Học Bác cách viết báo để gần dân hơn

19:22, 21/06/2017

BHG- Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới cũng là một bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thực tiễn làm báo và những căn dặn của Người trong thư gửi lớp học Báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta cách đây gần 70 năm dành cho những người làm báo thực sự là những bài học giá trị về nghề báo. Những nhà báo trẻ như chúng tôi hôm nay, học phong cách làm báo của Bác để phục vụ nhân dân, để gần dân và được dân tin, yêu.

Phó tổng Biên tập Báo Hà Giang Sùng Mí Chứ (bên trái) kiểm tra công tác phát hành báo tại cơ sở.
Phó tổng Biên tập Báo Hà Giang Sùng Mí Chứ (bên trái) kiểm tra công tác phát hành báo tại cơ sở.

Trong quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định báo chí là một vũ khí sắc bén để tuyên truyền cách mạng và đấu tranh chống kẻ thù. Người không chỉ sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn để lại hàng nghìn bài báo có giá trị. Với cách viết ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, dễ nhớ, gần gũi nhưng đầy đủ nội dung cần chuyển tải, những bài báo của Bác dễ dàng đến được với người đọc, làm cho người đọc hiểu nội dung bài viết một cách nhanh nhất. Trong thư gửi lớp học viết báo cách mạng đầu tiên ở nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng (năm 1949), Bác đã căn dặn những người làm báo cần: “Gần gũi với dân chúng, cứ ngồi phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất cũng biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của Người; khi viết xong phải tự mình xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu; luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”. Trước khi viết, Bác luôn đặt ra câu hỏi cụ thể: Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì và viết như thế nào? Để xác định đối tượng cần tuyên truyền giáo dục, để viết cho trúng, cho đúng mục đích cần chuyển tải, đồng thời xác định cách viết cho phù hợp với đối tượng độc giả.

Trong những bài học đầu tiên về nghề báo ở trường đại học, tôi đã được nghe nhiều về phong cách làm báo của Bác qua những bài giảng của thầy, cô. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm báo chí của Người, những bài báo đều được diễn đạt rất ngắn gọn, dễ hiểu nhưng mang tính chiến đấu cao. Trong giai đoạn đất nước đang trải qua cuộc chiến khốc liệt để dành độc lập dân tộc, những bài báo của Người đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và đấu tránh chống lại kẻ thù. 

Học cách làm báo của Người, lớp nhà báo trẻ chúng tôi luôn trau dồi phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp; tích cực đi cơ sở, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu làm báo trong giai đoạn hiện nay. Dù chưa cống hiến được nhiều cho nền báo chí tỉnh nhà, nhưng với mục tiêu vì Hà Giang phát triển, chúng tôi đang từng ngày hoàn thành sứ mệnh “Chiến sỹ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp sức xây dựng Hà Giang văn minh, giàu đẹp.

Ngày nay, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, nhiều nhà báo đang dần xa rời dân, xa rời cơ sở, làm báo chạy theo thị hiếu của độc giả và sức mạnh của đồng tiền, thờ ơ và thiếu trách nhiệm với chính “đứa con” của mình thì những lời căn dặn của Bác luôn nhắc nhở các nhà báo phải sử dụng đúng sức mạnh của ngòi bút, ngôn từ để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người con của dân bản

BHG- Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2012, Thượng úy Lê Đình Trọng (sinh 1982) quê huyện Hải Hậu (Nam Định) về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang rồi là Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng Lũng Làn. 

21/06/2017
Câu hỏi 43: Nét nổi bật trong phong cách sống tôn trọng quy luật tự nhiên và gắn bó với thiên nhiên của Hồ Chí Minh là gì?

Trả lời:

Những người được sống bên Bác cho biết: chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, bình thản trước mọi diễn biến của đất trời, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

15/06/2017
Câu hỏi 42: Vì sao nói Hồ Chí Minh có phong cách sống hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông – Tây?

Trả lời:

Hồ Chí Minh có phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho - Phật - Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu - Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.

15/06/2017
Câu hỏi 41: Một số nét đặc trưng trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh là gì?

Trả lời:

Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh có một số nét đặc trưng sau đây:

15/06/2017