Quản Bạ hiện thực giấc mơ "Trung tâm dược liệu" - Kỳ cuối: HTX đầu tiên đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm

08:57, 19/10/2018

BHG - Không chỉ bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng Công viên địa chất toàn cầu, người dân Nặm Đăm (Quản Bạ) còn biến những bài thuốc quý thành lợi thế phát triển kinh tế địa phương và trở thành HTX Cộng đồng đầu tiên có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm dược liệu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.
Các sản phẩm dược liệu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.

Làm chủ quy trình sản xuất hàng tỷ đồng

Để đạt được thành quả trên, các thành viên HTX Cộng đồng Nặm Đăm và nhân dân địa phương đã phải rất nỗ lực trong một thời gian dài. Mặc dù người Dao có sẵn tri thức phong phú và quý giá về sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe, nhưng họ lại thiếu những nền tảng kiến thức hiện đại về quy trình thu hái, nhân giống, trồng và chế biến sản phẩm; đặc biệt là chưa có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch tắm lá thuốc người Dao. Để làm chủ một nhà xưởng chế biến dược liệu trị giá hàng tỷ đồng với quy trình quản lý nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là cả một sự thay đổi lớn về tư duy, nhận thức của người dân. Sau khi các thành viên của HTX được tập huấn, tham quan ở Công ty cổ phần SAPANAPRO tỉnh Lào Cai, học hỏi kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức, cách thức thực hiện dịch vụ tắm lá thuốc. Hoàn thiện kỹ năng thu hái cây thuốc, đảm bảo theo các quy định của Bộ Y tế với sự tham gia của 20-40 thành viên. Nhận thức và quyết tâm phát triển HTX theo hướng chế biến dược liệu đã được người dân nắm chắc và thực hiện thành công.

Khu dịch vụ tắm lá thuốc của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.
Khu dịch vụ tắm lá thuốc của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.

Trưởng phòng Dự án Công ty cổ phần Dược khoa, Nguyễn Thế Cường, là đơn vị tư vấn kỹ thuật về nhân giống, trồng và quản trị sản xuất, kinh doanh, cho biết: “Dự án đã đầu tư xây dựng khu nhà tắm lá thuốc có 6 gian, mua sắm thùng tắm bằng gỗ Pơmu. Để hiện đại hóa quy trình sản xuất các sản phẩm thảo dược, đặc biệt là quá trình chiết xuất cao dược liệu, cất tinh dầu đóng chai; dự án đã đầu tư nồi cô cao inox, máy cất tinh dầu, máy đóng chai 2 vòi bán tự động. Nghiên cứu phát triển và tổ chức sản xuất từ 1-2 sản phẩm tinh dầu từ thảo dược, với 15 loài cây có chứa tinh dầu ở Quản Bạ. Nhóm chuyên gia đã hỗ trợ HTX Nặm Đăm quá trình thiết kế, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị, làm hồ sơ và thủ tục để đăng ký cơ sở sản xuất đạt (VSATTP). Được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đạt VSATTP để sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của HTX Nặm Đăm, là tiền đề để xây dựng và đăng ký tiêu chuẩn cho các sản phẩm dược liệu của HTX sau này. Được biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh có 9 HTX dược liệu, nhưng đến nay chưa có HTX nào đạt được các điều kiện sản xuất như trên.

Hiện tại, dự án cho ra 4 sản phẩm là: Thuốc tắm, thuốc ngâm chân, tinh dầu và cao Actiso. Trong đó, sản phẩm tinh dầu được thiết kế với công thức mùi hương có bản sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khách du lịch như: Rừng xanh Bát Đại Sơn, Hương đồng Quản Bạ, Đường lên Cổng trời dành cho các đối tượng là nam, nữ, người già chân tay mỏi nhức. Sản xuất đóng chai bài thuốc tắm dưới dạng nước để cho du khách mua về sử dụng. Điều đặc biệt là các thiết bị này sẽ được coi là tài sản đầu tư của dự án, HTX sẽ phân bổ 50% vào vốn chung, 25% vào vốn góp Hội Phụ nữ và 25% vào vốn góp của Hội Nông dân để đảm bảo tính công bằng, xã hội trong quá trình hưởng lợi ích từ dự án.

Khu nhà xưởng của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.
Khu nhà xưởng của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.

Chia sẻ lợi ích cho cộng đồng

HTX Cộng đồng Nặm Đăm có sự tham gia của cả cộng đồng vào phát triển dược liệu và được chia sẻ lợi ích. Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, chia sẻ: “HTX có 24 thành viên, được thành lập từ năm 2014; trước đó, chúng tôi chỉ phát triển trồng cây Actiso và Đương quy. Từ năm 2016, nhờ sự hỗ trợ từ dự án và chính quyền địa phương, HTX đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, có kênh quảng bá và bán sản phẩm dược liệu, làm tăng nguồn thu nhập cho các thành viên. Bên cạnh sự đầu tư của dự án, HTX cũng vay vốn ưu đãi của tỉnh hơn 1 tỷ đồng để đầu tư thêm vào sản xuất thực phẩm chức năng. Một số sản phẩm chủ lực của HTX gồm: Cao mạnh gân, cao ích não, trà gừng, thuốc đau răng, xoa bóp, sỏi thận, cao Atiso… là những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, mang về doanh thu những tháng đầu năm đạt gần 700 triệu đồng”.

