Báo Hà Giang điện tử
.

Ấm lòng người ở lại...

11:09, 27/07/2023

 

BHG - Nằm cạnh Quốc lộ 2, tựa lưng vào dãy núi Tây Côn lĩnh, phía trước hướng về dòng sông Lô huyền thoại, Nghĩa trang Liệt sỹ (NTLS) Quốc gia Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của trên 1.800 Anh hùng liệt sỹ và một mộ tập thể giờ đây đã trở thành hoa viên với kiến trúc đẹp, hài hòa, khang trang, xứng tầm NTLS cấp quốc gia, có ý nghĩa lịch sử to lớn, ấm lòng người ở lại, đồng thời là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch tâm linh của tỉnh.

 

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra trong thời gian 10 năm (1979 - 1989). Mặt trận Vị Xuyên từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành điểm nóng ác liệt nhất. Trong gần chục năm ròng ấy, không khi nào biên giới Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới bắn sang. Việt Nam đã huy động tới hàng chục sư đoàn chủ lực, các trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, đặc công, pháo binh, công binh và hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ tham gia chiến đấu. Hàng trăm trận chiến diễn ra rất quyết liệt, các chiến sỹ giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm 1509, 1100, 772, 685, 223, Bốn Hầm, Cô Ích… để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Ác liệt đến mức mà các chiến sỹ gọi đó là “Lò vôi thế kỷ”, "Cối xay thịt người”, "Đồi thịt băm". Có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn cả 3m. Với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn biên cương của Tổ quốc, buộc địch phải rút quân về bên kia biên giới. Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị bắn phá, hàng nghìn ha ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, nhiễm đầy bom mìn, vật nổ và đến nay, hàng nghìn liệt sỹ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin.

 Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468

Biên cương đã ngừng chiến trận từ lâu, màu xanh cuộc sống đã hồi sinh trên vùng chiến địa ác liệt năm nào, nhưng bản hùng ca về một Vị Xuyên bất khuất, anh dũng, kiên cường và sự hy sinh lo lớn của các Anh hùng liệt sỹ luôn vang mãi trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam.

 

 

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân các Anh hùng liệt sỹ, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xây dựng NTLS Quốc gia Vị Xuyên để an táng hài cốt các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 tại tổ 18, thị trấn Vị Xuyên, hoàn thành năm 1991 với quy mô hơn 2ha. Qua thời gian, diện tích nghĩa trang bị hẹp, không đảm bảo yêu cầu thực tế khi có thêm nhiều hài cốt liệt sỹ được tìm kiếm, quy tập về, đồng thời để xứng tầm với một NTLS  cấp quốc gia, xây dựng công trình kiến trúc đẹp, hài hòa, mang tính truyền thống, có ý nghĩa là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào, giáo dục truyền thống cách mạng, tạo điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc và tâm linh cho khu vực, năm 2016, UBND tỉnh quyết định phê quyệt Dự án tu bổ, mở rộng, quy tập NTLS Vị Xuyên với quy mô 10 ha, gồm các hạng mục: Nhà lưu bút, nhà trung tâm thông tin, nhà dịch vụ đồ lễ, nhà để bia ghi danh, đền thờ, sân hành lễ, quảng trường, đường, bậc đi bộ, bồn hoa, cây xanh... Nghĩa trang sau tu bổ, mở rộng có quy mô 5.400 ngôi mộ, trong đó xây mới 3.662 mộ.

 

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

Bên cạnh các anh luôn có những đồng đội "sưởi ấm"

Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau các lần điều chỉnh trên 327 tỷ đồng, từ ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh và hỗ trợ của Bộ Quốc phòng. Dự án được triển khi thuận lợi với sự đồng thuận từ nhân dân trong giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công. Những phần mộ liệt sỹ đều được lát đá trang trọng, chăm sóc chu đáo, có hoa, cờ Tổ quốc và hương khói quanh năm, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, thế hệ hôm nay với sự hy sinh to lớn của các anh, giúp ấm lòng đồng đội, người thân và sưởi ấm linh hồn người ở lại.

Chị Lục Thị Thuận, em gái của Liệt sỹ Lục Văn Bình, quê Lào Cai

Chị Lục Thị Thuận, em gái của Liệt sỹ Lục Văn Bình, quê Lào Cai chia sẻ: "Năm nào gia đình cũng đến đây thắp hương cho các Anh hùng liệt sỹ. NTLS Quốc gia Vị Xuyên hiện nay được xây dựng rất khang trang, to đẹp, phần mộ các liệt sỹ được chăm sóc chu đáo nên dù ở xa, không thường xuyên đến để thắp hương được cho người thân nhưng gia đình rất yên tâm".

