Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang - Kỳ II: Thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện

15:38, 26/10/2023

BHG - Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của cả nước, có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Tỉnh uỷ đã họp bàn thống nhất đưa ra những quyết sách làm sao để vừa giải quyết được các khó khăn, vừa tập trung bảo vệ biên cương Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế gắn với ổn định quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới. Chính vì lẽ đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, tích cực phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, biến thách thức thành tiềm năng cơ hội mới. Trong đó ngành Nông nghiệp đang dần khẳng định là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tập trung lãnh chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp đi đúng hướng

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định rõ phương án phát triển ngành Nông nghiệp. Trong đó, tỉnh Hà Giang định hướng phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao. Tập trung phát triển theo 2 trục, một là: Đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm, bao gồm: Nhóm cây lương thực, nhóm cây thực phẩm; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày; Hai là, Ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện tập trung vào phát triển 5 cây, 3 con, là: Chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, cây ăn quả ôn đới, dược liệu, lúa chất lượng cao, tam giác mạch - bò vàng, lợn địa phương. Bước đầu đã xác định được vùng nguyên liệu sản xuất hàng hoá tập trung, hình thành được chuỗi giá trị chè Shan tuyết, chuỗi giá trị sản phẩm mật ong bạc hà và tập trung vào các sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ.

Phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp. Để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố chủ động thực hiện công tác quy hoạch, ban hành kế hoạch, các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức phát triển hàng hoá kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cùng phát triển. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh cho 35 dự án/kế hoạch, trong đó có 03 dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ là 19.644 triệu đồng; cấp huyện là 32 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 14.123 triệu đồng.

Mô hình nhà màn trồng cây hoa Trà của anh Lưu Trần Phong, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nhà màn trồng cây hoa Trà của anh Lưu Trần Phong, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp tục thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm OCOP, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình OCOP phải bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu Chương trình và tình hình thực tế tại địa phương. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh hàng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chương trình có hiệu quả, đảm bảo yêu cầu và tuân thủ thực hiện theo đúng quy định của Chương trình.

Qua sự thống nhất, đồng lòng triển khai thực hiện đồng bộ và xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, các huyện, thành phố đều có sản phẩm chủ lực theo chuẩn OCOP; toàn tỉnh có 201 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, 181 sản phẩm đạt 3 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 02 sản phẩm đạt 5 sao. Một số huyện triển khai thực hiện tốt   Đề án, điển hình như huyện Đồng Văn, bước đầu một số sản phẩm hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, có sản phẩm thế mạnh của vùng như mật ong bạc hà, dệt thổ cẩm, lê, dược liệu, tam giác mạch,… Một số sản phẩm đã có thương hiệu và đạt 3 sao, 4 sao như Lanh trắng, mật ong bạc hà,… hình thành một số làng nghề truyền thống như Làng nghề hương nhang sạch, Làng nghề làm Khèn Mông, Làng nghề đan lát, Làng nghề đúc bạc, Làng nghề thêu dệt,…cùng với việc thúc đẩy tăng giá trị chăn nuôi hàng năm đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng sản xuất lĩnh vực nông nghiệp của huyện.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân cùng tham gia sản xuất hàng hoá, tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến. Từ đó đưa nông sản của tỉnh trở thành hàng hóa có giá trị, thiết thực nâng cao đời sống của nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 385 tổ hợp tác, 96 Hợp tác xã và 18 doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như chè Shan Tuyết, mật ong bạc hà, cam, bò vàng. Hình thành một số chuỗi giá trị như Hợp tác xã Fìn Hồ Trà; Công ty cổ phần Trà Cổ Việt; Hợp tác xã Tuấn Dũng; Hợp tác xã Pó Mỷ; Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng; Công ty Cổ phần cam ta; Hợp tác xã Phú Vinh; Hợp tác xã Cát Lý tiêu thụ chế biến sản phẩm bò vàng của huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Để đảm bảo an ninh lượng thực, thực phẩm, trong những năm gần đây, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo chuyển đổi đất trồng ngô sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn. Vì vậy, trên địa bàn các huyện, thành phố đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo trong chuyển đổi đất trồng ngô sang các cây trồng khác đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, dự án chuyển đổi đất trồng ngô sang cây khác đem lại giá trị cao hơn tại các huyện Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên và Bắc Quang. Trong đó, thực hiện chuyển đổi đất trồng ngô địa phương sang trồng ngô lai, sang trồng cây ăn quả, sang trồng cây rau, đậu các loại hoặc chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây cỏ phục vụ chăn nuôi. Bước đầu đã liên kết được nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm trong canh tác rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi tham gia thực hiện và hình thành được mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Quá trình chuyển đổi cây trồng đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân, tăng cường sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để cấp uỷ, chính quyền cơ sở chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Tập trung phát triển kinh tế vườn hộ trong sản xuất nông nghiệp

Nhận thấy kinh tế vườn của tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh. Người dân chưa biết cách cải tạo vườn tạp để tạo ra sinh kế đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, cùng với việc phát triển các mặt hàng chủ lực, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ với kỳ vọng giảm nghèo bền vững cho đồng bào Hà Giang. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành cơ chế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn với lãi suất 0%   qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng với trên 6.500 khu vườn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với quan điểm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, đến nay, sau gần ba năm triển khai Nghị quyết, Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.331 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, đạt 35,86% mục tiêu Chương trình đề ra. Số vườn đã cho hiệu quả kinh tế là 1.935 vườn, chiếm 83,01%. Số lao động được giải quyết việc làm ổn định là 2.331 người. Có thể thấy, Chương trình đã giúp thay đổi tư duy, nhận thức của bà con về trồng trọt, chăn nuôi sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn quê hương.

