Báo Hà Giang điện tử
.

Đột phá đưa Hà Giang vươn mình trên đá: Kỳ 1 - Tạo sinh kế bền vững cho người dân

15:12, 14/09/2023
 

 

Đi tìm lời giải cho “bài toán” làm thế nào để đem lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số? Qua các kỳ đại hội và đặc biệt là đến nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã có những chủ trương, định hướng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, sức mạnh nội sinh, tiềm lực nhân dân, làm tươi sáng bức tranh giảm nghèo, thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ngược lên Cao nguyên đá giữa mùa Thu, nhìn từ xa, thôn Há Súng, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn hiện ra là những thung lũng nhỏ đan xen những ngọn núi đá cao vời vợi. Bao đời nay, đồng bào người Mông sinh sống yên bình, hiền hòa, bao bọc dưới chân núi. Ở một nơi đá nhiều hơn đất, khí hậu lại vô cùng khắc nghiệt, có những mảnh vườn xanh mướt như thảm trải dài trên triền đá. Khi vạt nắng nhô cao, người dân gọi nhau chăm chút, nâng niu những mầm xanh, thứ mưu sinh của đồng bào vùng cao, đó chính là cây Sâm khoai.

Cây Sâm khoai cho năng suất, giá trị kinh tế cao ở Tả Lủng (Đồng Văn)

Đi giữa vườn Sâm khoai xanh tốt, anh Vàng Mí Say phấn khởi cho biết: “Từ xưa, người dân trong thôn Há Súng chỉ biết trồng ngô nên thu nhập rất thấp. Từ chủ trương thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ của tỉnh, mô hình trồng cây Sâm khoai thành công ngoài mong đợi, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nhân rộng diện tích. Ở vùng canh tác bằng phẳng vốn đã vất vả nhưng trên miền đá này khó khăn hơn rất nhiều, với cách bù đất lấp đá, bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, gia đình tôi đã cải tạo được hơn 700 m2 đất để trồng cây Sâm khoai. Đất không phụ công người, vụ đầu tiên sản lượng Sâm khoai đạt gần 3 tấn, giá bán trên 10 nghìn đồng/kg, tôi thu về 30 triệu đồng, cuộc sống khấm khá, ổn định hơn”.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, cây Sâm khoai nảy nở, vươn mình trên cao nguyên Tả Lủng đã tạo sinh kế rất tốt cho đồng bào. Đến nay, tổng diện tích cây Sâm khoai trên địa bàn xã đã tăng lên hơn 5 ha và đang tiến tới trở thành cây trồng chủ lực của địa phương - Chủ tịch UBND xã Tả Lủng, Dương Văn Nghị chia sẻ.

Xuôi về những huyện vùng thấp, trong 10 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc phát triển lâm nghiệp lan tỏa rộng khắp ở Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Xã Đồng Tiến, huyện Bắc Quang là điểm sáng trồng rừng kinh tế với trên 1.000 ha, riêng cây quế chiếm hơn một nửa, sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay đạt 2.100 m3. Nguồn lợi từ gỗ quế, vỏ quế, tinh dầu quế trong 1 chu kỳ trồng (10 - 15 năm) khi khai thác có thể thu về 200 triệu đồng/ha. Cây quế bây giờ được nhiều vùng ví như “vàng xanh” của núi rừng.

Trồng Quế phát triển kinh tế rừng ở Quang Bình

Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên là một trong những xứ chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh. Cây chè không biết có từ khi nào, có những cây tuổi đời hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam. Chè Shan tuyết được trồng ở cả 11 thôn, bản trong xã, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trung bình mỗi năm, sản lượng thu hái đạt hơn 1.800 tấn chè búp tươi, giá trị kinh tế đạt hơn 32 tỷ đồng. Đối với người Dao giữa đại ngàn núi rừng Cao Bồ, cây chè được ví như báu vật, tâm hồn, nhờ có nó mà đồng bào có việc làm, của ăn, của để và có những nhà đã giàu lên từ chè. Không những vậy, chè cùng với các sản phẩm như cam Sành, mật ong Bạc hà, hồng không hạt, bò vàng, lợn đen, gà đen… là một trong những sản phẩm đặc trưng, bản sắc, thương hiệu được quan tâm, khuyến khích phát triển.

 

Trong 8 lời thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang khi Người lên thăm tháng 3.1961, có 1 điều Bác dặn: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người có áo ấm, cơm no”. Đã 62 năm qua, khắc ghi những lời dạy của Người, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào, công tác giảm nghèo, tạo sinh kế cho nhân dân vẫn là vấn đề cốt lõi được đặt lên hàng đầu. Nhiều chương trình như: “Mái nhà, bể nước, con bò”; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cựu chiến binh nghèo, người có công đã để lại tiếng vang, dấu ấn, tạo nền tảng bứt phá phát triển KT - XH. Đồng thời, làm chuyển biến sâu sắc tư duy, nhận thức và hành động của đồng bào để làm giàu trên chính trên mảnh đất quê hương. 

Nghị quyết số 11 ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, nghèo nhất cả nước với 7 huyện nghèo địa hình núi đá, chia cắt mạnh, có tới 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết và có nhiều cách làm sáng tạo nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế gắn với liên kết vùng theo phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

Đồng bào dân tộc Nùng, thôn Khuổi Cuổm, xã Yên Hà (Quang Bình) thoát nghèo nhờ trồng rừng
 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; trong đó “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” là một đột phá chiến lược, quan trọng. Kế thừa và phát huy những thành quả trước đó trong công cuộc giảm nghèo và hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề nhằm tạo sinh kế cho người dân vươn lên trên chính mảnh đất quê hương là: Nghị quyết số 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho nhân dân giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững và Nghị quyết số 17 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: “Là một tỉnh miền núi, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Thông qua các chương trình lớn, trọng tâm của tỉnh, toàn ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai, thực hiện nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho đồng bào cực Bắc”.