Cựu Chiến binh Trần Đình Tân

 

Cựu Chiến binh Trần Đình Tân, đến từ Thái Nguyên, người trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, người cảm nhận rõ nhiều đồng đội của mình hy sinh trên chiến trường, chia sẻ: "Trước đây, NTLS nhỏ, phần mộ các đồng đội đơn sơ. Nhưng hiện nay đã được xây dựng rất khang trang, xứng tầm, nhiều đồng đội đã được tìm kiếm, quy tập về đây, các phần mộ lát đá sạch sẽ, thông tin rõ ràng, có hoa, cờ Tổ quốc, hương khói quang năm, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước. Chúng tôi về đây mỗi năm với đồng đội, cũng cảm thấy xúc động, ấm lòng".

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên trước và sau khi trùng tu, nâng cấp.
 

Để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ du khách, người thân, đồng đội tra cứu, tìm kiếm thông tin liệt sỹ, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối với các đơn vị, địa phương đăng ký và đưa vào sử dụng ứng dụng Zalo “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên” bằng cách tìm kiếm “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên” hoặc quét mã QR. Thông qua tính năng trả lời tự động, trang Zalo cho phép thân nhân tra cứu thông tin, vị trí của phần mộ của liệt sỹ ngay trên điện thoại thông minh. Thân nhân cung cấp càng nhiều thông tin về liệt sỹ thì kết quả tìm kiếm càng nhanh và chính xác. Ngoài ra, thân nhân, đồng đội, các đơn vị có thể đăng ký trước lịch viếng, cung cấp thông tin đoàn viếng và các dịch vụ hỗ trợ để Ban quản lý nghĩa trang chuẩn bị, sắp xếp lễ viếng chu đáo.

 

 

"Đón các anh về trong vòng tay tình mẹ

Ấm áp con tim nỗi nhớ ngày chia xa

Sống bám đá mà đánh giặc

Chết hóa thành bất tử”

Đón các anh về...

Từ sau khi được tôn tạo, nâng cấp, NTLS Quốc gia Vị Xuyên đã nhiều lần được đón thêm các Anh hùng liệt sỹ về yên nghỉ, về "mái nhà chung" cùng đồng đội. Gần 4 thập kỷ nằm lại giữa chiến trường cho bình yên Tổ quốc, trong không khí trang nghiêm với nghi thức trọng thể, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh cùng đồng đội và người dân đón các anh từ khe đá, thung sâu về NTLS Quốc gia Vị Xuyên, nơi có gần 2.000 đồng đội các anh đang yên nghỉ.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

 

Năm nào cũng vậy, trời tháng 7 Vị Xuyên mưa nhiều, nhưng hôm đón các anh về, nắng mới trong xanh. Hài cốt của các anh được tìm thấy trên các điểm cao, khe đá, thung sâu, nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Hiện nay, vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sỹ còn nằm lại trên chiến trường chưa được tìm thấy và quy tập. Máu của các anh hòa cùng đất mẹ.

Các đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ

Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo phần mộ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được tỉnh quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 quy tập được trên 130 hài cốt liệt sỹ và 1 mộ tập thể. Nâng cấp, tu bổ NTLS Quốc gia Vị Xuyên và các nghĩa trang, đài tưởng niệm, công trình ghi công liệt sỹ.

 

 

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên giờ là "trang viên" ấm lòng người ở lại; đồng thời là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng thế hệ trẻ nơi cực Bắc Tổ quốc luôn thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".

Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên Nguyễn Tuấn Thọ chia sẻ: Hàng năm, ngoài việc chăm sóc NTLS Quốc gia Vị Xuyên, các cơ sở Đoàn, trường học trên địa bàn huyện thường tổ chức các buổi hành trình về nguồn, thắp nến tri ân, sinh hoạt ngoại khóa tại NTLS, mời các cựu chiến binh đến nói chuyện lịch sử, truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên. Qua đó giúp các em đoàn viên, thanh thiếu niên hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, trân quý hơn giá trị của hòa bình hôm nay, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức về vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, từ đó nỗ lực học tập, cống hiến sức trẻ, trí tuệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh.

Các đồng đội còn sống thắp nén hương thơm và cùng hát những giai điệu tưởng nhớ tới các đồng đội đang yên nghỉ

Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, tri ân các Anh hùng liệt sỹ cũng được địa phương tổ chức tại đây, tạo không gian sinh hoạt văn hóa vui vẻ, đầm ấm. Tuyến du lịch tâm linh “Thăm chiến trường xưa” đi qua các điểm: Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468, hang Dơi, hang Làng Lò, làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, Bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ xã Lao Chải, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy được đông đảo du khách quan tâm, đến tham quan, tìm hiểu.

Bải, ảnh, video: Biện Luân - Duy Tuấn I Thiết kế: Lê Lâm


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp