Bứt phá các chỉ tiêu kinh tế

18:09, 17/04/2023

BHG - Xác định năm 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tuy chịu ảnh hưởng về biến động giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; việc tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc… nhưng tỉnh ta đã linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng trong quý I, tạo tiền đề vững chắc để bứt phá các chỉ tiêu kinh tế.

Tiếp tục đà phục hồi

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn đầu cầu Mè (thành phố Hà Giang) giúp giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy KT - XH.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2, đoạn đầu cầu Mè (thành phố Hà Giang) giúp giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy KT - XH.

Vượt qua khó khăn, với sự quyết tâm, quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong quý I, UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT – XH năm 2023; kiểm soát dịch bệnh; bình ổn giá cả, thị trường; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm, tạo khí thế sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… giúp KT – XH tiếp tục phục hồi, phát triển.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Đoàn chia sẻ: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế; tập trung vào thu ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, thu hút đầu tư; quan tâm công tác an sinh xã hội. Thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ và đề án phát triển bền vững cây càm Sành; phát triển và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; bảo tồn và phát triển dược liệu; phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thu hút đầu tư…

Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả giúp tỉnh đạt không ít kết quả quan trọng trong quý I: Tổng sản phẩm ước đạt trên 3.254 tỷ đồng, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 402 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch T.Ư giao, đạt 13,4% kế hoạch tỉnh giao. Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 28,5 nghìn tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 706 nghìn lượt người, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3.884 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 53,3 triệu USD, tăng 598% so với cùng kỳ… Đặc biệt, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và giao chỉ tiêu đến các phòng chuyên môn thuộc cấp huyện, cấp xã để triển khai; một số chỉ tiêu quan trọng được các huyện giao tăng như: Chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ tiêu tăng tiêu chí Nông thôn mới…

Quyết tâm bứt phá

Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. 																	Ảnh: KIM TIẾN
Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: KIM TIẾN

Nhìn nhận đúng thực tế, tỉnh chỉ rõ việc thu ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, nhất là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện; nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, các dự án đô thị; tiến độ giải quyết các vướng mắc của dự án còn chậm; trong số 137 dự án vướng mắc, có 11 dự án chậm tiến độ về thủ tục đầu tư và 19 dự án dừng hoạt động. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm...

Giải bài toán thúc đẩy tăng trưởng, tỉnh đang quyết tâm, quyết liệt tạo bứt phá trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế. Thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc. Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm công tác quản lý các khoản thu nộp vào ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực thu đạt thấp. Tập trung nguồn lực thực hiện tăng trưởng tín dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển KT – XH của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực triển khai tại cấp xã, thôn, đảm bảo thực hiện và giải ngân các nguồn vốn của 3 chương trình hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, định mức từng chương trình. Kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện 3 chương trình tại các huyện, thành phố; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư, giải ngân các nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là các dự án chuyển tiếp năm 2022 và các dự án theo cơ chế đặc thù.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ cung ứng xi măng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn; tuyên truyền, xác định rõ lộ trình thời gian thực hiện từng tiêu chí, tập trung vào các tiêu chí như: Nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn. Chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện tổ chức khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; xúc tiến, quảng bá và tư vấn, hỗ trợ giải quyết các đề xuất nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án của các nhà đầu tư; điều tra đánh giá năng lực các sở, ban, ngành và địa phương; nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết các đề xuất dự án của các nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhất là dự án thuộc các lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, chế biến, sản xuất, du lịch, dịch vụ, nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa qua các cặp cửa khẩu biên giới. Tăng cường quản lý điểm đến; các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường đón khách du lịch…

Với mục tiêu phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm, với những giải pháp hiệu quả, đồng bộ, linh hoạt cùng sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, tin rằng kinh tế tỉnh ta sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2023 đã đề ra.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dấu ấn quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam
BHG - Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ viết:“Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có Hợp tác xã”; “... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.
17/04/2023
Quản Bạ nỗ lực thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn
BHG - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước. Tại huyện Quản Bạ những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ thiết yếu.
16/04/2023
Phát triển thương mại, dịch vụ tạo “cú hích” cho nền kinh tế
BHG - Chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thương mại, dịch vụ (TMDV) đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH chung của tỉnh.
16/04/2023
Tích cực khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phục hồi và phát triển KT - XH của tỉnh
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, ngành Ngân hàng đã khẩn trương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao, theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ và tình hình vốn khả dụng để ổn định thị trường tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế
15/04/2023