Hiệu quả phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trung tâm huyện Mèo Vạc

15:18, 17/03/2024

BHG - Công tác quản lý, khai thác, vận hành chợ được triển khai hiệu quả, bài bản; các gian hàng được sắp xếp hợp lý, khoa học; công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy được đảm bảo; nhu cầu mua sắm của người dân tại chợ ngày càng tăng… đây là những kết quả tích cực đạt được tại chợ trung tâm huyện Mèo Vạc sau khi UBND huyện triển khai phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc có địa chỉ tại thị trấn Mèo Vạc. Đây là công trình chợ cấp II, được UBND huyện đầu tư xây dựng từ năm 2002, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2006. Tổng diện tích chợ hơn 12.000 m2, trong đó diện tích đất chợ thương mại gần 11.000 m2, diện tích đất chợ bò hơn 1.300 m2. Hiện nay, có hơn 100 tiểu thương đang kinh doanh thường xuyên tại chợ. Các mặt hàng bày bán tại chợ khá phong phú, đa dạng như hàng tạp hóa, điện tử, quần áo, giày dép, thực phẩm… Chợ hoạt động thường xuyên từ thứ 2 đến Chủ nhật hàng tuần; riêng ngày Chủ nhật, tại khu vực chợ diễn ra hoạt động chợ phiên, thu hút rất đông các tiểu thương, người dân, du khách đến mua, bán, tham quan các sản phẩm hàng hóa.

Khách hàng mua sắm tại Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc.
Khách hàng mua sắm tại Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc.

Trước đây, chợ trung tâm huyện do Ban quản lý chợ quản lý, khai thác. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành hoạt động của chợ còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý chợ chưa được phát huy; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ Ban quản lý chợ chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định của pháp luật về thuế, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ, chống hàng giả, hàng kém chất lượng chưa thực hiện tốt; tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường để bán hàng còn diễn ra gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo an toàn giao thông.

Trước thực tế trên, cuối năm 2019, UBND huyện Mèo Vạc đã triển khai phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trung tâm huyện từ hình thức Nhà nước quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, khai khác. Mục tiêu của phương án nhằm củng cố, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác chợ theo hướng văn minh, hiện đại; tăng cường công tác quản lý nhà nước; đảm bảo hoạt động chợ thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng sức mua, sức cạnh tranh cho kênh lưu thông hàng hóa qua chợ. Thông qua hình thức đấu thầu, tháng 11 năm 2020, UBND huyện Mèo Vạc đã lựa chọn được đơn vị trúng thầu thực hiện công tác quản lý, khai thác và kinh doanh chợ là Công ty TNHH Tổ chức hội chợ thương mại F17 – Chi nhánh Hà Giang (Công ty F17).

Ông Hoàng Duy Hanh, Giám đốc Công ty F17 cho biết: Sau khi được giao quyền quản lý, khai thác Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, Công ty đã xây dựng nội quy hoạt động của chợ trình UBND huyện phê duyệt; lập phương án bố trí, sắp xếp nhóm mặt hàng, điểm kinh doanh trong chợ đảm bảo tính khoa học, hợp lý; tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo đúng quy định hiện hành; tiến hành tu sửa, nâng cấp một số hạng mục công trình của chợ đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện và thị trấn Mèo Vạc thực hiện tốt công tác về phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn các tiểu thương, người dân thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền các hộ kinh doanh niêm yết giá bán, bán hàng đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bà Kim Thị Lĩnh, hộ kinh doanh tại Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc chia sẻ: Tôi bán hàng tại chợ này đã hơn 8 năm. Những năm gần đây, việc quản lý, khai thác chợ do Công ty F17 thực hiện, điều này đem lại nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là các gian hàng hoạt động đi vào nề nếp, khoa học, ngăn nắp hơn; công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đảm bảo; cán bộ Công ty thường xuyên đối thoại, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các tiểu thương; do vậy tôi rất yên tâm khi kinh doanh tại đây. Còn ông Dương Văn Minh, khách hàng tại xã Pả Vi (Mèo Vạc) cho biết: Hiện nay, các khu vực bán hàng tại chợ được bố trí hợp lý, thông thoáng; hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả phù hợp; không có tình trạng tiểu thương tự ý tăng giá, chèo kéo khách hàng. Tôi thường xuyên đến chợ để mua sắm, lần nào cũng mua được sản phẩm ưng ý.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc, những năm qua việc triển khai thực hiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trung tâm huyện đã đem lại kết quả tích cực bước đầu. Công tác quản lý, khai thác, vận hành chợ do đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Chợ hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, đồng thời tạo điểm đến thu hút khách du lịch đến huyện. Trên cơ sở kết quả đạt được, hiện nay, huyện tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý các chợ chưa chuyển đổi trên địa bàn, từng bước chuyển đổi công tác quản lý chợ từ các ban quản lý hiện nay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, gắn trách nhiệm của người quản lý chợ với lợi ích kinh tế từ chợ mang lại đối với họ. Từ đó tái đầu tư phát triển chợ nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tốt nhất công năng của các chợ và giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất khoai tây trắng ở Quang Bình

BHG - Vụ Đông vừa qua, huyện Quang Bình đã phối hợp với Viện Sinh học Việt Nam và Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ V-organic triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây trắng tại thị trấn Yên Bình, xã Yên Thành và xã Vĩ Thượng với sự tham gia của 110 hộ dân, tổng diện tích thực hiện là 8,5 ha. Từ kết quả của mô hình liên kết này, huyện xác định đưa cây khoai tây trắng trở thành cây trồng chính vụ nhằm nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

15/03/2024
Sức bật Xuân Giang

BHG - Xã Xuân Giang (Quang Bình) được UBND tỉnh Quyết định công nhận là Đô thị loại V tháng 12.2022. Sau gần 2 năm được công nhận, Xuân Giang đã có bước tiến vượt bậc. Năm 2023 thu nhập bình quân 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 2,32% toàn xã.

14/03/2024
Quản Bạ phát huy thế mạnh, vững bước đi lên

BHG - Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới, cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn. Huyện có 5 xã giáp biên, với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đa số là dân tộc Mông, Dao, Tày… tuy mỗi dân tộc có phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ khác nhau, nhưng cùng chung khát vọng phấn đấu đi lên, vì vậy việc phát triển KT- XH nơi đây trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền.

14/03/2024
Phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ

BHG - Trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, ngành Nông nghiệp luôn được xác định là một trong những “trụ cột” quan trọng. Để nâng cao đời sống, người dân đang tích cực áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho chế biến sâu các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về chất lượng sản phẩm; hướng tới thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định.

13/03/2024