Nguồn vốn tín dụng chính sách tạo sinh kế bền vững cho người dân Hoàng Su Phì

08:52, 10/04/2019

BHG - Với mục tiêu góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (PGD) huyện Hoàng Su Phì đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, giúp nhiều đối tượng, đặc biệt các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất và giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân xã Pờ Ly Ngài chăn nuôi bò hàng hóa từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Người dân xã Pờ Ly Ngài chăn nuôi bò hàng hóa từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Triển khai chính sách tín dụng trong điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn ở một huyện miền núi, biên giới; phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, PGD huyện Hoàng Su Phì đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết lập mạng lưới giao dịch đến từng xã, thị trấn; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể nhận ủy thác nhằm rút ngắn quy trình thẩm định hồ sơ, thủ tục vay vốn… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay kịp thời.

Đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 267.943 triệu đồng/7.883 hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 264.184 triệu đồng với 7.840 hộ còn dư nợ và 253 Tổ TK&VV, chiếm 98,6% tổng dư nợ. Cùng với việc triển khai chính sách tín dụng, PGD còn thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm; qua đó, góp phần tạo nguồn vốn mới để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, chương trình huy động vốn tiền gửi tiết kiệm từ các Tổ TK&VV tại các xã và các tổ chức, cá nhân đạt trên 4,9 tỷ đồng.

Hiện, PGD huyện Hoàng Su Phì đang tích cực phối hợp cho vay ủy thác qua các tổ chức, gồm: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Trong đó, Hội Nông dân huyện là một trong những tổ chức sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã thành lập được 71 Tổ TK&VV, tổng dư nợ trên 80 tỷ đồng; giúp 2.228 hộ được vay vốn. Qua thực tế triển khai, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả; giúp nhiều hội viên, nông dân từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và xuất hiện ngàng càng nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi lợn thương phẩm; nuôi trâu, bò hàng hóa; trồng rau an toàn; nuôi ong, ếch, giun quế; trồng chè, mận Máu… đem lại nguồn thu từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Nét nổi bật trong công tác tín dụng chính sách ở Hoàng Su Phì còn được thể hiện qua phương thức đầu tư tập trung, ưu tiên các chương trình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, PGD huyện còn tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng cho bà con lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để phát huy hiệu quả của nguồn vốn. Nhờ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Hải, Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ dân phố 1, thị trấn Vinh Quang, cho biết: “Từ nguồn vốn của PGD nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả. Hiện, Tổ TK&VV tổ dân phố 1 có 38 thành viên, tổng dư nợ trên 1,3 tỷ đồng; trung bình mỗi năm có từ 2 – 3 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống; 100% thành viên đều tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng, số dư tiết kiệm hiện đạt trên 52 triệu đồng”.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoàng Su Phì, trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn huyện có 3.250 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 6,07%/năm. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo; thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng đi mới ở Tân Thành

BHG - Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những tác động không nhỏ vào quá trình sản xuất, lưu thông của nền kinh tế toàn cầu. Hàng hoá hiện rất đa dạng, nhiều chủng loại, làm cho người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn các sản phẩm... Nhận thức rõ điều này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Thành (Bắc Quang) đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Mô hình khởi nghiệp của HTX Thanh niên Huỳnh Minh có diện tích trên 6.000 m2 đất và hàng ngàn m2 thuộc vùng ngập nước của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4...

10/04/2019
Hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù

BHG - Trước nguy cơ thoái hóa giống lợn đen có nguồn gen quý hiếm, đặc trưng của xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc đã triển khai Đề án bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù. Sau hơn một năm thực hiện, hiệu quả bước đầu đã góp phần tăng năng suất, giá trị thu nhập từ chăn nuôi; giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế và tăng thu nhập tại chỗ. Qua tìm hiểu, giống lợn đen Lũng Pù có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt; ăn tạp và có sức đề kháng cao...

10/04/2019
Khai giảng lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn xã Yên Định

BHG - Ngày 9.4, tại hội trường thôn Bản Loan, xã Yên Định; Phòng Lao động -  Thương binh và xã hội huyện Bắc Mê phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức Khai giảng lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn của xã Yên Định. Tham gia lớp học gồm 35 học viên là đối tượng lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người trong diện nghèo và cận nghèo. Học viên tham gia lớp học được trang bị đầy đủ tài liệu học tập...

10/04/2019
Hiệu quả từ Phong trào "Thắp sáng vùng quê" ở Vĩ Thượng

BHG - Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM), những năm qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã góp tiền, công  sức xây dựng đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong đó, phải kể đến Phong trào "Thắp sáng làng quê" của người dân đã mang lại tiện ích, ánh sáng trên mỗi đường, khi màn đêm buông xuống.

 

09/04/2019