Trưởng thôn Nà Bó gương mẫu trong các phong trào

08:25, 27/01/2016

BHG- Đồng bào người Dao ở thôn Nà Bó, xã Đức Xuân (Bắc Quang) ai cũng biết và tín nhiệm anh Triệu Giào Pú, vì anh không chỉ là một trưởng thôn trẻ gương mẫu trong công việc, mà còn là người đi đầu trong mọi phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo của thôn.

Anh Triệu Giào Pú thu hoạch ngô của gia đình.
Anh Triệu Giào Pú thu hoạch ngô của gia đình.

Thôn Nà Bó là thôn khó khăn nhất của xã Đức Xuân, hiện thôn có 33 hộ dân với 158 khẩu. Người dân ở đây 100% là đồng bào dân tộc Dao hạ sơn từ huyện Hoàng Su Phì về định cư từ năm 1979, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 45%. Từ trung tâm xã Đức Xuân vào thôn Nà Bó chỉ có con đường núi duy nhất lởm chởm đất đá, mặt đường đầy ổ voi, ổ gà. Đã hàng chục năm nay, bà con trong thôn vẫn sống trong cảnh không có điện, không có đường bê tông, không có sóng điện thoại và thiếu nước sinh hoạt. Toàn thôn có 11 ha lúa, 21 ha ngô thì chỉ cấy được 1 vụ/năm do thiếu nước và phụ thuộc vào trời mưa. Trước đây, bà con thường canh tác theo tập quán cũ, nên năng suất lương thực thấp, thường xuyên đói ăn. Trước những khó khăn của thôn, Trưởng thôn Triệu Giào Pú luôn trăn trở làm sao để bà con có hướng thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống. Bằng những lần tham gia cuộc họp, hội nghị... những kiến thức được hướng dẫn, anh đều tuyên truyền đến người dân, từ đó áp dụng vào cuộc sống, cải tạo dần cách làm ăn lạc hậu của bà con. Anh luôn vận động bà con tích cực sản xuất, chăn nuôi áp dụng theo khoa học kỹ thuật mới để nâng cao giá trị năng suất, nên những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm mạnh.

Anh Pú (sinh năm 1978) tại xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì. Năm 1984, anh theo gia đình xuống hạ sơn ở thôn Nà Bó, xã Đức Xuân. Năm 1999, anh lập gia đình với chị Phượng Mùi Mương cùng thôn và có 2 cháu. Năm 2005, anh chị ra ở riêng. Năm 2010, anh Pú được bà con tín nhiệm làm trưởng thôn. Anh chia sẻ: “Học và làm theo lời Bác Hồ, mình luôn cố gắng hết mình để được góp sức giúp bà con trong thôn ấm no, bớt nghèo khổ. Để bà con tin và làm theo, thì trước hết bản thân mình phải gương mẫu. Mình nghĩ khi nhìn thấy hiệu quả áp dụng trồng giống mới, bà con sẽ học làm theo, có tác dụng hơn nhiều so với việc đi vận động bằng miệng. Mọi thứ với vợ chồng mình làm bắt đầu từ bàn tay trắng, mình muốn tự phấn đấu vươn lên để làm gương cho bà con, tránh việc trông chờ vào Nhà nước...”.

Những năm trước đây, như nhiều hộ dân trong thôn, cuộc sống của gia đình anh Pú cũng rất khó khăn, mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Sau nhiều lần trăn trở và với trách nhiệm là một cán bộ làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, năm 2009, anh mạnh dạn cải tạo diện tích đồi rừng kém hiệu quả để trồng ngô lai. Hàng năm, nhờ tiền bán ngô cũng cho thu nhập khá, cải thiện kinh tế  gia đình. Tích tiểu thành đại, cuối cùng gia đình anh cũng mua được thêm con trâu và đàn dê về nuôi vừa để lấy sức kéo, sau đó là nhân giống trâu và dê sinh sản. Hiện tại, gia đình anh có 0,3 ha lúa nước; gần 1 ha ngô lai; vài đồi cây; 6 con lợn rừng; 3 con trâu; gần 10 con dê và vài chục con gia cầm. Tùy theo giá nông sản từng năm, trung bình cũng cho gia đình anh thu nhập 40 triệu đồng/năm. Đây tuy chưa phải là con số thu nhập cao, có thể đem so sánh với nhiều hộ sản xuất giỏi ở nơi khác có điều kiện sống tốt hơn, nhưng đó là số tiền đáng nể phục với một thôn còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, anh Pú còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong huyện, xã tổ chức. Sau đó trở về địa phương, vận dụng một cách hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó mà năng suất cây ngô, lúa tăng cao sau mỗi vụ thu hoạch, vật nuôi khỏe mạnh và phát triển tốt, ít mắc dịch bệnh... Không chỉ biết làm kinh tế giỏi cho riêng gia đình mình, anh cũng giúp đỡ các hộ còn khó khăn trong thôn như: Giúp cho vay gạo lúc khó khăn, định hướng phát triển kinh tế, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Qua đó, từng bước giúp nhiều hộ trong thôn có điều kiện để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo Nà Bó giảm từ gần 90% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015.

Anh Ma Văn Định, Chủ tịch UBND xã Đức Xuân cho biết: “Nà Bó hiện là thôn nghèo và khó khăn nhất của xã. Nhưng bà con rất chịu thương, chịu khó trong làm ăn, phát triển kinh tế, biết mạnh dạn áp dụng giống mới vào sản xuất, nhận thức bà con người Dao từng bước được đổi thay. Kết quả ấy, có sự đóng góp lớn của Trưởng thôn Triệu Giào Pú. Anh Pú là người cần cù, chịu khó, nhiệt tình trong công tác xã hội, gương mẫu phát triển kinh tế, là gương sáng cho bà con học tập và xứng đáng nhận được Giấy khen của xã, huyện”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một Bí thư Chi bộ thôn được nhân dân tín nhiệm

BHG- Anh Lù Văn Sơn, sinh năm 1973, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn Hạ B, xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì) là điển hình tích cực trong lao động sản xuất và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

30/11/2015
Trường THCS Hữu Vinh nâng cao chất lượng giáo dục từ học tập và làm theo gương Bác

BHG- Trường THCS Hữu Vinh (Yên Minh) được chia tách từ Trường cấp 1 - 2 Hữu Vinh vào năm 2003. Sau hơn 10 năm thành lập, từ sự nỗ lực, cố gắng của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường và hiệu quả phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thi đua "Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang", trường được đánh giá là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt nhất huyện và là một trong 2 trường THCS đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

30/11/2015
Tỏa sáng giữa đời thường

BHG- Không chỉ gây dựng kinh tế từ đôi bàn tay trắng, mà bản thân còn khuyết tật vận động; nhưng nông dân Ngô Quang Toàn, thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) đã thực sự tỏa sáng giữa đời thường... Bằng nghị lực vượt khó và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang để phát triển kinh tế, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chân chính.

27/01/2016
Nữ Bí thư Chi bộ thôn Bản Bang gương mẫu

BHG- Đến thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) vào những ngày đầu Đông, những người nông dân vẫn cần mẫn chăm bón hoa màu trong tiết trời mưa phùn, giá rét. Những lúc ngơi tay, trong câu chuyện rôm rả nơi đồng ruộng bà con vẫn hay nhắc về nữ Bí thư Chi bộ của thôn – chị Đặng Thị Sìu. Chị Sìu sinh năm 1971, dân tộc Dao, chị được biết đến là người vợ hiền, mẹ đảm, hết mực chăm lo cho gia đình, đồng thời là một Bí thư Chi bộ năng động, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của thôn.

23/12/2015