩ quản lý công và anh mong có một công việc nhà nước ổn định. Hy vọng của anh là làm công chức ở quê hương, một thành phố hạng hai ở tỉnh Quảng Đông.

31/07/2021
Nga phạt Google hơn 41.000 USD vì vi phạm luật về dữ liệu cá nhân

Với múc phạt 41.017 USD, đây là lần đầu tiên Google bị phạt với tội danh vi phạm luật về dữ liệu cá nhân và hãng cũng đã xác nhận nhưng không đưa ra bình luận gì. Ngày 29/7, toàn án quận Tagansky ở Moskva, Liên bang Nga, cho biết nước này đã phạt công ty công nghệ Google của Mỹ 3 triệu ruble (41.017 USD) vì vi phạm luật về dữ liệu cá nhân.

30/07/2021
Dịch COVID:19: Cuba vượt mốc 9.000 ca nhiễm mới trong ngày

Thủ đô La Habana của Cuba, sau một thời gian ghi nhận mức độ lây nhiễm giảm, đã lại trở thành địa phương có số người mắc COVID-19 cao nhất cả nước với 1.583 trường hợp. Cuba đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh cực kỳ nặng nề với việc liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục và số ca tử vong do mắc COVID-19 cũng ngày càng cao.

29/07/2021
Pháp tặng Việt Nam 670.000 liều vắc xin COVID-19

Thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 12-8, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ chia sẻ 670.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 để giúp Việt Nam chống dịch. "Để chiến thắng trong cuộc chiến với dịch bệnh, việc tiếp cận vắc xin phải mang tính toàn cầu và bình đẳng. Đây là lý do vì sao Pháp chia sẻ 670.000 liều vắc xin cho việt Nam, như là một phần của chương trình COVAX" - ông Macron viết, đề cập đến chương trình chia sẻ vắc xin công bằng COVAX.

13/08/2021