Triển khai căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn tỉnh

18:00, 24/12/2020

BHG - Ngày 3.9.2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân (CCCD). Mục tiêu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu CCCD thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký CCCD tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Để hiểu rõ hơn về những lợi ích của giấy tờ tùy thân này, Phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Triệu Văn Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an tỉnh.

Thượng tá Triệu Văn Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh trả lời phỏng vấn với PV Báo Hà Giang
Thượng tá Triệu Văn Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh trả lời phỏng vấn với PV Báo Hà Giang

- PV: Thưa đồng chí, đối với tỉnh Hà Giang Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD sẽ được triển khai vào thời gian nào và giá trị pháp lý của thẻ CCCD có gì khác so với chứng minh nhân dân hiện nay?

- Thượng tá Triệu Văn Nam: Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Công an và Công an tỉnh về triển khai Dự án sản xuất, quản lý thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Hiện nay, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các đơn vị rà soát, thống kê xong số công dân trong độ tuổi đủ điều kiện cấp thẻ CCCD (từ 14 tuổi trở lên) trên địa bàn toàn tỉnh là 586.622 người; cùng với đó, tham mưu cấp trên chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hồ sơ, biểu mẫu, tiếp nhận thu nhận các trang bị do Bộ Công an cấp; huy động lực lượng thành lập 24 tổ cấp CCCD lưu động; trực tiếp thu nhận hồ sơ cấp CCCD trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1.1.2021 với các trường hợp ban đầu là các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân…

Thẻ CCCD với nhiều lợi ích, tiện ích (Nguồn Internet)
Thẻ CCCD với nhiều lợi ích, tiện ích (Nguồn Internet)

Đối với giá trị pháp lý của thẻ CCCD, căn cứ vào Điều 20 luật CCCD quy định về giá trị sử dụng của thẻ thì trên thẻ gắn chíp có chứa 16 trường thông tin cơ bản của công dân. Khi tích hợp đầy đủ các thông tin người dân đi giao dịch và làm các thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD và có giá trị thay thế các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn…

- PV: Khi đổi từ chứng minh thư nhân dân sang CCCD có gắn chíp điện tử thì người dân cần phải làm gì và được lợi ích gì đối với thẻ CCCD?

- Thượng tá Triệu Văn Nam: Thứ nhất: Khi cơ quan Công an nơi cư trú thông báo về thời gian, địa điểm cấp CCCD, đề nghị mỗi người dân đủ từ 14 tuổi trở lên bố trí thời gian đến các địa điểm cấp CCCD để đăng ký làm thủ tục, hồ sơ cấp thẻ CCCD theo quy định.

Thứ hai: Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân như: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMTND, giấy khai sinh đã được cấp để xác nhận tính chính xác, đầy đủ các thông tin cơ bản cá nhân.

Thứ ba: Trường hợp thông tin chưa chính xác, không khớp thì cần liên hệ với công an, cơ quan tư pháp nơi đăng ký thường trú để được hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung đảm bảo thông tin chính xác.

Về lợi ích của thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu và tư nhân; có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD có gắn chíp sẽ đem lại tính linh hoạt khi bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an.

- PV: Là tỉnh vùng cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn, vậy để triển khai Dự án trên địa bàn toàn tỉnh sẽ gặp những khó khăn gì thưa đồng chí?

- Thượng tá Triệu Văn Nam: Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, nhiều dân tộc về giao thông đi lại vất vả, KT – XH còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa còn chưa đồng đều; dân số toàn tỉnh theo rà soát, thống kê là 185.720 hộ, 871.729 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc tiểu số chiếm trên 88% dân số toàn tỉnh. Chính vì vậy còn nhiều phong tục truyền thống như: Người phụ nữ khi đi lấy chồng sẽ đổi họ tên theo họ nhà chồng hoặc bố, con mang họ khác nhau (Vương với Dương; Vàng với Giàng, Hầu với Thân…); đặc biệt là đồng bào sinh sống trên tuyến biên giới Viêt - Trung, do mối quan hệ thân tộc, dòng họ từ lâu đời nên có mối quan hệ và thường xuyên qua lại bên Trung Quốc, nhất là thời gian gần đây tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do, phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng, khi về mang theo con lai… gây khó khăn trong công tác quản lý, xác định quốc tịch, cấp giấy khai sinh…; mặt khác công tác phối hợp giải quyết cải chính những sai lệch, bổ sung thông tin công dân thuộc nhiều cấp, ngành và nhiều loại giấy tờ khác nhau, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Dự án cấp CCCD.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Cừ (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Biển, đảo và tình người cực Bắc - kỳ 1: Lương duyên giữa những người lính

BHG - Cùng với quân, dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn hướng về biển, đảo Tổ quốc, hướng về các chiến sĩ Hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật đang ngày đêm canh giữ chủ quyền nơi đầu sóng, ngọn gió.

 

24/12/2020
Công ty Điện lực Hà Giang với tháng tri ân khách hàng

BHG - Tháng "tri ân khách hàng" là hoạt động thường niên của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn, tạo sự gắn kết và lan tỏa trong cộng đồng hình ảnh đẹp về cán bộ, công nhân ngành điện lực. Năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Công ty Điện lực Hà Giang triển khai trong công tác chăm sóc khách hàng và các hoạt động an sinh xã hội.

24/12/2020
Huyện Mèo Vạc chi hơn 65 tỷ đồng hỗ trợ cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho người dân

BHG - Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020, huyện Mèo Vạc đã tiến hành chi trả số tiền hơn 65 tỷ đồng để hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trên 79 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước.

24/12/2020
Bảo vệ sức khỏe học sinh ở Xín Mần

BHG - Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, những ngày qua, thời tiết trên địa bàn huyện Xín Mần nhiệt độ xuống thấp và gây rét buốt. Đặc biệt, tại các xã vùng cao thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại vào mùa Đông, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của các nhà trường.

 

24/12/2020