Hà Giang

Chuyện ở Nậm An

09:32, 08/10/2019

BHG - Thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) được ví như vùng đất “vàng” với tiềm năng lớn về thủy điện và du lịch sinh thái. Thế nhưng, hơn chục năm nay, 35 hộ người Dao trong thôn luôn “khát điện” giữa hai nhà máy thủy điện; còn khu du lịch sinh thái có mức đầu tư nhiều tỷ cũng bị bỏ hoang.

Trạm biến áp đã có từ nhiều năm nhưng chưa được đấu nối điện.
Trạm biến áp đã có từ nhiều năm nhưng chưa được đấu nối điện.

“Khát điện” giữa hai nhà máy thủy điện

Thôn Nậm An cách Quốc lộ 2 gần 7 km, cách trung tâm huyện Bắc Quang 27 km. Nơi đây có nguồn nước dồi dào, địa hình lý tưởng để xây dựng nhà máy thủy điện. Vì vậy, từ giữa những năm 2000, Nhà máy Thủy điện Nậm Mu và Nậm An được đầu tư xây dựng. Nhưng thật oái ăm, khi hai nhà máy vận hành thì đồng bào nơi đây luôn sống trong cảnh “khát điện”.

Theo tìm hiều, khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Mu, người dân thôn Nậm An được dùng nhờ điện đấu nối từ đường dây 0,4kv phục vụ thi công nhà máy; sau đó chuyển sang sử dụng điện từ Nhà máy Thủy điện Nậm Mu - Nậm An; đến giữa năm 2012, bà con chuyển sang sử dụng điện từ Nhà máy Thủy điện Nậm An. Mặc dù được sử dụng điện, nhưng do đường truyền tải xa nên người dân chỉ sử dụng được các thiết bị công suất nhỏ; giờ cao điểm, điện chỉ đủ thắp sáng, không thể đun nước, nấu cơm hay xem ti vi. Đặc biệt, điện thường xuyên bị cắt và người dân không hề được báo trước; hơn nữa người dân phải chịu giá điện cao, trung bình từ 2.100 đồng – 2.200 đồng/số điện sinh hoạt do phải bù chênh lệch hao tổn điện năng. Để phát triển kinh tế, người dân đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, xây dựng thương hiệu chè hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị nhưng sản xuất cầm chừng do không đủ điện năng vận hành; thậm chí nhiều lúc đang sản xuất phải dừng toàn bộ do bị cắt điện. Điều đáng nói, hiện đã có đường dây và trạm biến áp đặt giữa thôn, nhưng nhiều năm nay chưa được đấu nối.

Bỏ hoang khu du lịch tiền tỷ

Không chỉ có lợi thế về thủy điện, thôn Nậm An có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; đồng bào còn giữ được nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc cộng đồng, như: Lễ hội Nhảy lửa, hát dân ca, Lễ Cấp sắc, nghi thức lễ cưới truyền thống, kiến trúc nhà sàn, ẩm thực phong phú và các bài thuốc dân gian quý… Nhận thấy tiềm năng đó, năm 2008, UBND huyện Bắc Quang quyết định xây dựng Khu du lịch sinh thái Nậm An với diện tích gần 3 ha với các hạng mục: Nhà văn hóa du lịch cộng đồng, các nhà sàn mi-ni, nhà đón khách, nhà ở nhân viên, khu nhà vệ sinh, hệ thống điện, thuyền chở khách… với số tiền trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ kinh phí cho 4 hộ tham gia phát triển du lịch trải nghiệm.

Nhà sàn trong Khu du lịch sinh thái Nậm An bị hư hỏng.
Nhà sàn trong Khu du lịch sinh thái Nậm An bị hư hỏng.

Qua tìm hiểu, Khu du lịch sinh thái Nậm An là điểm du lịch đầu tiên của huyện Bắc Quang được quy hoạch, xây dựng và vận hành trong hệ thống tour du lịch nội địa của tỉnh. Việc xây dựng khu du lịch mang lại những hiệu quả thiết thực, như: Cải tạo và giữ gìn tốt môi trường sinh thái, tạo không gian, cảnh quan thiên nhiên đẹp; gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người. Thế nhưng, hoạt động của Khu du lịch sinh thái Nậm An chỉ duy trì trong một thời gian ngắn rồi “im hơi bặt tiếng”.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên được huyện Bắc Quang chỉ rõ: Cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý khu du lịch (Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Quang) không có chức năng kinh doanh; cán bộ được giao phụ trách không có chuyên môn, hoạt động kiêm nhiệm; nhân viên làm việc không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch; tuyến đường từ Quốc lộ 2 lên khu du lịch bị xuống cấp nghiêm trọng; thiếu kinh phí sửa chữa…

