Nhiều giải pháp tạo đà cho kinh tế phát triển nhanh

16:09, 16/04/2022

BHG - Trong quý I.2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 44,3% so với cùng kỳ, đạt mức tăng cao nhất trong 63 tỉnh, thành cho thấy nền kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quý II và những tháng tiếp theo, dự báo còn tiềm ẩn nhiều thách thức, cần có giải pháp để phát triển bứt phá.

Kiểm tra vận hành kỹ thuật tại Nhà máy Thủy điện sông Miện 5.
Kiểm tra vận hành kỹ thuật tại Nhà máy Thủy điện sông Miện 5.

Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân. Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3. Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH được triển khai hiệu quả, tạo sức bật khôi phục và vươn lên trong mọi lĩnh vực. Bức tranh kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2022 xuất hiện nhiều điểm sáng: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.104,5 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 44,3% so với cùng kỳ, đạt mức tăng cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 578,5 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ 2021, tương ứng 153 tỷ đồng).

Sản xuất vật liệu xây dựng tại Cơ sở sản xuất Bắc Tơ, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang).
Sản xuất vật liệu xây dựng tại Cơ sở sản xuất Bắc Tơ, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 45,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,85%; công nghiệp chế biến tăng 25,59%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 72,34%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,94%. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tiến hành xây dựng điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyện và Đồng Văn. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 3.257 tỷ đồng, tăng 2,69% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh bình quân tăng 1,41% so với cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất là giao thông tăng 13,13%, vật liệu xây dựng tăng 5,24%.

Với việc triển khai chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hà Giang năm 2022 và nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo đã giúp hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh. Lượng khách du lịch đến Hà Giang trong quý I đạt 518.350 lượt người, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách quốc tế 1.105 lượt người và khách nội địa 517.245 lượt người.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 761,4 tỷ đồng cho 1.379 khách hàng (trong đó có 28 doanh nghiệp), giá trị nợ đã cơ cấu 614,4 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 92 khách hàng, số lãi đã giảm 464 triệu đồng. Cho vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số cho vay lũy kế 18.211,4 tỷ đồng, dư nợ 7.659,7 tỷ đồng/72.442 khách hàng… tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, HTX khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quý I.2022 khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Mặc dù tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp giải thể (tăng 19 doanh nghiệp) và 71 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 11 doanh nghiệp so với cùng kỳ). Trong đó phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập (dưới 5 năm), quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch trong 2 năm qua.

Tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư chậm, gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tiến độ chậm, dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tính đến ngày 20.3.2022, giải ngân các nguồn vốn mới chỉ đạt 343/4.000 tỷ đồng, đạt 8,6% kế hoạch. Các hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I ước đạt 7,6 triệu USD, giảm 89,3% so với cùng kỳ…

Trong quý II, dự báo nền kinh tế của tỉnh vẫn chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra chậm nếu không chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT – XH. Giá cả các mặt hàng xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hoạt động xuất nhập khẩu có thể tiếp tục tạm ngừng nếu phía Trung Quốc không thay đổi chính sách kiểm soát dịch bệnh... Do đó, nền kinh tế vẫn cần sự bứt phá để duy trì đà phục hồi tăng trưởng, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Trước tiên cần phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi. Tập trung chăm sóc cây trồng, áp dụng các biện pháp thâm canh để đảm bảo tổng sản lượng lương thực; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và cải tạo vườn tạp một cách thực chất; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch; tăng cường huy động, đầu tư vốn tín dụng cho phát triển KT – XH; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án có số vốn đầu tư lớn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh…

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kịp thời phòng trừ bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn trên lúa Xuân
BHG - Vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 9.279 ha lúa. Hiện nay, trà lúa sớm và chính vụ đang trong giai đoạn đứng cái, cuối đẻ nhánh rộ. Thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn phát sinh, phát triển và gây hại trên lúa.
16/04/2022
Hội nghị trực tuyến về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
BHG - Sáng 15.4, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo một số sở, ngành.
15/04/2022
Diện mạo mới nơi làng quê Bắc Quang
​​​​​​​BHG - Vườn tạp được cải tạo, khuôn viên nhà ở được chỉnh trang, tuyến đường bê tông nông thôn “Sáng, xanh, sạch, đẹp” dần xuất hiện... Những hình ảnh tươi sáng, tràn đầy sức sống này là thành quả kết tinh cho một chủ trương lớn của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào có sức lan tỏa: Xây dựng tuyến đường tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp” gắn với cải tạo vườn tạp (CTVT), chỉnh trang vườn hộ.
15/04/2022
Cuộc sống mới trên vùng biên Thanh Đức
​​​​​​​BHG - Nhiều năm qua, xã Thanh Đức (Vị Xuyên) luôn có nhiều cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển KT – XH vùng biên giới. Nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.
14/04/2022