Những người tận tâm với rừng Đức Xuân

21:13, 23/05/2019

BHG - ... “Chúng tôi thì ở chỗ sáng, còn lâm tặc trong bóng tối; cuộc chiến giữ rừng đôi lúc không cân sức, nhưng các anh chưa bao giờ nản vì phía trước vẫn là màu xanh của hàng ngàn ha rừng; màu xanh của rừng còn là sự sống ở xã Đức Xuân còn sinh sôi...”! Đó là tâm sự của cán bộ kiểm lâm xã Đức Xuân (Bắc Quang) Triệu Dào Châu. Một tiếng thở dài được nén lại trong lòng khi anh nói đến gia cảnh, cuộc sống của những cán bộ Tổ kiểm soát lâm sản Đức Xuân đang ngày đêm vì màu xanh đại ngàn...

Lâm sản khai thác trái phép được thu giữ tại Đức Xuân.
Lâm sản khai thác trái phép được thu giữ tại Đức Xuân.

Tổ kiểm soát lâm sản Đức Xuân được thành lập theo Quyết định số 4156, ngày 18.9.2018 của UBND huyện Bắc Quang gồm 9 thành viên do anh Hoàng Tiến Vĩnh, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Quang phụ trách địa bàn làm Tổ trưởng. Trong tổ còn có thêm 1 thành viên là cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ chuyên môn; số thành viên còn lại trong Tổ kiểm soát đều kiêm nhiệm, làm việc trong bộ máy chính quyền xã Đức Xuân. Tổ kiểm soát được giao chốt chặn con đường độc đạo và duy nhất ra, vào xã để ngăn chặn việc mua, bán, vận chuyển trái phép lâm sản; tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quản lý, bảo vệ rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Anh Phượng Tràn Sinh, Công an viên thôn Phiêng Phầy, thành viên Tổ kiểm soát lâm sản xã Đức Xuân cho biết, hàng tháng các anh phải cắt cử nhau đi chốt chặn, kiểm tra, tuần rừng ít nhất 2 lần. Nhiều thời điểm nhạy cảm như dịp nghỉ lễ, tết phải tăng cường kiểm tra, chốt chặn cả ngày lẫn đêm. Việc làm của anh là những việc không tên, không tuổi của thôn bản từ trồng cấy, chăn nuôi, mở đường, cưới hỏi đến hoà giải vợ chồng, làng xóm láng giềng đủ thứ. Việc làng chưa xong, lại việc tuần rừng, bảo vệ lâm sản. Ở đâu đốt nương trồng ngô, ở đâu người dân làm nhà, tra lạc, trồng vừng cán bộ thôn, kiêm thành viên Tổ kiểm soát lâm sản đều biết. Sinh tâm sự: Điểm đến xa nhất trên đoạn đường tuần rừng phải đi mất 5 đến 6 tiếng; đường tuần tra lại toàn rừng cây, dây leo, đá núi. Hiểm hoạ từ đá lở, trượt ngã, vắt cắn, muỗi đốt luôn rập rình.

Tổ kiểm soát lâm sản ở nhờ nhà ông Triệu Dào Châu, thôn Nậm Tậu để chốt giữ cửa rừng.
Tổ kiểm soát lâm sản ở nhờ nhà ông Triệu Dào Châu, thôn Nậm Tậu để chốt giữ cửa rừng.

