Hà Giang

"Công viên" cây xanh Thanh Bình: Bao giờ thành... công viên (!?)

09:10, 17/05/2017

BHG - Thật khó có thể hình dung trong công viên lại diễn ra nhiều hoạt động “phản công viên” như: Chăn thả gia súc, gia cầm, tổ chức tiệc cưới hay trở thành sân phơi, bãi tập lái xe ô-tô, xe máy...  Song, thực tế trên đã và đang diễn ra ngay tại Công viên cây xanh (CVCX) Thanh Bình, thuộc tổ dân phố 1 của thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).

 Trong công viên, nhiều ô được thiết kế để trồng cây xanh nhưng bị đọng nước, trở thành khu chăn nuôi vịt.
Trong công viên, nhiều ô được thiết kế để trồng cây xanh nhưng bị đọng nước, trở thành khu chăn nuôi vịt.

Năm 2007, CVCX Thanh Bình được đưa vào sử dụng, kỳ vọng tạo nên điểm nhấn đô thị và là “lá phổi xanh” cho thị trấn Việt Quang. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn, hưởng thụ các hoạt động văn hóa của nhân dân địa phương và du khách. Theo Công bố chi tiết khu CVCX Thanh Bình của đơn vị hữu quan cho thấy: Công viên có tổng diện tích 37.212 m2, trong đó 25.753 m2 là diện tích dành cho cây xanh. Phần diện tích còn lại bao gồm nhiều hạng mục như: Khu vui chơi, giải trí, giải khát, khu thể dục, thể thao, nhà chòi nghỉ chân, nhà quản lý, hệ thống đài phun nước và sân khấu trung tâm... Đồng thời, trong công viên sẽ được bố trí 50 ghế đá phục vụ nhu cầu nghỉ chân của nhân dân. Vậy nhưng, kể từ đó đến nay, CVCX Thanh Bình cơ bản mới hình thành phần “khung” với hệ thống cây xanh mà thiếu đi nhiều phần tinh túy vốn có của một CVCX. Thậm chí, nhiều hạng mục vẫn còn nguyên...  trên giấy(!). Và một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hoạt động “phản công viên” (như đã nêu ở trên) chính là bởi CVCX Thanh Bình chưa được đầu tư xây dựng bài bản, thiếu quản lý chặt chẽ, đồng bộ...

Trước thực tế trên, với mong muốn tạo diện mạo mới, đưa CVCX Thanh Bình thực sự trở thành công viên và phát huy vai trò của một công viên phúc lợi công cộng; năm 2015, Thường trực Huyện ủy Bắc Quang đã đồng ý chủ trương cho Trạm Dịch vụ vệ sinh và Môi trường (DVVS&MT) huyện Bắc Quang (hiện đang quản lý công viên) phối hợp với một đơn vị khác để quản lý, khai thác công viên. Và đơn vị được đề xuất để cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang “chọn mặt, gửi vàng” chính là Hợp tác xã (HTX) Quang Minh (thị trấn Việt Quang). Mặc dù là HTX còn khá “trẻ” (được thành lập năm 2015), nhưng khi tiếp nhận việc quản lý công viên (tháng 10.2015), HTX Quang Minh đã nỗ lực đầu tư một số hạng mục như: Hệ thống điện, nước, nhà điều hành phục vụ hoạt động của công viên, sân bóng mini và một số hạng mục khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số hạng mục đã được HTX đầu tư hiện vẫn trên lộ trình hoàn thiện. Hơn nữa, trong quá trình quản lý, khai thác sử dụng công viên, mặc dù đã có sự phối hợp giữa hai đơn vị là Trạm DVVS&MT huyện Bắc Quang (nay là Trung tâm Dịch vụ công cộng Môi trường và Cấp thoát nước) với HTX Quang Minh nhưng thực tiễn cho thấy, sự phối hợp này chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Thậm chí, sau hơn một năm triển khai công tác phối hợp nhưng hai bên còn chưa ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Hằng ngày, nhiều hộ dân vẫn tự do chăn thả gia súc ngay trong công viên.
Hằng ngày, nhiều hộ dân vẫn tự do chăn thả gia súc ngay trong công viên.

Xuất phát từ sự đầu tư chưa hiệu quả, sự phối hợp thiếu chặt chẽ như trên đã dẫn đến nhiều hệ lụy “phản công viên”. Thực tế cho thấy, đầu năm 2016, HTX Quang Minh tiến hành làm hàng rào (bằng thân cây vầu) nhằm bảo vệ công viên. Nhưng ngay sau đó, một đoạn hàng rào giáp với cổng chính của công viên, nghi là do một số hộ dân của Tổ dân phố 1 tự ý dỡ bỏ. Từ đây, cổng chính và “lối mở” này đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều hộ dân thuộc Tổ dân phố 1 và 2 thôn giáp ranh là Thanh Tân và Thanh Bình (thị trấn Việt Quang) đưa gia súc, gia cầm vào chăn thả tự do trong công viên – chị Trần Thị Tươi, Giám đốc HTX Quang Minh trần tình. Chính điều này dẫn đến một nét “văn hóa” công viên khó có thể “hấp thụ” được. Đó là hình ảnh đàn trâu, đàn dê lên đến vài chục con nhởn nhơ gặm cỏ trong công viên. Cùng với đó là hình ảnh đàn vịt hàng chục con tung tăng “hưởng thụ” ô nước đọng (sâu khoảng 10 cm) trong công viên. Đặc biệt hơn, khu vực này còn được chủ nhân của nó thiết kế như một khu chăn nuôi vịt mà đáng lẽ hình ảnh này phải là thảm cỏ và cây xanh... Không những vậy, trong năm 2016, nhiều người không thể không bất ngờ khi công viên trở thành bãi tập xe ô-tô, xe máy, sân phơi quần áo hay được chính HTX Quang Minh “cho mượn” mặt bằng để gia chủ tổ chức tiệc cưới. Lý giải điều này, chị Trần Thị Tươi cho biết: Vào mùa cưới, cơ bản trong công viên không diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí và một phần cũng vì nể người quen nên HTX đồng ý cho mượn mặt bằng tổ chức tiệc cưới. Còn theo ý kiến nhiều người dân, họ cho rằng: Công viên chưa đầu tư xây dựng nhiều hạng mục theo công bố quy hoạch chi tiết đã tạo không gian trống khá lý tưởng để tập xe. Hơn nữa, cỏ dại trong công viên tương đối tốt nên nhiều hộ dân vô tư chăn thả gia súc để tận dụng nguồn thức ăn này mà không để ý rằng, chính mình đã tạo nên những hình ảnh không đáng có của một công viên...

Từ thực tế trên làm dấy lên câu hỏi bất bình trong dư luận xã hội: CVCX Thanh Bình bao giờ mới thực sự trở thành công viên?.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ý kiến người dân: Đề nghị đổi lại tên cầu

BHG - Tuyến Quốc lộ 2 (QL2) thuộc hệ thống Quốc lộ do cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tại km 8+801m, đường Hà Giang đi Hà Nội (địa điểm tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức) có ,1 cây cầu hiện đang được khai thác sử dụng. Cây cầu này trước đây được xây dựng năm 1929, có tên là cầu LÀNG NÙNG.

31/03/2017
Công viên mini Minh Khai cần được quản lý để sử dụng đúng công năng

BHG - Hệ thống công viên trong đô thị là không gian để mọi người đi dạo, nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, hệ thống vườn hoa, cây xanh của các công viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường...

30/08/2016
Hơn 3 năm, đường đến trung tâm xã Phiêng Luông vẫn chưa hoàn thành (!)

BHG- Những năm qua, hàng ngàn người dân xã Phiêng Luông (Bắc Mê) phải đi trên tuyến đường đá cấp phối lổn nhổn, gồ ghề. Nguyên nhân là do gần 3 km đường tới trung tâm xã được khởi công xây dựng rồi bỏ dở hơn 3 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành.

29/09/2016
Công trình thủy lợi Phai Xoong Hỏ cần sửa chữa, nâng cấp

BHG- Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hơn chục năm, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Qua thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay,  công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ thuộc 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn. 

25/10/2016