Dưới ánh sáng của Đảng soi đường, cùng các cấp, các ngành, 19 dân tộc anh em không kể giàu, nghèo luôn đoàn kết, đồng lòng, kề vai, sát cánh biến khó khăn thành động lực, điều không thể thành có thể để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến trực tiếp với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Dù mới đi được một nửa nhiệm kỳ, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 72 nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay 480 tỷ đồng phát triển sản xuất. Từ đó, kết tinh thành những “quả ngọt” nơi biên cương dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Người dân Yên Minh cải tạo vườn tạp, trồng Xoài đem lại thu nhập cao

Một trong những nghị quyết đi vào lòng dân nhanh nhất, sớm nhất là Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp. Với sức hút của chương trình, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều chủ động vào cuộc, phần lớn các địa phương có cách rất bài bản, linh hoạt như: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, riêng huyện Yên Minh đã hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn.

 

Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 05, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.756 hộ nghèo, cận nghèo tham gia cải tạo vườn tạp. Những mảnh vườn khô cằn, hoang hóa ngày nào giờ đây được phủ xanh và thay thế bằng những vườn rau, cây ăn quả bốn mùa tươi tốt. Trong đó, hơn 1.900 vườn hộ cho hiệu quả kinh tế, thu nhập đạt 18,8 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Đặc biệt, cải tạo vườn tạp không chỉ đem lại sinh kế cho hộ nghèo, với phương châm không để lãng phí tài nguyên đất, chương trình đã lan tỏa khí thế thi đua cải tạo vườn ở các hộ trung bình, khá, giàu với hơn 3.400 vườn, tổng diện tích trên 304ha đã được cải tạo.

 

Mật ong Bạc hà là sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của tỉnh

Đem theo không khí thi đua lao động, sản xuất sôi nổi của chương trình cải tạo vườn tạp đến phong trào trồng rừng, nhờ sự tiếp sức kịp thời của các nguồn vốn ưu đãi phát triển lâm nghiệp bền vững, người dân các xã vùng II, III đã được hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1.254 ha; hỗ trợ và khoán cho công tác bảo vệ rừng hơn 290.000 ha. Diện tích rừng trồng cây gỗ lớn là keo, quế không ngừng nâng lên, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt khoảng 1.500 tỷ/năm, chiếm 10 - 11% trong cơ cấu nhóm ngành nông, lâm nghiệp.

Người dân không những mặn mà hơn trên đồng ruộng, gắn bó và coi những cánh rừng tài sản vô giá, mà còn nỗ lực xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng của vùng. Nếu như vùng Cao nguyên đá có thương hiệu bò vàng, mật ong Bạc Hà, Tam giác mạch thì các địa phương khác có chè Shan tuyết lừng danh, cam Sành nổi tiếng, gạo chất lượng cao. Bà con nông dân đang chuyển mình đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, hội nhập sâu rộng với thị trường. Trên toàn tỉnh có 201 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao; Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho 8 sản phẩm và 130 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu.

Sản phẩm trà bánh chế biến từ chè Shan Tuyết cổ thụ

Nhờ chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng cùng sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân của đã tạo tư liệu sản xuất cho những người yếu thế, thiếu đất, thiếu vốn cũng như đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất đa dạng hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế. Từ mô hình thí điểm trồng Sâm khoai ở xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn đã mở rộng diện tích lên 34 ha. Hơn hết, củ sâm khoai đã được bao tiêu, đóng gói và chế biến thành các sản phẩm như phở sâm, mứt sâm…

 

Với triển vọng kinh tế rừng ở xã Đồng Tiến, huyện Bắc Quang, bà con đã tự bỏ vốn liếng ra trồng rừng không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Dựa vào thành quả của việc sản xuất chè hữu cơ Cao Bồ của huyện Vị Xuyên, nhiều vùng trồng chè ở huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì cũng học tập làm theo.

Vườn tạp ở xã Phong Quang (Vị Xuyên) thay áo mới

Là một tỉnh đặc biệt khó khăn, miền núi biên giới, ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Hà Giang còn 45,7%. Công tác giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân còn một chặng đường rất dài phía trước. Tuy nhiên, với trên 201.268 ha nông nghiệp, trên 472.808 ha đất lâm nghiệp cùng với 3 vùng phát triển KT - XH mang thế mạnh, bản sắc khác nhau, những chương trình hỗ trợ sinh kế đang triển khai của Đảng bộ tỉnh sẽ khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của nhân dân để vươn lên bằng tiềm lực sẵn có, huy động nhiều bàn tay cùng chung sức khai thác tối đa tài nguyên đất đai, khí hậu, nhân lực còn đang bỏ ngỏ.

Người dân Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Nặm Đăm (Quản Bạ) sản xuất các sản phẩm dược liệu để phục vụ du khách

Dẫu biết phía trước còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với một niềm tin, ý chí quyết tâm mạnh mẽ sẽ nhân lên nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong hành trình giảm nghèo, tạo bàn đạp gắn kết và phát triển song song giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với du lịch và thương mại, đưa Hà Giang ngày một tiến xa và hòa cùng dòng chảy hội nhập trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Mộc Lan - Phạm Hoan - My Ly (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp