Thương nhớ phiên chợ Phong lưu Khâu Vai

10:25, 29/04/2024

BHG - Phiên chợ Phong lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) chỉ diễn ra duy nhất vào ngày 27.3 âm lịch hàng năm luôn gây thương nhớ và để lại ấn tượng sâu sắc bởi sự độc đáo không nơi nào có được.

Đến hẹn lại lên, khi đất trời giao hòa, những triền đá xám được phủ kín màu ngô xanh ngút ngát cũng là lúc mảnh đất Khâu Vai diễn ra phiên chợ tình huyền thoại. Giữa chốn bồng bềnh mây phủ, có một phiên chợ tình không có người mua mà cũng chẳng có người bán, mà đó là phiên chợ dành cho những người có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau. Phiên chợ sẽ bắt đầu từ chiều 26.3 âm lịch hàng năm, khi nắng chiều dần tắt cũng là lúc khắp nẻo đường dẫn về Khâu Vai rộn ràng tiếng cười nói của người dân xuống chợ. Đâu đó tiếng khèn gọi bạn vang xa, lẩn khuất trong tiếng gió, giục giã bước chân thiếu nữ miền sơn cước.

Múa khèn Mông tại chợ Phong lưu Khâu Vai.

Trên những con đường mòn quanh co, cheo leo, từng nhóm thiếu nữ má hồng, xúng xính trang phục đầy sắc màu bước vội mong sớm về tới phiên chợ. Mặc cho rừng sâu, núi cao, mặc những mỏm đá tai mèo nham nhở, sắc nhọn, đôi chân họ vẫn hăm hở vượt đèo, lội suối tìm tới chợ Phong lưu Khâu Vai để chờ đợi người thương; để cùng nhau một đêm uống rượu và tâm sự, ôn lại những tình cảm đã xa. Phiên chợ mang đậm tính nhân văn bởi có khá nhiều đôi vợ chồng cùng rủ nhau đến chợ, để rồi lúc đến nơi mỗi người lại tự đi tìm bạn cũ của mình mà không có sự ghen tuông. Họ coi đó là những giây phút được phép “ngoài vợ, ngoài chồng” và khi “cửa lòng” khép lại là lúc họ trở về với cuộc sống thường nhật.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Hồng Mí Sinh chia sẻ: Năm nay, Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức theo quy mô cấp huyện, bắt đầu từ 4 - 5.4 (tức 26 đến 27.3 âm lịch). Qua lễ hội nhằm giới thiệu cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị mang đầy tính nhân văn cao đẹp của truyền thuyết chợ Phong lưu Khâu Vai; ca ngợi tình yêu đôi lứa trong sáng có sức hấp dẫn, lôi cuốn và làm lay động lòng người, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại ngày nay, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai được tổ chức tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Chợ Phong Lưu Khâu Vai được tổ chức tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.

Đến với phiên chợ Phong lưu Khâu Vai năm nay, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của Cao nguyên đá; trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc mà còn được hòa mình vào các hoạt động hấp dẫn, độc đáo trong khuôn khổ Lễ hội, như: Thi leo cột chinh phục tình yêu; thi tung còn giao duyên, đánh yến, ném pao, địu nước; thi bắn nỏ, bịt mắt bắt vịt; thi chim họa mi hót, thi giã bánh dày; trải nghiệm múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn, trình diễn múa kiếm, múa trống của dân tộc Giáy. Tham gia lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; trải nghiệm thổi khèn Mông; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô; các hoạt động văn hóa, ẩm thực tại chợ đêm thị trấn Mèo Vạc. Đến với chợ Phong lưu Khâu Vai, du khách được trải nghiệm, tham quan khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương; khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái, hoa cúc tại Mê cung đá; khám phá, chinh phục tuyến đi bộ vách đá trắng Mã Pì Lèng; tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi…

Nhằm đảm bảo các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội cũng như các nghi lễ của đồng bào các dân tộc diễn ra theo đúng nghi thức, phong tục tập quán, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí yên tâm, thoải mái cho du khách khi đến với lễ hội, huyện Mèo Vạc tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian; niêm yết danh sách thông tin đường dây nóng của lãnh đạo huyện tại các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn để du khách kịp thời phản ánh. Yêu cầu các cơ sở niêm yết công khai giá bán và bán hàng theo đúng giá niêm yết; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng ký cam kết thực hiện.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà .  							Ảnh: pv
Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà.

