Quyết tâm xây dựng, bảo vệ Thương hiệu Mật ong bạc hà Mèo Vạc!

16:31, 14/11/2016

BHG - Thời gian qua, trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh ta xuất hiện một số tổ chức, cá nhân từ các tỉnh khác đến, đem theo loài ong ngoại nuôi lấy mật và lấy thương hiệu là Mật ong bạc hà, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu Mật ong bạc hà Mèo Vạc của tỉnh ta đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Cũng từ đó xảy ra những xung đột do người dân địa phương kịch liệt phản đối gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng đó, một số cơ quan thông tấn báo chí phản ánh tỉnh Hà Giang cấm người nuôi ong ngoại tỉnh thể hiện « Ngăn sông cấm chợ» trong hoạt động kinh tế... Phóng viên Báo Hà Giang đã có bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh để hiểu rõ quan điểm của tỉnh về vấn đề này. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn :

Phóng viên: Sau khi một số thông tin báo chí phản ánh có liên quan đến việc tỉnh Hà Giang cấm người nuôi ong ngoại tỉnh thể hiện sự "ngăn sông cấm chợ" trong hoạt động kinh tế giữa người trong và ngoại tỉnh, quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang về vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Như các đồng chí đều biết, tỉnh Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới và dân tộc với 6/11 huyện 30a, là tỉnh nghèo nằm trong tốp cuối của cả nước, địa chính trị và kinh tế hết sức khó khăn, vì vậy nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Giang được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện khó khăn chung của cả nước. Tỉnh Hà Giang luôn hoan nghênh, tạo mọi điều kiện thuận lợi và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư chân chính, có tâm và có các dự án đầu tư phù hợp định hướng phát triển chung của tỉnh; tuy nhiên, với quan điểm phát triển bền vững chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi lợi ích chung của nhân dân, của xã hội, nhất là các dự án có tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh liên quan đến thông tin tỉnh Hà Giang cấm nuôi ong ngoại tại 47 xã thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thể hiện sự « Ngăn sông cấm chợ », về vấn đề này UBND tỉnh Hà Giang khẳng định không ban hành bất cứ một Văn bản nào có nội dung cấm nuôi Ong ngoại (ong Ý) như thông tin đã phản ánh.

Phóng viên: Liên quan đến những vụ tranh chấp giữa người nuôi ong địa phương (ong nội) với người nuôi ong ngoại tỉnh (ong Ý), mà theo một số bài báo phản ánh đã gây thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Xin đồng chí cho biết quan điểm của UBND tỉnh về vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Như các bạn đã biết, trước hiện tượng một số người ngoại tỉnh tự đưa giống ong ngoại vào nuôi tại các xã vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, đã phát sinh những mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa một số hộ dân nuôi giống ong bản địa và những cá nhân, tổ chức nuôi ong ngoại. Những vụ việc mâu thuân, tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết ổn định tình hình theo quy định của pháp luật không để các đối tượng xấu lợi dụng gây chia rẽ đoàn kết, gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Về thiệt hại của người dân nuôi ong bản địa và người nuôi ong ngoại đều chưa có số liệu đánh giá và thống kê một cách chính xác, nhưng để có nhãn quan đánh giá so sánh mức độ thiệt hại thì chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện. Trước tiên dưới góc độ nghiên cứu khoa học chuyên ngành thì Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu khảo sát và có Thông báo số 32/TB-CN-GSN ngày 12/10/2016 đã khẳng định ''Mật độ đàn ong quá dày hoặc ong ngoại được nuôi gần ong nội, do ong ngoại có sức khỏe hơn sẽ xảy ra tranh chấp nguồn hoa, cướp mật, gây chia đàn, tiêu diệt nhau phần thiệt hại nặng thường thuộc về ong nội; một số đàn ong nội không có quân, lý do không đủ nguồn hoa bị ong ngoại cướp mật phải bỏ đi; ong ngoại khỏe có lợi thế tranh chấp nguồn mật...''. Như vậy có thể thấy được ai sẽ là người thiệt hại hơn. Nhưng suy nghĩ về góc độ nhãn quan chính trị thì như đã nêu ở phần trước, tỉnh ta còn rất nghèo, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhân dân các dân tộc vùng Cao nguyên đá của tỉnh «Sống trên đá, chết nằm trong đá», tìm được kế sinh nhai để ổn định sinh sống và giữ gìn mảnh đất biên cương đã là một kỳ tích, có thể nói nuôi ong bản địa là một sinh kế của đồng bào vùng cao bao năm nay gìn giữ, vì vậy chủ trương duy trì, bảo vệ phát triển ong nội một cách ổn định để giúp đồng bào không du canh, di cư tự do gây phức tạp tình hình an ninh chính trị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà không thể định lượng được thiệt hại vật chất nếu như tình hình di cư tự do thường xuyên xảy ra.

 Phóng viên: Hiện tại và trong thời gian tới, tỉnh ta đã và sẽ làm gì để vừa bảo vệ người nuôi ong trong tỉnh, lại vừa có thể giải quyết hài hoà, hợp lý lợi ích của người nuôi ong ngoại tỉnh?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Xin khẳng định lại một lần nữa là tỉnh ta không cấm nuôi ong ngoại nhưng không có chủ trương phát triển nuôi giống Ong ngoại tại khu vực 47 xã thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn do sản phẩm mật ong Bạc Hà Mèo Vạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013, đã nêu rõ ''Chỉ sử dụng duy nhất giống ong nội'' tại vùng chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà Mèo Vạc.

Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các cá nhân nuôi giống ong ngoại và các hộ dân nuôi giống ong nội bản địa về lâu dài tỉnh sẽ chỉ đạo các quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch, khoanh định các khu vực được nuôi ong ngoại trên địa bàn tỉnh theo khuyến cáo của Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và PTNT và công bố trên Cổng Thông tin Điện tử của tỉnh để các tổ chức, người dân biết, thực hiện. Do vậy, trong thời gian tới để ổn định tình hình, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo  UBND các huyện trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ra thông báo cụ thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân tạm thời di chuyển toàn bộ số đàn ong ngoại ra khỏi địa bàn 47 xã nêu trên trong thời gian khảo sát, khoanh định vị trí nuôi ong ngoại.

Phóng viên: Cây hoa Bạc Hà chỉ Hà Giang mới có, vậy kế hoạch để bảo tồn và phát triển loại cây này như thế nào thưa đồng chí?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Cây Bạc Hà chỉ tồn tại và sinh trưởng duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn, trong thời gian từ tháng 8 – 12 âm lịch hàng năm. Là loại cây trồng vụ Đông và phát triển trên một số diện tích đất nương ngô, có điều kiện tự nhiên thích hợp, nên diện tích cây Bạc Hà rất hạn chế; vì vậy trong những năm qua một số huyện như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đã quan tâm hỗ trợ nhân dân về giống và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển diện tích Bạc Hà, với diện tích được phát triển thêm hàng trăm ha/năm.

Ngoài ra, để đảm bảo lượng Bạc Hà có trong mật ong, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao cho các ngành chức năng và UBND các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh quy hoạch diện tích cây Bạc Hà đảm bảo đủ cho ong nội khai thác mật, góp phần giữ vững được thương hiệu mật ong Bạc Hà Mèo Vạc.

Phóng viên: Sau khi có buổi làm việc với đại diện Bộ Nông nghiệp - PTNT, UBND tỉnh đã đưa ra đề xuất như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn quốc có khoảng 1,5 triệu đàn ong, trong đó có khoảng 1,2 triệu đàn ong là giống ong ngoại, chỉ có khoảng 300.000 đàn là giống ong nội, gồm 2 phân loài:  Apis cerana cerana và Apis carana indica, trong đó phân loài giống ong nội Apis cerana cerana chỉ có tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Do đó, trên cơ sở kết luận của Đồng chí Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT: Đưa con ong bản địa Hà Giang Apis cerana cerana vào Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn như công văn số 818/BNN-KHCN ngày 16/4/2004 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành. Cho chủ trương và hỗ trợ tỉnh Hà Giang lập Dự án Bảo tồn giống ong bản địa Hà Giang Apis cerana cerana, gắn với phát triển Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, để góp phần vào việc gìn giữ và phát triển nguồn gen quý hiếm và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

VĂN NGHỊ (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn – hướng phát triển mới ở Vị Xuyên

BHG - Vị Xuyên – một trong những huyện động lực của tỉnh, những năm gần đây đã dần khẳng định được vị thế của mình bằng những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến các mô hình trồng cam, chè và các trang trại chăn nuôi lợn, gia trại chăn nuôi đại gia súc đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hộ dân.

12/11/2016
Điểm tựa giúp phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo

BHG - Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển (Quỹ) - một trong những tiểu hợp phần của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh chính thức được khởi động từ năm 2015.

12/11/2016
Hội nghị đánh giá tình hình quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y

BHG- Chiều ngày 10.11, đồng chí nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y. Đến dự Hội nghị có đại diện Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố; trung tâm sản xuất cây trồng, vật nuôi, thu ý.

11/11/2016
Quang Bình: Ký kết tài trợ cộng tác công tư "Đầu tư hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao"

BHG- Sáng 11.11, Ban điều phối chương trình CPRP phối hợp với Công ty TNHH MTV Tin học và Đầu tư xây dựng Quang Anh, huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ ký kết tài trợ cộng tác công tư (P – PC) "Đầu tư hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao" thuộc Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang. 

11/11/2016