Chốt thì nằm im, sáng đèn, cán bộ canh gác đêm hôm khuya khoắt, khi bóng tối, bão dông ập đến, lâm tặc xuất hiện. Ngoài kia là bóng đêm đè nặng xuống giấc ngủ yên lành của cả trăm hộ dân sống trong vùng rừng núi yên ả. Có ai biết, có ai đoán định được đâu, giờ nào lâm tặc buôn bán gỗ đi qua... Ông Triệu Dào Châu, thôn Nậm Tậu cho hay: Nếu cứ nghĩ cho riêng mình thì các kiểm lâm viên của Tổ kiểm soát lâm sản tội gì cứ phải chốt với chặn để nguy hiểm cho bản thân? Chẳng biết các anh ấy khi đuổi bắt lâm tặc có băn khoăn gì đến gia đình, vợ con họ ở nhà? Tổ trưởng Tổ kiểm soát Hoàng Tiến Vĩnh bộc bạch: Em đã từng làm Phó Hạt trưởng ở huyện vùng cao viết đơn xin lui về làm Đội trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Quang, nay lại viết đơn xung phong vào Đức Xuân làm Tổ trưởng. Đã trải qua 34 năm công tác; nguy hiểm chẳng nói ra nhưng vợ con, gia đình đều hiểu.  Kiểm lâm là một nghiệp, một nghề mà một người ghét, trăm người khen. Anh Nguyễn Sơn Sản cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm Bắc Quang cho hay: Trăm người dân mới có 1 người buôn lâm sản không ưa; 99 người còn lại đều mong muốn rừng mãi xanh, chim mãi cứ sớm, chiều lại ngân tiếng hót. Thế nên, những kiểm lâm viên trong Tổ kiểm soát lâm sản nói riêng, ngành Kiểm lâm nói chung vẫn cứ phải căng mình vì màu xanh núi rừng. Đi suốt ngày, tuần cả đêm đã làm đôi chân các kiểm lâm kiêm nhiệm như Phượng Tràn Sinh trở nên chai sạn. Những đôi mắt nâu đen thiếu ngủ, những làn da cháy sám do nắng, gió, mưa xa để rừng Đức Xuân còn mãi màu xanh. Ai đó cho rằng, màu xanh của rừng đều là những cái giá kiểm lâm, dân làng Đức Xuân phải trả bằng nước mắt, mồ hôi ngày đêm canh giữ. Tôi chợt nghĩ, nếu trên đường tuần tra gặp con rắn độc cắn, nếu đi tuần đêm gặp phải lâm tặc với những cú đòn bất ngờ...? Và nếu như không có họ, những kiểm lâm kiêm nhiệm như Triệu Tràn Sinh, Triệu Tạ Nhàn và Tổ kiểm soát lâm sản thì liệu Đức Xuân còn có rừng xanh, chim hót...? Và rồi nữa, cả hơn 509 hộ, trên 2.330 nhân khẩu, vài trăm ha ruộng vườn liệu còn có nước ăn, uống, trồng cấy nữa không? Những hơi thở trong lồng ngực tôi bỗng chốc đâu đó cứ dội lên, dội lại đến nghèn nghẹt nơi cổ họng vì những suy nghĩ miên man về Tổ kiểm soát, về nghề kiểm lâm gác rừng, giữ đất...

Tĩnh tâm lại, tôi quay sang hỏi Phượng Tràn Sinh thu nhập khi kiêm nhiệm Tổ kiểm soát lâm sản Đức Xuân, Sinh chỉ cười: Lương em chỉ được hưởng 0,7%/tháng đối với cán bộ kiêm nhiệm xã. Còn thù lao chi trả kiêm nhiệm thành viên Tổ kiểm soát lâm sản Đức Xuân thì nay chỉ có... trên lời hứa. Bởi vì, từ khi ra quyết định thành lập nay các thành viên trong Tổ kiểm soát chưa nhận được tiền thù lao từ chính quyền chi trả. Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Quang, Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hạt Kiểm lâm đã đề nghị nhiều lần bằng văn bản với UBND huyện Bắc Quang nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức. Vì thế, Hạt không có kinh phí chi trả thù lao cho Tổ kiểm soát lâm sản xã Đức Xuân.

Đức Xuân có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 5.000 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 80%, được xếp hạng rừng giàu; diện tích rừng nguyên sinh núi đá mang tính phòng hộ và đa dạng sinh học 4.370,51 ha. Bộ NN & PTNT xếp rừng Đức Xuân vào loại rừng được khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt. Người chuyên trách tuần tra, bảo vệ trên 5.000 ha rừng tại Đức Xuân chỉ có 2 cán bộ; nếu để họ tự kiểm tra, tuần tra, giám sát, kiểm soát, chốt chặn lối ra, vào để bảo vệ khoảng 2.500 ha rừng/người/8 thôn bản thì sẽ ra sao? Thật khó khăn vô cùng! Phượng Tràn Sinh thổ lộ: Vợ em bảo, cứ cơm vợ, đi gác cho làng mãi mà được sao? Đã nhiều lần vợ con ngăn cản không cho đi gác rừng, em cứ đi và vợ nó đã khóc! Còn anh Vĩnh tổ trưởng thì cứ động viên, mình giữ cho chính mình, con mình, cho làng mình nữa chứ.

Trước khi chia tay, tôi dạo một vòng hít thở không khí tươi mát của rừng để trở ra đô thị. Được biết, khi thành lập Tổ kiểm soát lâm sản xã Đức Xuân, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Minh Tiến, tổ đã thuê nhà ông Triệu Vàn Xiểu, thôn Nậm Tậu làm trạm chốt chặn. Đến nay, đã hơn 7 tháng kể từ ngày thành lập, tổ vẫn chưa nhận được thù lao, chi trả tiền thuê nhà nên đành phải trả lại. Cán bộ kiểm lâm, anh em của Tổ kiểm soát lâm sản buộc phải đi ở nhờ gia đình ông Triệu Dào Châu để canh gác cửa rừng. Đức Xuân vốn là “điểm nóng” về khai thác, buôn bán trái phép lâm sản khi xưa, nay rừng đã xanh, chim đã về làm tổ. Còn những người canh gác cửa rừng Đức Xuân thì vẫn đi ở nhờ, không có trang thiết bị hỗ trợ, không thù lao... Người dân Đức Xuân thông cảm cho những anh lính xung kích giữ rừng “3 không” cho rằng: “Nước mắt của rừng” đang ngấm vào trong lòng người canh gác, để rừng Đức Xuân còn mãi màu xanh...!

        Ký sự của Nguyễn Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê quá tải vì nắng nóng và mưa dông thất thường

BHG - Trong những ngày qua, thời tiết thay đổi nắng nóng gay gắt và mưa dông thất thường khiến Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê quá tải bởi bệnh nhân nhập viện gia tăng; đặc biệt là trẻ em và người già. Bệnh nhân nhập viện thường bị mắc các bệnh như: viêm phổi, tiêu chảy, sốt virus, tim mạch, huyết áp… Trong những ngày nắng đỉnh điểm 36 – 39oC, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân. Cụ thể, thứ ba (22.5) có 148 bệnh, tăng 10 - 30 ca so với ngày bình thường.

23/05/2019
Nhiều giải pháp hạn chế dân di cư tự do

BHG - Trong những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển KT-XH. Từ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sắp xếp ổn định cuộc sống, giảm tình trạng di cư tự do (DCTD).

 

23/05/2019
Nguyễn Thúy Hiền, liên đội trưởng trách nhiệm, tài năng

BHG - Vui vẻ, hòa đồng với bạn bè và nghiêm túc, trách nhiệm trong mọi hoạt động là những ưu điểm đáng mến của em Nguyễn Thúy Hiền, Chi đội trưởng lớp 8A3 và là Liên đội trưởng Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang). Không chỉ nổi bật với thành tích học tập tốt, em còn là "hạt nhân" tích cực tham gia công tác đội và các phong trào văn nghệ của lớp, trường.

 

23/05/2019
Cháy vườn rừng tại tổ 17, phường Trần Phú

BHG - Vừa qua, tại khu vườn rừng của ông Trần Văn Quân, tổ 17, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang đã xảy ra vụ cháy. Nguyên nhân được cho là do ông Trần Văn Quân đốt cỏ khô tại khu vực vườn rừng của gia đình. Mặc dù đã có đề phòng, song do không triển khai đường băng cản lửa và thiếu kiến thức khi đốt từ phía chân đồi cháy lên, khiến cho ngọn lửa bùng phát dữ dội, có nguy cơ lan sang khu dân cư và vườn rừng một số hộ gia đình khác.

23/05/2019