Ngành Nông nghiệp tăng tốc về đích sớm các chỉ tiêu

10:44, 29/03/2024

BHG - Năm 2024 - năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực hoàn thành cao nhất và cán đích sớm các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh ngày 9.12.2020 về Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 xác định 4 chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp đến năm 2025 là: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng; tỷ lệ chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt 35%.

Cây xoài được huyện Yên Minh phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Cây xoài được huyện Yên Minh phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Với khoảng 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, 86% diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp, cùng với rất nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực... Ngành Nông nghiệp đóng vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá, nông nghiệp hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chưa tốt; mô hình sản suất nông nghiệp sạch, hữu cơ chưa được nhân rộng; tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp chưa bắt kịp xu thế... Chính vì thế, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, 2 trong 3 đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp là: Đột phá phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hiện thực hóa các đột phá trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề đối với lĩnh vực nông nghiệp là: Nghị quyết số 04 về triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Nghị Quyết số 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 17 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025. Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với ngành Nông nghiệp.

Người dân huyện Yên Minh cấy lúa vụ Xuân.
Người dân huyện Yên Minh cấy lúa vụ Xuân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Xác định rõ các nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 – 2025 và hướng tới mục tiêu đưa ngành Nông nghiệp đột phá phát triển, Sở luôn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai, gắn với đề xuất bố trí các nguồn lực thực hiện; kiên trì chỉ đạo sản xuất chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện tại các địa phương để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Với cách làm đó, hầu hết các chỉ tiêu của ngành trong những năm qua đều đạt theo kế hoạch hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết.

Từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp, tính đến cuối năm 2023, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha canh tác đạt 62 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 32,8%, đạt 102,5% kế hoạch năm 2023, đạt 93,7% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 58,9%, đạt 98,2% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93%, đạt 96,9% mục tiêu Nghị quyết.

Cùng với những kết quả trên, 4 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về lĩnh vực nông nghiệp từng bước đem lại hiệu quả trong sản xuất. Tính đến hết năm 2023, có 225 hộ/9 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi phát triển bền vững cây cam Sành. Tổng diện tích cam được đầu tư nâng cao chất lượng đạt 381ha, lợi nhuận khi được đầu tư lãi khoảng 60 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng so với thời điểm trước đầu tư; đồng thời góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 762 người.

Mục tiêu cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 hiện đạt 99,92%, tương đương 6.495 hộ triển khai thực hiện. Trong đó có 3.030 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn thực hiện cải tạo vườn tạp; có 3.465 hộ khác (hộ trung bình, khá và giàu) thực hiện nhưng không vay vốn. Thu nhập bình quân của các hộ tham gia cải tạo vườn tạp tăng khoảng 2 – 3 lần so với trước thời điểm cải tạo vườn tạp; tạo việc làm cho khoảng 3.030 lao động.

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, có 14 chuỗi giá trị ở 6 huyện được triển khai. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng đối với 5 cây và 3 con chủ lực thông qua các dự án liên kết, hỗ trợ phát triển cộng đồng. Triển khai chứng nhận lại, chứng nhận mới diện tích chè, sản phẩm mật ong, mận Máu theo tiêu chuẩn GAP; củng cố, kiện toàn các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp và thu hút 14 doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Đối với Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững, các chỉ tiêu đề ra đã thực hiện đảm bảo tiến độ. Tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 58,9%, đạt 98,2% chỉ tiêu Nghị quyết. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ 387.356,8 ha rừng tự nhiên. Tổ chức giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý...

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã chỉ đạo: “Phải xác định, ngành Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Việc phát triển ngành phải dựa trên 3 trụ cột chính đó là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm”. Hiện thực hóa nhiệm vụ trên, năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng các kế hoạch triển khai, xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện với những giải pháp cụ thể, nỗ lực bứt phá để về đích sớm các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề đã xác định.

Bài, ảnh:  DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lùng Tám chuyển đổi cơ cấu cây trồng

BHG - Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

27/03/2024
Hội đàm giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế biên giới Malypho (Trung Quốc)

BHG - Sáng 25.3, tại Trạm liên ngành Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang (Việt Nam) tổ chức Hội đàm quý I năm 2024 với Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế biên giới Malypho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do đồng chí Hà Xương Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ban làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hoàng A Chinh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu (XNK) tại cửa khẩu.

25/03/2024
Agribank Xín Mần tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

BHG - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên với tinh thần đồng hành, chia sẻ, Agribank chi nhánh huyện Xín Mần đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nỗ lực tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

25/03/2024
Tiếp thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

  ↵

BHG - Thời gian qua, Agribank chi nhánh huyện Hoàng Su Phì đã triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

25/03/2024