Cần đầu tư nâng cấp đường vào xã Bản Rịa

10:14, 14/11/2018

BHG - “Đoạn đường chưa đến chục cây số nhưng vào mùa mưa, người dân trong xã gần như bị cô lập; mùa khô, ngoài việc phải hứng chịu bụi bẩn thì muốn vận chuyển hàng hóa ra, vào xã cũng phải mất vài giờ” – đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Bản Rịa (Quang Bình) Đặng Ngọc Huân khi nói về trục đường chính dẫn vào xã bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành rào cản lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nhiều đoạn trên tuyến đường Bản Rịa bị sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều đoạn trên tuyến đường Bản Rịa bị sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo lời Chủ tịch UBND xã Bản Rịa, là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của tỉnh; điều kiện phát triển KT – XH hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, trên địa bàn hầu như không có các nguồn thu. Bên cạnh đó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nhân dân chủ yếu tự cung, tự cấp; trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ nghèo thời điểm hiện tại còn 233/412 hộ (chiếm 56,6%).

Mặc dù xã chỉ nằm cách trung tâm huyện 16 km, diện tích tự nhiên trên 3.300 ha; trong đó, đất nông nghiệp trên 2.800 ha. Nhưng do địa hình phức tạp, đất đai chủ yếu đồi núi có độ dốc cao nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT – XH của địa phương. Ngoài một số cây trồng chủ yếu như: Lúa, ngô, lạc; thì cây chè được xem là thế mạnh của xã với trên 100 ha, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là tuyến đường liên xã Yên Thành – Bản Rịa dài 9,8 km đã xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa, tuyến đường thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc; khiến giao thông gần như tê liệt. Phía ta-luy âm của tuyến đường nhiều đoạn có kết cấu yếu, gây sụt lún nghiêm trọng. Trong đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua, tuyến đường hứng chịu hàng chục điểm sạt lở với khối lượng hàng nghìn m3; nhiều nhà dân cũng như lúa, hoa màu bị lũ cuốn trôi, khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng.

Được biết, để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, UBND huyện Quang Bình đã đầu tư làm tuyến đường bê-tông rộng 3,5m, dài 2 km từ trụ sở xã đi thôn Bản Thín của xã với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong đó, nhân dân đóng góp ngày công lao động, của cải và xã hội hóa trên 400 triệu đồng. Mặc dù tuyến đường bê-tông đã phần nào giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhưng trên thực tế vẫn còn quá nhiều km trên tuyến đường bị hư hỏng chưa được sửa chữa, nâng cấp. Anh Hoàng Quốc Khánh, thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa cho biết: “Do đường xá đi lại quá vất vả nên cho bà con có tâm lý ngại vươn lên. Ngay cả chuyện gia đình có người ốm, muốn đưa ra bệnh viện huyện cũng gặp khó khăn nên chẳng ai có tư tưởng đầu tư sản xuất”.

Trong số các tuyến đường chính đến các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay, có lẽ đường vào xã Bản Rịa là một trong những tuyến đường khó khăn nhất. “Tuyến đường xuống cấp là rào cản lớn khiến cho xã đến nay mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Nếu hoàn thiện tuyến đường, chắc chắn sẽ tạo động lực để nhân dân nâng cao đời sống. Do đó, cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây đang cần lắm sự quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường” – Chủ tịch UBND xã Bản Rịa, Đặng Ngọc Huân cho biết thêm.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cầu treo xuống cấp, nguy hiểm luôn "rình rập" người dân xã Yên Cường

BHG - Cầu treo từ thôn Đồn Điền đi thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường (Bắc Mê) được xây dựng từ vài chục năm trước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau những ngày mưa dầm, cây cầu đang đứng trước nguy cơ sập, gãy gây nguy hiểm cho người dân khi di chuyển qua cầu. Theo quan sát, cây cầu treo xuống cấp khiến cho việc lưu thông hàng hóa cũng bị ảnh hưởng, làm kinh tế địa phương chậm phát triển. Cầu dài hơn 20 m, rộng 1,8 m, mặt cầu được làm bằng gỗ, thành cầu được làm bằng sắt đan...

25/10/2018
Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp sông Ma

BHG - Sông Ma chảy qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên), cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, lòng sông Ma đã, đang bị bồi lấp, thay đổi dòng chảy, sạt lở 2 bên bờ nghiêm trọng; hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ven sông cũng bị sạt lở, vùi lấp không thể phục hóa… Điều này, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tùng Bá gần 276 nghìn m2 thuộc sự quản lý của 434 gia đình, cá nhân. 

24/10/2018
Mong mỏi của người dân Du Tiến bao giờ thành hiện thực?

BHG - Du Tiến là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Minh; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; cách xa trung tâm huyện; cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm còn rất khó khăn...… Chính vì vậy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, bà con Du Tiến luôn có nhiều ý kiến, kiến nghị. Xã Du Tiến có trên 800 hộ, 4.600 khẩu, sinh sống ở 15 thôn bản. Nhưng tính đến giữa năm 2018, toàn xã mới có 12/15 thôn có đường điện kéo đến trung tâm, gần 90% số hộ được sử dụng điện. Hơn nữa, hiện xã mới có 8/15 thôn có đường ô - tô đến trung tâm...

24/09/2018
Người dân Thượng Bình cần lắm cây cầu qua suối Sảo

BHG - Dòng suối Sảo chảy qua thôn Trung, xã Thượng Bình (Bắc Quang), mỗi khi mưa lũ đổ về, mọi hoạt động giao thương của nhân dân bị chia cắt hoàn toàn. Đã nhiều năm qua, bà con nơi đây phải tự làm bè mảng để di chuyển qua suối; nhưng nếu mực nước dâng cao, không ai dám đảm bảo sự an toàn sinh mạng con người bị "đánh cược" theo dòng nước. Vì thế, ước nguyện có một cây cầu vững chắc để qua suối Sảo trở thành nỗi mong chờ hàng ngày của người dân nơi đây.

 

22/08/2018