Ký ức của người con Hà Giang trên đất nước Chùa tháp

08:44, 07/01/2019

BHG - Tình cờ nghe chương trình phát thanh Quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam nói về Chiến tranh biên giới Tây Nam 40 năm trước nhắc đến cái tên Hoàng Thiểm, một người con Hà Giang, tôi tìm đến ông để được nghe kể về những ký ức một thời trên đất nước Chùa tháp Campuchia.

Nhà báo Hoàng Thiểm là người Hà Giang, từng là phóng viên Báo Hà Giang, ông kinh qua nhiều cơ quan báo chí, trong đó có những cơ quan như Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quân đội… Ông là số ít phóng viên có mặt trong thời khắc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Dinh Độc Lập, trưa 30.4.1975. Nghiệp báo đã đưa ông đến rất nhiều chiến trường khốc liệt, trong đó có biên giới Tây Nam, trên đất Campuchia, chiến trường biên giới phía Bắc những năm 1980. Tâm sự với nhà báo Hoàng Thiểm, những ký ức về một thời tác nghiệp trên tuyến biên giới Tây Nam và đất nước Campuchia của ông khiến tôi có cảm giác đang đứng trên chiến trường Campuchia 40 năm trước vậy. 

Người dân Campuachia đón chào Quân tình nguyện Việt Nam (ảnh từ Internet)
Người dân Campuchia đón chào quân tình nguyện Việt Nam (ảnh từ Internet)

Sau năm 1975, chế độ Pôn Pốt ở Campuchia ngày càng chống phá Việt Nam. Dưới sự hỗ trợ của nước ngoài, từ năm 1975 – 1978, quân Khơ me đỏ có những cuộc gây hấn, xâm phạm chủ quyền của nước ta trên tuyến biên giới Tây Nam, chúng giết và bắt hàng chục ngàn dân ta, khiến cho 400 ngàn người dân mất nhà cửa... Quân Khơ me đỏ đã gây rất nhiều tội ác với đồng bào, chiến sỹ ta. Trước tình hình đó, chúng ta buộc phải đáp trả. Chú Thiểm kể, với vai trò là phóng viên Truyền hình Quân đội, chú đã nhiều lần tác nghiệp cùng bộ đội ta làm nhiệm vụ tuyên truyền từ những năm 1976, 1977 trên tuyến biên giới Tây Nam; nhiều lần tham gia cùng các đơn vị bộ đội ta đánh trả các đợt tấn công của Khơ me đỏ trên tuyến biên giới Tây Nam năm 1978, trong đó có những trận giao tranh cực kỳ ác liệt. Khơ me đỏ ác ôn, nhưng sức chiến đấu không thể so với quân ta và nhiều lần bị ta đánh bại, nhiều tên bị ta bắt sống.

Không chỉ được tác nghiệp cùng các đơn vị bộ binh, tăng thiết giáp, nhà báo Hoàng Thiểm còn được tác nghiệp cùng với cả không quân Việt Nam. Chú Thiểm kể, có lần chú được đi cùng đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trên máy bay trực thăng chỉ huy. Đó là đợt truy quét của không quân ta vào các cứ điểm của quân Khơ me đỏ dọc tuyến biên giới. Đây cũng là trận đánh ác liệt, có chiếc máy bay trực thăng của ta sau trận đánh đó bị đạn địch bắn thủng lỗ chỗ.

Trước sự tàn ác của Khơ me đỏ, không chỉ xâm phạm chủ quyền, giết hại giã man đồng bào ta, chúng còn đầy đọa, diệt chủng nhân dân Campuchia với hàng triệu người bị chết dưới chế độ cai trị hà khắc. Đảng và Nhà nước ta phải có một quyết định mạnh bạo, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Đảng ta nhấn mạnh, giúp bạn cũng là để bảo vệ đất nước ta. Ngày 23.12.1978, Quân đội ta đã tiến hành cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đến ngày 31.12.1978, quân Khơ me đỏ hoàn toàn bị đánh đuổi, ta thu hồi toàn bộ lãnh thổ bị chúng chiếm.

Cuối tháng 12.1978, nhà báo Hoàng Thiểm cùng với các phóng viên của Buổi phát thanh Quân đội, Báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và Truyền hình Quân đội cùng Quân đoàn 4 trong cuộc hành quân mũi nhọn hướng thẳng vào thủ đô Phnompenh. Hành trình với chặng đường khoảng hơn 100km từ biên giới Tây Ninh. Đây là một cuộc tiến công rất ác liệt khi phải đối đầu với sự chống trả quyết liệt của Khơ me đỏ trên đường đi với nhiều phòng tuyến. Đến ngày 5.1, quân ta đã xé toang các tuyến phòng ngự của Khơ me đỏ để tiến thẳng vào Phnompenh. Chiều 7.1, Quân đoàn 4 đã đến Phnompenh, nhà báo Hoàng Thiểm nhớ lại, lúc này Khơ me đỏ đã tan tác, Phnompenh như vườn không nhà trống, đường phố không một bóng người do nhân viên của bọn Pôn Pốt đã chạy hết, người dân đã di tản hoặc bị Pôn Pốt lùa về các trại tập trung ở nông thôn trước đó. Thậm chí ngay tại khu vực cung điện Hoàng gia Campuchia cũng không có một bóng người. Giữa lòng Phnompenh lúc này đã không còn tiếng súng.

Tối ngày 7.1, nhóm phóng viên của ta trong đó có chú Thiểm được nghỉ lại một khách sạn có tên là Hoàng Gia, một khách sạn cao cấp, nhưng anh em phải ngủ ở… dưới hầm khách sạn với sự đề phòng tối đa. Không chỉ tác nghiệp tại Phnompenh, từ đây chú Thiểm cùng nhiều nhà báo khác theo chân các đơn vị quân đội của ta tiến ra nhiều địa phương khác để truy quét tàn quân Pôn Pốt.

Sau ngày đặt chân đến Phnompenh, chú Thiểm được chứng kiến sự hiện diện của nhiều nhà báo quốc tế từ Đức, Pháp, Cu Ba, Nhật Bản…, trong đó có nhà báo nổi tiếng Tacano... Họ được chứng kiến những việc làm cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia với tinh thần quốc tế cao cả giúp nhân dân Capuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Những người lính tình nguyện Việt Nam đến đâu đều giúp đỡ nhân dân Campuchia nhiệt tình, được người Campuchia chào đón.

Chú Thiểm nhớ lại, mừng giải phóng Phnompenh và đất nước Campuchia, một ngày tháng 2.1979, nước bạn Campuchia có tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Sau đó tổ chức buổi tiệc mừng chiến thắng vào bổi tối hôm đó. Buổi tiệc có sự hiện diện rất đông của quan chức, tướng lĩnh Campuchia và Việt Nam, trong đó có ngài Hun Sen (sau này là Thủ tướng Campuchia), tướng Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Đảng ta), tướng Lê Hai…, chú Thiểm cũng có mặt tại sự kiện này. Khoảng 9h tối, khi mọi người đang vui vẻ dùng tiệc thì bàng hoàng nghe tin từ Buổi phát thanh Quân đội của Đài tiếng nói Việt Nam thông báo, ngày 17.2, địch đã đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Chú Thiểm kể, nhà báo Nhật Bản Tacano nghe tin này lập tức từ Phnompenh về Sài Gòn và lên phía Bắc luôn, ông đã thiệt mạng tại Lạng Sơn trong trận pháo kích của địch.

Nhà báo Hoàng Thiểm cho biết, mấy hôm sau ông nhận lệnh về Sài Gòn để chuẩn bị lên phía Bắc. Suốt những năm tháng sau đó, ông đã đi đến nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và quê hương Hà Giang để phản ánh về chiến sự ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tại tuyến lửa Vị Xuyên, Hà Giang, nhà báo Hoàng Thiểm từng có những ngày gắn bó, ăn một cái Tết 1982 cùng Trung đoàn 14, thuộc Sư đoàn chủ lực 313 do đồng chí Hoàng Toái (sau này là Phó tư lệnh Quân khu II) là Trung đoàn trưởng.

                                                                   Huy Toán

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao năng lực về ngân sách có trách nhiệm giới

BHG - Trong 2 ngày 29 – 30.12, tại xã Đạo Đức (Vị Xuyên), Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (Cepew) tổ chức lớp tập huấn "Nâng cao năng lực về ngân sách có trách nhiệm giới cho cán bộ và người dân" thuộc vùng dự án. Tham dự có lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức xã Đạo Đức và các bí thư chi bộ thôn.

31/12/2018
Hà Giang rét đậm, rét hại diện rộng, có nơi xảy ra băng tuyết

BHG - Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 29.12 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất tính đến 13h00 ngày 29.12, các nơi lần lượt là: TP Hà Giang 13,4 độ, Bắc Quang 14,1 độ, Hoàng Su Phì 13,1 độ, Bắc Mê 9,9 độ, Đồng Văn 5,5 độ. Dự báo, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiếp tục giảm sâu trong 2 ngày 30 và 31.12, với nhiệt độ thấp nhất các khu vực phổ biến từ 6 – 9 độ, riêng Bắc Mê 2 – 4 độ, vùng núi cao dưới 3 độ và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá...

29/12/2018
Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang – với công tác nhân đạo năm 2018

BHG - Nhìn lại một năm hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Hà Giang - Một năm đội ngũ các cán bộ Hội viên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vượt qua sự mọi khó khăn, đồng hành cùng đồng bào vùng cao biên giới địa đầu Tổ quốc, vượt qua những khó khăn, hoạn nạn kịp thời hỗ trợ bà con những con bò, những ngôi nhà, những yến gạo vào đúng thời điểm bà con cần, đã kịp thời mang niềm vui, niềm hy vọng đến với mọi người là minh chứng rõ nét khẳng định Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 18/CT-TTg về "Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới".

28/12/2018
Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp" của Công ty BHNT Dai-ichi Việt Nam và Bưu điện tỉnh Hà Giang tặng quà trẻ có hoàn cảnh khó khăn

BHG - Tiếp tục hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong các ngày 26 - 28.12, Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp" của Công ty BHNT Dai-ichi Việt Nam và Bưu điện tỉnh Hà Giang đã đến thăm và trao tặng 100 phần quà cho học sinh Trường Tiểu học xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần và 50 phần quà cho học sinh Trường Tiểu học xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc. Tổng giá trị 150 phần quà trên 30 triệu đồng. Từ 9.2018 đến nay, Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp" phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trao tặng 1.200 phần quà, trị giá trên 360 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... 

28/12/2018