Hà Giang

Người dân 4 thôn ở Nấm Dẩn mong có điện

16:20, 12/12/2021

BHG - Nằm cách thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) gần 15 km, trên Tỉnh lộ 178, xã Nấm Dẩn có điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, tuy nhiên cuộc sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có 4/12 thôn vẫn chưa có điện lưới thắp sáng. 

Ông Thèn Văn Sán đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chưa một ngày được hưởng ánh sáng điện lưới Quốc gia.
Ông Thèn Văn Sán đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chưa một ngày được hưởng ánh sáng điện lưới Quốc gia.

Trong căn nhà sàn bằng tre nứa, ông Thèn Văn Sán ngồi trầm ngâm bên bếp lửa với ấm nước đang bốc hơi ngùn ngụt. Dù đã gần trưa nhưng trời mùa Đông làm cho không gian trong ngôi nhà vẫn tối mịt. Ông Sán năm nay đã ngoài 60 tuổi, từ nhỏ đến giờ ông cũng như các gia đình khác trong thôn vẫn phải sống trong cảnh không có điện sinh hoạt, mọi hoạt động chủ yếu được làm tranh thủ vào ban ngày. Ông Sán cho biết: Chưa có điện nên gia đình phải dùng bếp lửa để vừa đun vừa thắp sáng. Trong nhà lúc nào cũng “thủ” sẵn đèn dầu và nến để phục vụ sinh hoạt vào ban đêm khi có việc cần thiết.

Không có điện cuộc sống người dân ở đây đều bị ảnh hưởng, việc sử dụng các thiết bị điện để nắm bắt các vấn đề trên thông tin đại chúng đều rất hạn chế. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là việc học hành của con trẻ. Gia đình tôi có 1 cháu học lớp 3, để cho con học tập vào ban đêm chúng tôi phải sử dụng đèn mini đi nạp điện nhờ cho con cái học tập. Tôi cũng như người dân ở thôn Nấm Lu ngày đêm mong chờ có điện lưới. 

Không có điện ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh thôn Nấm Lu.
Không có điện ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh thôn Nấm Lu.

Thôn Nấm Lu nằm cách trung tâm xã Nấm Dẩn gần 3 km, toàn thôn có 71 hộ. Được sự đầu tư của chương trình Nông thôn mới, Nấm Lu đã có đường bê tông nối từ trung tâm xã đến nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên về điện lưới thì thôn vẫn đang là “vùng lõm”, khiến cho cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Những năm trước để có ánh điện, một số người dân trong thôn đã góp tiền kéo chung một đường điện từ thôn Đản Điêng (xã Chế Là) về sử dụng.

Anh Hoàng Seo Văn, Trưởng thôn Nấm Lu cho biết: Việc người dân tự kéo điện đã đáp ứng phần nào việc thắp sáng cho một số hộ. Tuy nhiên, điện lúc được lúc không, nhất là giờ cao điểm hoàn toàn không có điện. Điện chủ yếu chỉ dùng để thắp sáng, không sử dụng được cho hoạt động sản xuất, chạy các loại máy móc, thiết bị điện.

Mặt khác, việc kéo điện tự phát nên đường dây không đảm bảo về an toàn, cộng thêm khoảng cách xa nên chỉ sử dụng thắp sáng, không đủ để sử dụng các thiết bị điện trong nhà. Bên cạnh đó, gây ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền, dạy và học tại điểm trường mầm non của thôn. Thôn đã đưa ý kiến người dân kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tương tự, tại thôn Nấm Chà có 60 hộ dân chưa được hưởng ánh sáng của nguồn điện lưới quốc gia. Đây là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, cách trung tâm xã hơn 6 km, chủ yếu đồng bào dân tộc Nùng sinh sống.

Anh Vùi Seo Bính, thôn Nấm Chà chia sẻ, không có điện nên về đêm cuộc sống của bà con nơi đây như bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Chúng tôi rất khao khát một ngày có điện lưới để được xem ti vi, nấu cơm điện, tiếp cận với văn hóa, thông tin của xã hội như người dân ở nơi khác. 

Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn Nguyễn Quang Hưng cho biết: Toàn xã có hơn 780 hộ dân, với 12 thôn. Trong đó, còn 4 thôn chưa có điện lưới gồm: Nấm Lu, Đoàn Kết, Lủng Cháng và Nấm Chà. Cuộc sống nhân dân vốn rất khó khăn, việc chưa có điện đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống vật chất và tinh thần. Vấn đề nan giải nhất là việc tiếp cận văn hóa thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì càng xa vời. Mặt khác, nguồn điện tự kéo, chất lượng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu song người dân phải trả phí rất cao. Địa phương đã làm rất nhiều tờ trình lên cấp trên, người dân đã nhiều lần có ý kiến trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng… điện vẫn chưa về! 

Bài, ảnh:  VĂN LONG


Cùng chuyên mục

Cần đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng công trình dân dụng

BHG - An toàn lao động (ATLĐ) từ lâu đã là 1 trong những vấn đề cấp thiết, luôn được xã hội lưu tâm. Nhiều nhà thầu thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý, nâng cấp các vật dụng bảo vệ công nhân thi công tại các công trình, gây tại nạn lao động, nguy hiểm đến tính mạng con người.

30/06/2021
Cần có giải pháp chống sạt lở cho khu dân cư tổ 5, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì)

BHG - Hoàng Su Phì được biết là một trong những huyện có địa hình chia cắt phức tạp, địa chất không ổn định, nguy cơ xảy ra lũ quét, lốc xoáy, mưa đá và sạt lở rất cao; gây tổn thất nặng nề về tài sản cũng như tính mạng của người dân. Hàng năm, huyện Hoàng Su Phì luôn phải hứng chịu những hậu quả rất lớn do thiên tai gây ra.

27/04/2021
Cần giải quyết dứt điểm kiến nghị liên quan đến đất đai tại thôn Bắc Sum, xã Minh Tân

BHG - Năm 2001, sau khi được sự đồng ý của tỉnh, HTX Nông, lâm nghiệp Hoàng Dương đã tiến hành liên kết với 14 hộ dân tại thôn Bắc Sum, xã Minh Tân (Vị Xuyên) để triển khai dự án trồng cây ăn quả xuất khẩu. Phía HTX và các hộ dân thống nhất hình thức góp đất để cùng sản xuất, tuy nhiên lại không ký kết hợp đồng cụ thể nên không xác định được thời gian góp đất và tỷ lệ phân chia lợi nhuận. 

26/08/2021
'Không chủ quan dù đã tiêm vaccine Covid-19'

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về phòng chống Covid-19, chiều 11/11. "Tiêm đủ hai mũi vaccine không có nghĩa là được chủ quan. Bạn vẫn có thể nhiễm bệnh, trở nặng và tử vong, song tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm", ông Châu nói.

24/11/2021