Báo Hà Giang điện tử
.

Đột phá đưa Hà Giang vươn mình trên đá: Kỳ 2 - Đột phá du lịch “xanh, bản sắc và bền vững”

17:24, 14/09/2023
 

Hà Giang không phát triển du lịch ồ ạt với những công trình cao tầng, đồ sộ mà phát triển du lịch xanh, bản sắc và bền vững theo hướng sinh thái, cộng đồng. Đây là định hướng phát triển du lịch của tỉnh đã được xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Là tỉnh nằm ở khu vực giao thoa giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và giữ vị trí quan trọng trong phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Quốc gia) đánh giá: Hà Giang là một trong số các tỉnh có tài nguyên du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Với địa hình chia cắt rất mạnh, có tính phân bậc cao đã tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với thung lũng mở rộng và thác nước tạo nên nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo, là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu, điểm du lịch. Cùng với nhiều danh thắng nổi tiếng có giá trị tầm cỡ quốc gia và quốc tế, Hà Giang đã hình thành được nhiều sản phẩm du lịch về khám phá, thưởng ngoạn cảnh quan, địa chất, thể thao mạo hiểm. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch văn hóa ở Hà Giang hết sức phong phú với nhiều di tích lịch sử, khảo cổ, phong tục, văn hoá truyền thống và những lễ hội đặc sắc.

Trang phục truyền thống của người Bố Y

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang được định hướng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. So sánh với nhiều địa phương khác, việc phát triển du lịch của tỉnh còn gặp khó khăn về khả năng tiếp cận, hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng có nhiều lợi thế về sự khác biệt và tính nguyên bản, chưa bị tác động nhiều của yếu tố bên ngoài. Trước bối cảnh thương mại hóa, phát triển du lịch ồ ạt, việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc chính là “chìa khóa” tạo nên giá trị, sức hấp dẫn cho du lịch Hà Giang. Thực hiện chiến lược xây dựng du lịch xanh, bản sắc, tỉnh tập trung phát triển đồng thời du lịch dựa trên giá trị tự nhiên gắn với khai thác giá trị di sản Công viên Địa chất toàn cầu làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển bền vững.

Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh nhận định, chiến lược phát triển du lịch xanh, bản sắc và bền vững của Hà Giang là định hướng đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch nói chung. Đây cũng là yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các yếu tố đặc thù, độc đáo, khác biệt để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu riêng có của du lịch Hà Giang. Qua đó, phát huy tối đa đặc thù tài nguyên, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo, phát triển du lịch bền vững.

Hà Giang có 3 vùng sinh thái khác nhau với những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng. Vùng núi đá phía Bắc có Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Vùng núi đất phía Tây có danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, những rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Vùng động lực phía Nam có nhiều điểm nhấn sản xuất nông nghiệp và là chiến trường xưa một thời oanh liệt trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đặc biệt, là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nền văn hóa đặc sắc, tạo nên bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Giang phát triển du lịch bản sắc.

Lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô ở Đồng Văn
 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII xác định: “Văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển KTXH; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Với quan điểm đó, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó phải kể đến là Đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng đến năm 2025; Đề án Giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đột phá.

 

Dốc Thẩm Mã - điểm check-in nổi tiếng trên Cao nguyên đá

Không ngừng khẳng định thương hiệu, bản sắc của Hà Giang, ngành Du lịch nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chiến lược. Trong đó, chú trọng xây dựng làng văn hóa truyền thống, toàn tỉnh có 16 làng văn hóa được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Các làng đều phát huy hiệu quả, có sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo các lợi ích từ du lịch, thu hút được lượng khách lớn. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống được lưu giữ đã nuôi dưỡng “hồn” văn hóa dân tộc và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng như: Lễ hội Nhảy lửa, lễ hội Bàn Vương, lễ hội Gầu Tào... Ngoài ra, một số lễ hội gắn với các sự kiện thường niên đã trở thành thương hiệu du lịch của Hà Giang, như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Kiến trúc nhà trình tường truyền thống của người Mông

Hiện, toàn tỉnh có 106 điểm du lịch và ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tỉnh xây dựng quy hoạch vùng du lịch khoa học, hướng đến phát triển du lịch bền vững. Trong đó, hình thành 3 không gian du lịch: Không gian du lịch đồi núi thấp gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc, là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch đồi núi đất phía Tây gắn với Di tích danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng. Nhằm tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, tỉnh đã xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư vào du lịch.

Đầu tư bài bản, giữ trọn bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều ngôi làng trên các huyện vùng cao phía Bắc đạt tiêu chí dịch vụ “5 sao”, là lựa chọn hàng đầu trong trong hành trình chinh phục Cao nguyên đá Đồng Văn.

Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc) là ngôi làng độc đáo với thiết kế hình lục giác

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc được xem là làng Mông kiểu mẫu, gây ấn tượng mạnh với không gian đậm đà bản sắc văn hóa, được thiết kế theo hình lục giác. Làng Mông được xây dựng và hoạt động từ giữa năm 2019 với tổng giá trị đầu tư gần 25 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ông Chu Minh Quang, Trưởng Ban quản lý làng cho biết: “Các hộ trong làng rất chú trọng tới việc gìn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mông để phát triển du lịch. Sau nhiều năm hoạt động, làng đã trở thành điểm nhấn quan trọng, thu hút khách du lịch của huyện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh cho người dân. Năm 2022, làng đón trên 200 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu trên 60 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023, đón trên 150 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.”

Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) nhìn từ trên cao

Nằm dưới chân núi Rồng, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) là ngôi làng đáng sống nơi cực Bắc Tổ quốc. Người Lô Lô ngoài giữ vững niềm tin bám bản, giữ đất biên cương, giờ đây đã và đang mạnh dạn làm du lịch. Thôn có tới 32/40 hộ làm du lịch. Từ những căn nhà gỗ, trình tường, thậm chí chuồng trại gia súc đã được người dân cải tạo, sửa sang lại sạch, đẹp, độc đáo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc của dân tộc mình để phục vụ du khách. Không chỉ mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm, người dân trong thôn đã biết tạo chuỗi liên kết giữa du lịch và nông nghiệp, hình thành hệ thống cung ứng thực phẩm sạch cho những hộ làm homestay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Mỗi năm, thôn đón trên 10 nghìn lượt khách tới tham quan, lưu trú - Trưởng thôn Lô Lô Chải, Sình Dỉ Gai chia sẻ.

Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village nằm ở xã Đông Hà (Quản Bạ) là điểm nghỉ dưỡng, tham quan, ẩm thực, giải trí và trải nghiệm hấp dẫn trong hành trình khám phá Cao Nguyên đá. Phát triển từ nền tảng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, khu nghỉ dưỡng có sự kết hợp hoàn hảo của những vật liệu tự nhiên, mang đến không gian gợi nhớ dấu ấn xa xưa, truyền thống mà vẫn mang hơi thở đương đại. Trên quy mô 20 ha, khu nghỉ dưỡng gồm 2 khu với hệ thống nhà cộng đồng, nhà trình tường xây dựng theo kiến trúc người Mông, Bungalow hình quẩy tấu. Ngoài ra, Khu nghỉ dưỡng có nhiều công trình phụ trợ, bể bơi nước nóng, bể bơi vô cực, sân bóng đá, tenis… Nếu như làng Mông Pả vi hay làng Lô Lô Chải mang đậm “hơi thở” của bản làng thì H’Mong Village hướng tới đáp ứng nhu cầu du lịch cao cấp hơn. Năm 2022, H’Mong Village vinh dự nhận giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN. Đây là giải thưởng cao quý của ASEAN nhằm tôn vinh, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và dịch du lịch chất lượng cao trong khu vực.

Những bungalow hình quẩy tấu tại Khu nghỉ dưỡng H'Mong Village

Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch H'Mong Vilage cho biết: Thực hiện đúng chủ trương của tỉnh, với mục tiêu lấy văn hóa để phát triển du lịch, từ du lịch quay trở lại bảo tồn văn hóa, chúng tôi tập trung phát triển khu nghỉ dưỡng dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống gắn với xây dựng du lịch xanh, bản sắc. Thiết kế xây dựng hoàn toàn lấy kiến trúc nhà truyền thống và hình ảnh chiếc quẩy tấu của dân tộc Mông làm điểm nhấn, xen kẽ cảnh quan tự nhiên giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm một Hà Giang thu nhỏ đầy chất thơ.

Quan tâm phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh đạt trên 1.256 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch ước đạt 500 tỷ đồng. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai tích cực, trong đó, đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số, triển khai linh hoạt, phù hợp các chính sách phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế du lịch với các tỉnh Đông - Tây Bắc và ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với một số nước nhằm đẩy mạnh giao lưu, kết nối phát triển.

Du khách trải nghiệm mặc trang phục truyền thống các dân tộc vùng Cao nguyên đá

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, tỉnh lọt top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do Hãng truyền thông Quốc tế CNN bình chọn. Mới đây nhất, Hà Giang được Tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới vinh danh là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023. Đặc biệt, vị thế Hà Giang càng được khẳng định khi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giữ vững danh hiệu sau 3 lần tái đánh giá. Năm 2022, khách du lịch đến tỉnh đạt trên 2,2 triệu lượt, ước tính hết năm 2023 đạt khoảng trên 3 triệu lượt.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng chứng nhận tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND 4 huyện vùng Cao nguyên đá

 

Tỉnh Hà Giang được trao giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á

Những con số ấn tượng trên cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch nơi cực Bắc Tổ quốc, khẳng định du lịch “xanh, bản sắc, bền vững” là hướng đi đúng, biến di sản thành tài sản, biến tiềm năng thành động lực, đưa Hà Giang trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ đối với du khách trong nước và quốc tế. Song, để đạt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Hà Giang cần phát triển đan xen và đồng bộ về hạ tầng giao thông.

Mộc Lan - Phạm Hoan - My Ly (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp