Người Dao thôn Tiến Yên có thêm thu nhập từ cây quế

17:06, 28/08/2019

BHG - Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây quế, từ bao đời nay, đồng bào Dao thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang (Quang Bình) đã lựa chọn cây quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Cây quế được ví như “vàng xanh” trên núi giúp người dân thoát nghèo, tăng thu nhập và phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Men theo con đường vào trung tâm thôn Tiến Yên, ngợp hai bên đường, ven những sườn núi ngút ngàn là những đồi quế xanh, vươn mình thẳng tắp đón nắng. Đi dưới tán quế dày đặc, tỏa hương thơm ngào ngạt, tôi mới cảm nhận rõ sức sống mới của vùng đất đang đổi thay từng ngày nhờ cây quế bén rễ sinh sôi, phát triển vững vàng ở nơi đây. Vùng trồng quế Tiến Yên đã hình thành từ rất lâu, cây quế không những gắn bó với đời sống sinh hoạt và sản xuất, mà còn mở hướng làm giàu cho bà con người Dao. Cũng từ cây quế, đã có những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi mọc lên giữa bản làng thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã Bằng Lang.

Người dân thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang từng bước giảm nghèo từ việc trồng cây quế.
Người dân thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang từng bước giảm nghèo từ việc trồng cây quế.

Anh Triệu Kim Tài, Trưởng thôn Tiến Yên, cho biết: “Trước kia, những cánh rừng sản xuất trong thôn chủ yếu trồng keo, bồ đề, chỉ một số ít hộ tự phát trồng cây quế. Nhận thấy đất đai mát mẻ, cây quế sinh trưởng nhanh và bán được từ rễ, vỏ, gỗ, cành, lá, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng khác nên người dân tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng diện tích. Năm 2015, Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ 70% giá giống nhằm khuyến khích đồng bào Dao trồng quế, phần còn lại bà con tự bỏ vốn liếng ra đầu tư. Đến nay, hầu hết rừng của thôn được bao phủ bởi cây quế với tổng diện tích 63,8 ha. Những năm gần đây, cây quế “lên ngôi”, được giá, nhiều nhà đã có của ăn, của để; cũng từ quế, bà con ăn Tết to hơn”.

Với vai trò là cán bộ của thôn, phải làm cho dân mình có cơm no, áo ấm, những ngày đầu khi mới triển khai mạnh phong trào trồng quế, Trưởng thôn Triệu Kim Tài đã lặn lội sang tận tỉnh Lào Cai mua cây giống đạt chất lượng để cấp phát cho bà con trồng. Không những thế, anh còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc cây quế đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng cao. Nêu gương đảng viên, anh đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng 1 ha quế. Vì đặc tính là cây phát triển lâu, sau 2 - 3 năm, quế cho thu cành, lá tỉa bớt và được thương lái thu mua với giá 1.000 đồng/kg. Với gần 3.000 gốc quế, anh Tài hy vọng sẽ thu được một khoản tiền kha khá trong vài năm tới. 

Anh Triệu Xuân Chiêm, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Yên, chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong trồng quế. Khó có thể tin rằng khoảng chục năm về trước, nhà tôi thuộc diện nghèo phải lo từng bữa ăn; vừa rồi, bán được khoảng 200 triệu đồng tiền quế, vợ chồng tôi đã làm nhà, mua thêm trâu về nuôi, con cái học hành đầy đủ. Theo chu kỳ sinh trưởng 10 - 15 năm, quế có thể cho khai thác; cây quế dễ trồng và chăm sóc, phải làm cỏ, phát quang trực tiếp, không dùng thuốc trừ cỏ vì làm ảnh hưởng đến sản phẩm của quế. Hiện với diện tích 1,5 ha quế, tôi sẽ chăm sóc thật tốt để từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bằng Lang, Tiến Yên có 123 hộ với trên 500 khẩu; trong đó, người Dao chiếm hơn 90%. Với 58 hộ trồng quế, giá bán gỗ là 2,5 triệu đồng/m3, vỏ quế tươi 50 nghìn đồng/kg, tổng nguồn thu ước đạt 200 triệu đồng/ha, cây quế đã và đang khẳng định thế mạnh trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm từ quế tương đối dễ, thương lái khắp các nơi ở các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai tìm đến thu mua. Với tiềm năng sẵn có, xã Bằng Lang sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp để mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn thôn Tiến Yên - Chủ tịch UBND xã Bằng Lang, Vũ Mạnh Tiềm cho biết.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc: Tập huấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình

BHG - Ngày 28.8, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức hội nghị tập huấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình cuối năm 2019. Tham dự có Thường trực UBND huyện và gần 170 đại biểu là bí thư, chủ tịch, cán bộ Lao động – TBXH, điều tra viên các xã, thị trấn.

 

28/08/2019
Đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cây dược liệu ở Mèo Vạc

BHG - Trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung phát triển được 3 mô hình trồng cây dược liệu (DL) gồm: Mô hình trồng cây Xọm đen, cây Đương quy và cây Sả Java. Qua đó nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân. Để các mô hình mang lại hiệu quả, huyện Mèo Vạc đã tổ chức cho cán bộ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện mô hình đi học tập kinh nghiệm thực tế tại nhiều địa phương để tìm hiểu về lợi ích từng loại cây DL...

27/08/2019
Đột phá giảm nghèo

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29.7.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững.

 

27/08/2019
Đồng hành cùng người dân Quang Bình

BHG - Trong những năm gần đây, Agribank Chi nhánh huyện Quang Bình (Agribank Quang Bình) đã phát huy tốt vai trò chủ lực về hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển kinh tế và luôn đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bám sát những chủ trương phát triển kinh tế theo từng năm của địa phương, Agribank Quang Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi, triển khai các gói tín dụng phù hợp; trong đó, tập trung đầu tư các dự án kinh tế nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động...

26/08/2019