Tại những khu vườn của các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, những mảnh vườn khô cằn, hoang hóa đã được bố trí sạch đẹp, khoa học, các loại cây trồng được quy hoạch thành từng khu; chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch hợp lý đảm bảo vệ sinh môi trường đã là những thành công bước đầu trong thực hiện cải tạo vườn tạp của tỉnh Hà Giang, là động lực để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình và xây dựng vườn mẫu, giúp cải thiện đời sống người dân.

Một số giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại

Có thể nhận thấy, việc chuyển dịch sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, có sản phẩm đặc trưng đã từng bước phát huy lợi thế của địa phương giúp thu nhập và đời sống của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Từ đó khẳng định tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển các mặt hàng chủ lực còn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng giá trị thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ còn hạn chế, thiếu đa dạng các sản phẩm.

Nhiều mảnh vườn của các hộ dân xã Quang Minh, huyện Bắc Quang trước đây cằn cỗi nay trở lên xanh tốt, màu mỡ sau khi tham gia Chương trình cải tạo vườn tạp.
Nhiều mảnh vườn của các hộ dân xã Quang Minh, huyện Bắc Quang trước đây cằn cỗi nay trở lên xanh tốt, màu mỡ sau khi tham gia Chương trình cải tạo vườn tạp.

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Đối với ngành Nông nghiệp cần bám chắc vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh để thực hiện; linh hoạt chủ động, sáng tạo, nhân rộng các mô hình, cách làm hay tạo sức lan toả. Triển khai quyết liệt Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển các vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, khai thác các thế mạnh mặt nước để phát triển thuỷ sản, thuỷ cầm có giá trị kinh tế. Xây dựng 1-2 sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn, trọng điểm là chè Shan Tuyết cổ thụ, mật ong Bạc Hà.

Thúc đẩy phát triển và nâng tầm các sản phẩm OCOP, ngành nghề khu vực nông thôn tạo việc làm cho người dân. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước gắn với việc củng cố nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận để nâng hạng sao cho các sản phẩm; phát triển mới các sản phẩm OCOP định hướng vào các sản phẩm đã được xác định trong Nghị quyết nhằm thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết. Nghiên cứu tìm giải pháp để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khởi nghiệp và phát triển bền vững nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục củng cố hoạt động của các Hợp tác xã, chú trọng phát triển các tổ hợp tác, nhóm sở thích để thực hiện chuyển đổi, thúc đẩy sản xuất.

Trong thực hiện các giải pháp huy động vốn đầu tư, cần tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các dịch vụ nông nghiệp. Có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn, nhất là các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh, như: Chè Shan tuyết, cam sành, dược liệu… Triển khai, lồng ghép hiệu quả các cơ chế, chính sách để có nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và đầu tư hạ tầng sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia làm chủ thể liên kết sản xuất với người dân theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số. Tổ chức quán triệt để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao.

Tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật nâng cao trình độ của người lao động trong nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao để chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, có giá trị thương mại cao thích nghi với điều kiện khí hậu các vùng miền trong tỉnh tạo đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đúng hướng. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; bảo tồn không gian sinh thái và đa dạng sinh học gắn với không gian sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Xác định rõ tiềm năng lợi thế của con người về mảnh đất Hà Giang, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống có giá trị trong phát triển du lịch, kết hợp với khí hậu và thổ nhưỡng riêng có để sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị. Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, với những quyết sách đúng hướng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà, với sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một Hà Giang phát triển, một Hà Giang với những bản làng khang trang, với những con đường sạch đẹp đến tận thôn bản, người dân ấm no, hạnh phúc; bởi chỉ có kinh tế phát triển thì mới giữ được dân, giữ được đất, để mỗi người dân vùng cao Hà Giang là một cột mốc biên cương của Tổ quốc. 

Lan Phương - Nguyễn Đoan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“ Hồi sinh” vườn tạp từ Nghị quyết 05

BHG - Từ những mảnh vườn bạc màu, cằn cỗi, tưởng chừng suy kiệt, hoang hóa, nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng thuận, quyết tâm của người dân, Nghị quyết 05 ra đời, giúp hồi sinh những mảnh vườn trở lại màu xanh ngút ngàn, gọi no ấm cho những làng quê, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.  

26/10/2023
Phát huy vai trò lãnh chỉ đạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp Hà Giang - Kỳ I: Quyết tâm tạo nền tảng vững chắc đưa ngành Nông nghiệp lên một bước tiến mới

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đưa ra, có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân và Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. 

24/10/2023
Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ cuối - “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
BHG - Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tìm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp chiến lược phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân chính là cách Đảng bộ tỉnh tiếp tục đưa Nghị quyết 27 thấm sâu hơn vào đời sống đồng bào các dân tộc. Mặt khác, Đảng bộ tỉnh luôn xác định “dân là gốc”, hướng đến mục tiêu cuối cùng xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân và để “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
20/09/2023
Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ III - Tỏa lan niềm vui lớn
BHG - Sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc khi thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đã giúp thay đổi tư duy người dân, mang lại cuộc sống ấm no nơi địa đầu Tổ quốc.
20/09/2023