Từng bước hiện thực hóa khát vọng giảm nghèo bền vững

07:23, 19/04/2024

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, năm nay tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4%, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 được triển khai trên địa bàn cả nước nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư 48 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển 20 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp 28 nghìn tỷ đồng. Ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên được triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo… nhằm duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều 1-1,5%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Mô hình trồng Dâu tây đem lại thu nhập cao cho người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Ảnh: Yên Hoa
Mô hình trồng Dâu tây đem lại thu nhập cao cho người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Ảnh: Yên Hoa

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giữa năm 2022, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Các cứ liệu khoa học đưa ra tại thời điểm đó khẳng định, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo, ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ giảm nghèo rất lớn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 18,54% cuối năm 2021 (bình quân giảm 4,19%/năm). Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta trong công cuộc giảm nghèo. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, tỉnh ta vẫn còn 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,8%; 24.514 hộ cận nghèo, chiếm 13,04% số hộ toàn tỉnh; nhiều xã, huyện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nhất là 7 huyện biên giới và huyện Bắc Mê.

Từ kết quả nghiên cứu, nhiều đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm nghèo bền vững được đưa ra, như tỉnh cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), cải tạo vườn tạp, xóa bỏ hủ tục... đặc biệt, chú trọng phương pháp truyền thông giảm nghèo; vai trò của GD-ĐT đối với công tác giảm nghèo; tác động của hủ tục đối với công tác xóa đói, giảm nghèo; vai trò của sản phẩm OCOP trong giảm nghèo bền vững; ứng dụng khoa học, kỹ thuật gia tăng giá trị sản phẩm nông sản chủ lực; phát triển kinh tế qua mô hình vườn tạp, phát triển vườn hộ, phát triển du lịch. Còn theo PGS.TS Tô Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - Chính trị, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỉnh cần trang bị kiến thức nền tảng quản lý tài chính, quản lý kinh tế cho các hộ gia đình; nâng cao chất lượng GD-ĐT, trước mắt là đào tạo nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu các hộ nghèo; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; đầu tư phát triển nguồn nhân lực dài hạn…

Căn cứ vào những đề xuất, kiến nghị đưa ra tại hội thảo, đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt những mục tiêu, giải pháp theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, kết thúc năm 2023, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, như số hộ nghèo đa chiều còn 81.451 hộ, chiếm 42,61% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 13.276 hộ, giảm 7,34% so với năm 2022); trong đó, số hộ nghèo là 59.496 hộ, chiếm 31,12% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 10.822 hộ, giảm 5,96% so với năm 2022); số hộ cận nghèo 22.955, chiếm 11,49% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 2.454 hộ, giảm 1,38% so với năm 2022).

Tiếp đà thắng lợi của mục tiêu giảm nghèo đạt được qua từng năm, năm nay tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (giảm khoảng 7.821 hộ nghèo đa chiều), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Tập trung giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài và các tỉnh trong nước 10.500 người; phấn đấu 100% lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ Bảo hiểm y tế. Bảo đảm tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 lao động, phấn đấu cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Hỗ trợ nhà ở cho 4.184 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo; trong đó, xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ. Phấn đấu 88% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 50% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2024 đạt 94,8%. Phấn đấu 85% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet...

Biến những mục tiêu, khát vọng trên thành hiện thực, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị tỉnh ta đã, đang triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, phù hợp tình hình thực tế nhằm hạn chế tái nghèo, giảm nghèo bền vững; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khơi thông “huyết mạch”, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá
BHG - Giao thông được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế; “huyết mạch” được khơi thông sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế bứt phá. Xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông trong phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, có tính kết nối cao, có thứ tự ưu tiên trọng tâm, trọng điểm.
19/04/2024
“Rộn tiếng ca” trên tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
BHG - Giữa những ngày Hè oi ả, hàng nghìn công nhân, máy móc đang hối hả làm việc; công trường “rộn tiếng ca” với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang.
17/04/2024
Bắc Mê nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt trên đơn vị diện tích canh tác
BHG - Xác định ngành Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, đảm bảo kinh tế bền vững; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có quy mô gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, hình thành vùng sản xuất tập trung; đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân... Huyện Bắc Mê huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao sản phẩm trồng trọt trên đơn vị diện tích canh tác.
17/04/2024
Mở rộng đầu ra cho nông sản
BHG - Với mục tiêu đưa thương mại điện tử (TMĐT) trở thành mắt xích quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, tỉnh ta đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực trên các nền tảng số để “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên khắp các thị trường.
15/04/2024