Mục sở thị Khu du lịch sinh thái Nậm An mới thấy hết cảnh hoang tàn của nơi vốn được xem là trung tâm của các hoạt động văn hóa. Đường vào hư hỏng nặng, cỏ dại mọc um tùm, trở thành bãi chăn trâu của người dân địa phương; khung cảnh hoang vu không bóng người; những ngôi nhà sàn trơ khung, mục rỗng. Người dân ở đây cho biết: Nhà đón khách bị gió thổi bay xuống hồ; chỉ còn một số ít trang thiết bị, vật dụng hiện được xã, thôn quản lý. Anh Triệu Chàn Loàng, thôn Nậm An trăn trở: “Thôn có nhiều lợi thế nhưng không biết dựa vào đâu để vươn lên. Cây chè, Thảo quả có nhiều và cả văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ nhưng thiếu điện, thiếu động lực nên bao năm nay, người dân vẫn chưa hết khổ”.

Lối đi nào cho Nậm An?

Tìm lời giải cho nỗi niềm người dân Nậm An, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu được biết: Ngày 17.5.2019, Sở Công thương cùng UBND huyện, Điện lực Hà Giang và Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu có buổi làm việc, thống nhất phương án đấu nối trạm biến áp cấp điện cho nhân dân. Theo đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu đồng ý đấu nối vào đường dây 35kV do đơn vị quản lý để cấp diện cho thôn Nậm An trên cơ sở thỏa thuận thống nhất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có văn bản chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu, tiếp tục duy trì cấp điện ổn định cho nhân dân thôn Nậm An bằng nguồn điện tự dùng của nhà máy, trong thời gian chờ hoàn thành việc chuyển hệ thống đo đếm điện năng Nhà máy Thủy điện Nậm An về Nậm Mu.

Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND xã Tân Thành phối hợp với Điện lực Vị Xuyên (đơn vị quản lý điện thôn Nậm An) kiểm tra những tuyến đường dây sau công tơ đã hư hỏng; hỗ trợ người dân cải tạo, sữa chữa, nâng cấp thay thế dây dẫn, cột điện... đảm bảo cấp điện an toàn, chất lượng, tránh xảy ra sự cố; hiện, Điện lực Vị Xuyên đã hoàn thành công tác kiểm tra, hỗ trợ.

Đối với Khu du lịch sinh thái Nậm An, huyện tiếp tục xây dựng thôn Nậm An phát triển theo hướng du lịch sinh thái, cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; áp dụng cơ chế, chính sách của tỉnh để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc canh tác nông, lâm nghiệp, như: Trồng rừng, trồng cây dược liệu; trồng và chế biến sản phẩm chè Shan tuyết làm sản phẩm đặc trưng của thôn…

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mong ước khẩn thiết từ tuyến đường về thôn Phín Ủng

BHG - Hiện nay, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn huyện Quản Bạ đang bị xuống cấp, khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tuyến đường đi thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận đang là nỗi ám ảnh của cuộc sống người dân. Tuyến đường từ trung tâm xã Nghĩa Thuận nối thôn Phín Ủng dài 6 km, ngày nắng, bề mặt đường khô ráo, tuy nhiên để đến được thôn phải mất hơn 50 phút. Anh Vàng Đức Chung, người dân thôn Phín Ủng cho biết...

31/07/2019
Nhiều tuyến đường ở Đồng Văn xuống cấp

BHG - Giao thông thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, thúc đẩy KT - XH ở mỗi địa phương phát triển. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông của huyện Đồng Văn đã được đầu tư tương đối đồng bộ từ huyện đến xã. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường được đầu tư đã lâu, song thiếu kinh phí tu sửa, nâng cấp hàng năm nên dẫn tới tình trạng xuống cấp...

29/08/2019
Cần sớm chi trả tiền hỗ trợ hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi

BHG - Hơn 2 tháng sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Tân Trịnh (Quang Bình); tính đến chiều 26.7, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 3.300 con, trọng lượng trên 156 tấn. Gần 500 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước khiến việc tái sản xuất, chuyển đổi mô hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Là hộ khó khăn, kinh tế trông chờ cả vào đàn lợn, nhưng dịch tả lợn châu Phi ập đến khiến gia đình ông Lý Văn Cán, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên)

29/07/2019
Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn chưa phát huy hiệu quả

BHG - Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) được khởi công năm 2013 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Phần Lan, BQL Các dự án cấp, thoát nước tỉnh làm chủ đầu tư; hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015. Công trình được thiết kế với một trạm xử lý nước công suất 1.000 m3/ngày đêm; hệ thống đường ống dẫn nước thô từ các nguồn về trạm xử lý nước; đường ống dịch vụ đấu nối tới 639 hộ dân của thị trấn.

 

27/06/2019