Xín Mần tăng cường phòng, chống bệnh chân - tay - miệng

14:16, 13/10/2017

BHG - Chân – tay – miệng (CTM) là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa; đặc trưng bởi các vết loét trong miệng, phát ban trên tay và chân; thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh CTM, huyện Xín Mần đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh (PCDB) CTM.

Các cô giáo Trường Mầm non xã Nàn Xỉn hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Các cô giáo Trường Mầm non xã Nàn Xỉn hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Xín Mần cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 12 ca mắc bệnh CTM, chủ yếu rải rác ở các trường Mầm non; không có trường hợp tử vong. Nhằm khống chế và không để bệnh CTM lây lan, Trung tâm Y tế huyện Xín Mần đã tăng cường các biện pháp PCDB CTM như: Thiết lập đường dây nóng trực 24/24 giờ; các trạm y tế luôn có một người chuyên phụ trách theo dõi PCDB; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Bệnh viện Đa khoa huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT),... triển khai giám sát PCDB 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; trực tiếp phun thuốc khử trùng tại các trường học sau mưa lũ, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng về PCDB ở các trường, điểm trường đặc biệt là các trường Mầm non; các khu chợ trung tâm các xã, khu tập trung đông người,... cùng đó là đẩy mạnh phương pháp truyền thông trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện để mọi người dân; thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi biết cách PCDB hiệu quả. Đối với các ca mắc bệnh, thường xuyên theo dõi, quản lý và điều trị triệt để, kiên quyết không để có dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, Đội chống dịch cơ động thường xuyên được kiện toàn; thuốc chống dịch, trang thiết bị, hóa chất được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng PCDB kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Ở các trường học, nếu có phát hiện dấu hiệu mắc bệnh, nhà trường thông báo cho phụ huynh và cho các cháu nghỉ ở nhà để cách ly, tránh lây lan dịch bệnh; hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giữ vệ sinh, cử cán bộ giám sát hàng ngày và điều trị dứt điểm không để lây lan trong cộng đồng.

 Đồng chí Tô Quang Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Xín Mần cho biết: Toàn huyện có 20 trường Mầm non; số điểm trường lẻ là 135 điểm; số lớp mẫu giáo là 215 lớp với 4.798 cháu (3 – 5 tuổi), số nhóm trẻ là 111 với 1.274 cháu (0 – 2 tuổi). Trong thời gian qua, công tác PCDB CTM luôn được Phòng quan tâm, chú trọng, chủ động triển khai các biện pháp PCDB kịp thời, hiệu quả.

Đến thăm Trường Mầm non xã Nàn Xỉn, trao đổi với cô giáo Bàn Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường về công tác PCDB CTM, vệ sinh an toàn thực phẩm... cô Xuân chia sẻ: Trường hiện có 3 lớp, với 52 cháu theo học và 3 giáo viên trực tiếp phụ trách giảng dạy. Do điều kiện đi lại khó khăn, nên các cháu được các cô giáo tổ chức ăn trưa và nghỉ ngơi ngay tại lớp; buổi chiều hết giờ, phụ huynh đón về nhà. Hàng ngày, các cháu được các cô giáo chăm sóc tận tình, hướng dẫn các cháu biết giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; thực hiện ăn sạch, uống sạch. Thông qua các buổi họp phụ huynh, nhà trường đã tuyên truyền công tác giáo dục, chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cũng như thông tin về tình hình sức khỏe của các cháu; phụ huynh cũng cam kết với nhà trường về việc đưa, đón các cháu đến trường đúng thời gian quy định. Nhà trường luôn phối hợp với cán bộ y tế học đường thường xuyên đảm bảo có đủ thuốc cho các cháu khi bị ốm tại các điểm trường; nhà bếp, phòng học, sách vở, đồ chơi cho các cháu ở trường luôn được sạch sẽ; thực phẩm nấu ăn hàng ngày có nguồn gốc rõ ràng, cấp đủ khẩu phần ăn trong mỗi bữa ăn để các cháu có sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch.

Do địa bàn đi lại còn nhiều khó khăn, dân cư không tập trung, kinh phí còn hạn hẹp, thiếu thốn về cơ sở vật chất,... nên công tác PCDB CTM trên địa bàn huyện Xín Mần cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Những tháng cuối năm là thời điểm giao mùa, dễ phát sinh dịch bệnh; vì vậy các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh cần vào cuộc quyết liệt, nâng cao ý thức trách nhiệm để cùng chung tay đầy lùi dịch bệnh.

Bài, ảnh: VĂN CƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bệnh dại và những biện pháp phòng ngừa

BHG- Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại là chó, mèo lên da bị tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 95 - 97%) sau đó là mèo; người đã phát bệnh dại hầu hết là tử vong.             

28/09/2017
Hội chữ thập đỏ thành phố: Tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện

BHG- Sáng 28.6, tại Trung tâm hành chính công thành phố Hà Giang, Hội chữ thập đỏ thành phố đã tổ chức chương trình ngày hội "Giọt hồng trao hy vọng". 

28/06/2017
Chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

BHG- HIV/AIDS đã trở thành một đại dịch lan rộng khắp toàn cầu, gây ra những hệ lụy, gánh nặng xã hội vô cùng lớn. Ở tỉnh ta, số phụ nữ nhiễm HIV/AIDS chiếm 30,7% và đa số trẻ em bị lây nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, chuyển dạ và cho con bú. Để đảm bảo sự phát triển cho thế hệ tương lai, công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là việc làm hết sức quan trọng, cần sự quan tâm, vào cuộc của cả cộng đồng.

27/06/2017
Hội thảo giữa người bệnh, người nhà người bệnh với lãnh đạo Bệnh viện

BHG- Chiều 23.6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) tổ chức Hội thảo giữa người bệnh, người nhà người bệnh với lãnh đạo Bệnh viện. Dự có lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế); Ban Giám đốc, cán bộ CCVC Bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh đang điều trị nội trú và ngoại trú tại Bệnh viện.

27/06/2017