Từ khi có thu nhập, dự án cũng đặt ra vấn đề đảm bảo tính bền vững, đoàn kết và lợi ích chung được chia sẻ công bằng. Gồm có lợi ích từ việc thu hái cây thuốc, cây thuốc sẽ được thu hái quay vòng theo vùng địa lý để đảm bảo sự hồi sinh. Đến lượt rừng của hộ nào thì hộ ấy sẽ được hưởng lợi từ việc bán dược liệu, hộ nào chăm sóc tốt hơn thì sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Về vốn góp của dự án sẽ được chia làm 2 phần, 1 phần do HTX trực tiếp quản lý, 1 phần chia làm 2 do Hội Phụ nữ và Hội Nông dân quản lý. Sau này, khi hoạt động của HTX sinh lãi, các phần lãi từ các nguồn này sẽ được quay lại để phục vụ cộng đồng qua các quỹ phúc lợi và HTX đóng góp cho địa phương để xây dựng các công trình Nông thôn mới. Theo quy định của HTX, khi Hội Phụ nữ và Hội Nông dân đã tham gia góp vốn nghĩa là họ phải tích cực tham gia các hoạt động của HTX, góp phần tập trung nhiều nguồn lực hơn để phát triển HTX.

Phát triển việc quảng bá sản phẩm, các thành viên của HTX cũng tích cực quảng bá qua trang facebook cá nhân, đồng thời chủ động liên hệ với các homestay trên địa bàn để kết nối khách du lịch đến tắm lá thuốc. Số lượt khách đến tắm ngày càng tăng, từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 lượt. Chị Lý Thị Liềm, nhân viên khu dịch vụ tắm lá thuốc, tâm sự: “Gia đình tôi là một thành viên trong HTX, bố mẹ tôi tham gia trồng và hái cây thuốc cho HTX, còn tôi làm việc ở khu dịch vụ tắm lá thuốc, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Từ khi HTX hoạt động tốt đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân địa phương”. Theo Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Nông Minh Tiến, cả thôn Nặm Đăm đều tham gia vào làm các loại hình dịch vụ như Homestay, hoặc tham gia HTX; đến nay, chỉ còn 1 hộ nghèo/54 hộ.

Để đạt kết quả trên, chính quyền huyện Quản Bạ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, cho biết: “Huyện đã phối hợp triển khai gây dựng và vận hành các quy chế liên quan đến rừng. Chú trọng đầu tư, hỗ trợ nhân dân để tạo thành vùng dược liệu có sự liên kết theo chuỗi giá trị, bằng việc tổ chức ký thỏa thuận hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy hình thành mối liên kết “4 nhà” giữa doanh nghiệp với các HTX, Tổ hợp tác và người dân. Vận dụng các chính sách khuyến khích sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa như Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh cho vay vốn ưu đãi với số tiền giải ngân là 1,4 tỷ đồng; Nghị quyết số 14 của HĐND huyện về hỗ trợ phân bón và màng phủ nilon cho các HTX, Tổ hợp tác và các hộ trồng dược liệu”.

Việc phối hợp nhiều tổ chức cùng thực hiện giúp dự án tận dụng được các nguồn lực. Đến nay, huyện Quản Bạ đã sản xuất thành công sản phẩm dược liệu được đăng ký nhãn hiệu, giải quyết được vấn đề phát triển cây dược liệu thành hàng hóa. Trong thời gian tới, việc cộng đồng người Dao ở Nặm Đăm cần làm là bảo vệ và phát triển thương hiệu dược liệu vươn xa. Hoàn thiện quy trình trồng trọt để đảm bảo năng suất, tiếp tục hạ được giá thành sản phẩm và tăng lợi thế cạnh tranh.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì chủ động sản xuất vụ Đông

BHG - Thời điểm này, nhân dân các xã của huyện Hoàng Su Phì đã chủ động, khẩn trương xuống đồng, sản xuất vụ Đông sớm; nhiều cây trồng ngắn ngày bắt đầu cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

18/10/2018
Quang Bình tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản

BHG - Với lợi thế về trồng rừng kinh tế, trên địa bàn huyện Quang Bình hiện đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản (SXCBKDLS); góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đi cùng với đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý; đồng thời đưa các cơ sở SXCBKDLS vào hoạt động phù hợp, đúng quy hoạch.

18/10/2018
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tài nguyên nước

BHG - Thời gian gần đây, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này sớm được nhận diện, có giải pháp khắc phục kịp thời. Qua đó, các cấp, ngành, mỗi người dân đã nâng cao ý thức, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

18/10/2018
Quản Bạ hiện thực giấc mơ "Trung tâm dược liệu" - Kỳ 1: Bảo tồn đa dạng sinh học và bài thuốc quý ở Nặm Đăm

BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XVI của tỉnh về phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; huyện Quản Bạ được biết đến là trung tâm trồng và phát triển dược liệu của tỉnh với tổng diện tích lên đến 2.800 ha. Mục tiêu trở thành "trung tâm dược liệu" là giấc mơ đã, đang trở thành hiện thực của người dân Quản Bạ. Nhờ rất nhiều nỗ lực và nguồn lực, nơi đây đã có HTX đầu tiên đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đánh dấu mốc quan trọng, tiền đề mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực phát triển dược liệu ở vùng Cao nguyên đá.

18/10/2018