Để chủ động trước tình hình du khách đến địa phương có thể tăng đột biến, các lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc phối hợp xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội; nhất là phương án đảm bảo an toàn giao thông cho các thuyền chở khách trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1; phòng, chống cháy nổ tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai; phương án dừng, đỗ xe cho khách du lịch. Bố trí lực lượng tại các tuyến đường, không để xảy ra ách tắc giao thông; phân công cán bộ hướng dẫn các phương tiện giao thông đỗ đúng nơi quy định; tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông trước, trong và sau lễ hội.

Xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể và chu đáo trong công tác chuẩn bị; cán bộ cùng với người dân tiến hành vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm; chỉnh trang, đảm bảo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Bảo đảm đủ nước sinh hoạt tại trung tâm xã cho du khách và các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tuyên truyền các hộ tham gia làm ẩm thực phục vụ du khách; hướng dẫn các hộ làm dịch vụ homestay dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón tiếp khách du lịch. Hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà theo phong tục, tập quán truyền thống của địa phương. Trồng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại khu vực Mê cung đá và chăm sóc tốt các chậu hoa tại khu vực miếu Ông, miếu Bà, đảm bảo hoa nở đúng dịp diễn ra lễ hội.

Đã hơn 100 năm trôi qua, phiên chợ Phong lưu Khâu Vai vẫn vẹn nguyên giá trị. Hãy đến với phiên chợ tình huyền thoại để dành riêng cho mình một khoảng trời thương nhớ; để cảm nhận vẻ đẹp của câu chuyện tình yêu đôi lứa; những khuôn mặt ửng hồng với nụ cười e ấp, ngại ngùng của chàng trai, cô gái miền sơn cước. Không còn lâu nữa, hẹn gặp ở Khâu Vai!

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chị Bàn Thị Tịn làm du lịch cộng đồng
BHG - Sinh năm 1998, Bàn Thị Tịn, dân tộc Dao, ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) ngay từ nhỏ đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của bà con nhân dân nơi đây. Chị Tịn ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất quê hương mình. Và khi du lịch Hà Giang phát triển em là một trong những người đầu tiên mạnh dạn mở dịch vụ du lịch cộng đồng homestay tại thôn Cao Bành.
27/04/2024
Chú trọng quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú
BHG - Những năm qua, du lịch (DL) có bước phát triển ngoạn mục khi lượng khách và doanh thu dịch vụ đều tăng vọt, Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thành tựu đó kéo theo sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL), góp phần tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng phát triển DL nhanh, bền vững nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước về DL.
26/04/2024
Độc đáo chiếc kem que cột mốc ‘Hà Giang 0 Km’
BHG - Đối với nhiều người, mùa hè không thể thiếu đi món kem mát lạnh. Tại địa điểm cột mốc Km 0 đã xuất hiện những que kem nhiều màu sắc với tạo hình thu nhỏ của cột mốc Km0. Chiếc kem này đã tạo thành làn sóng thu hút du khách đến với Hà Giang.
24/04/2024
Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5
BHG - Dự báo dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5.2024 lượng khách du lịch đến Hà Giang sẽ tăng cao do thời gian nghỉ dài ngày. Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng phục vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, ngày 23.4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có Công văn số 611/SVHTTDL-QLDL về việc tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ ngày Giải phóng miền Nam Việt Nam 30.4 và ngày Quốc tế Lao động 1.5.
24/04/2024