Hà Giang

Bài học quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

15:57, 30/11/2018

BHG - Huyện Quang Bình có 70 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (CNSHNT) tập trung do huyện làm chủ đầu tư, 6 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư và hầu hết được khởi công xây dựng từ giai đoạn 2004 - 2016. Thời gian qua, nhiều công trình đã góp phần giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương; nhưng do cách quản lý còn bất cập dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang.

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Yên Thành bị bỏ hoang.
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Yên Thành bị bỏ hoang.

Khi việc quản lý còn nhiều bất cập

Tại xã Yên Thành có tổng số 21 công trình CNSHNT nhưng hiện tại 16 công trình gần như “nằm bất động”. Đáng nói hơn, một số bể chứa nước vốn đầu tư đến cả tỷ đồng cùng chung cảnh ngộ. Sau khi chủ đầu tư hoàn thiện, UBND xã nhận nghiệm thu và bàn giao lại cho các thôn quản lý, khai thác sử dụng nhưng chỉ thời gian ngắn các công trình không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân được cho là thiếu nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên, địa hình dốc hay sạt lở làm cho đường ống dẫn nước nhanh hỏng nên tình trạng cấp nước không cải thiện.

Sau khi thành lập Tổ dịch vụ quản lý cấp nước sinh hoạt nông thôn bà con thôn Buông, xã Tiên Yên đã sử dụng tiết kiệm nguồn nước.
Sau khi thành lập Tổ dịch vụ quản lý cấp nước sinh hoạt nông thôn bà con thôn Buông, xã Tiên Yên đã sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Bà Sùng Thị Mai, xóm 3, thôn Yên Lập cho biết: “Thôn có 3 bể nước phục vụ nhân dân, công suất trung bình đạt từ 15 m3 nước/ngày đêm; chúng tôi đều lấy nước về tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, 2 công trình đã hỏng cách đây 4 - 5 năm. Ngày trước, mỗi tháng các gia đình đều nộp 3 kg thóc cho thôn để trả công cho người sửa chữa đường ống dẫn nước. Phần lớn nước được dẫn từ đầu nguồn về rất xa, trên đồi núi, cứ mưa lớn là tụt ống dẫn nước, có thời điểm 1 - 2 ngày lại phải đi sửa, đến khi quá xuống cấp, dân không có tiền sửa chữa thì bị bỏ hoang. Bây giờ, cứ 2 - 3 hộ cùng nhau đóng góp tiền mua dây kéo nước từ đầu nguồn về dùng”.

Còn ông Hoàng Văn Lượng, xóm 1, thôn Yên Thượng bày tỏ: “Công trình CNSHNT tại thôn do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư, chứa 43 m3 nước/ngày đêm và đưa vào sử dụng từ năm 2009, đáp ứng đủ nhu cầu của 20 hộ dân. Vì nguồn nước cách xa, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể nên bể nước tự chảy mới hỏng khoảng 2 năm. Gia đình tôi tự bỏ ra 2 triệu đồng mua dây về kéo nước sinh hoạt”.

Tương tự, 6 công trình CNSHNT tập trung tại xã Bằng Lang do huyện Quang Bình làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn gần 1,7 tỷ đồng cũng rơi vào tình cảnh bị “đắp chiếu”. Duy nhất, công trình CNSH Hồ Khuổi Kéng, có công suất 110 m3 nước/ngày đêm với số vốn trên 3,1 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2010 còn hoạt động ở mức trung bình. Qua tìm hiểu, thôn Thượng Bằng có 135 hộ dân, vào mùa khô các gia đình đều thiếu nước trầm trọng, bà con lấy tạm nước ở con suối Nậm Van gần đó để sử dụng. Trong khi người dân vẫn đang chịu cảnh khan hiếm nước sinh hoạt thì bể CNSH có cũng như không. Rõ ràng, vấn đề này đặt ra sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cộng đồng thôn, bản và địa phương trong khâu quản lý.

Bài học quản lý sau đầu tư

Trước những vấn đề cần tháo gỡ, UBND huyện Quang Bình giao cho đơn vị chức năng là Phòng NN&PTNT kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sử dụng các công trình CNSHNT trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện thí điểm thành lập 5 Tổ dịch vụ quản lý công trình CNSH sau đầu tư tại 4 xã gồm: Tiên Yên, Xuân Giang, Tân Trịnh, Hương Sơn. Mục đích gắn ý thức của người dân trong quá trình sử dụng các công trình công cộng để tạo ra nguồn thu phí, dùng 70% chi trả công duy tu, sửa chữa cho Tổ dịch vụ, 30% trích lại mua trang, thiết bị bảo dưỡng thường xuyên.

Anh Đặng Văn Dân, Tổ trưởng Tổ dịch vụ quản lý CNSHNT thôn Buông, xã Tiên Yên cho biết: “Mấy năm trước bể nước trong thôn hoạt động tốt nhưng người dân dùng nước tự do nên rất lãng phí. Năm 2017, huyện hỗ trợ tiền sửa chữa ống nước, lắp đặt đồng hồ cho các gia đình; sau khi thành lập xong Tổ dịch vụ, chúng tôi thu phí mỗi hộ 30 nghìn đồng/tháng/80m3 nước; 3 thành viên được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng tiền công quản lý, sữa chữa, số còn lại giữ làm quỹ. Cách làm trên đã nâng cao nhận thức của người dân đối với việc giữ gìn tài sản, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình trong đời sống hàng ngày”.

Tính đến nay, các Tổ dịch vụ quản lý CNSHNT tại huyện Quang Bình đi vào hoạt động tương đối tốt. Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý, sự phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là ý thức người dân để bảo vệ các công trình cấp nước là yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Mèo Vạc tiếp nhận hơn 370 tấn gạo cho học sinh

BHG - Từ ngày 15 đến 30.11, huyện Mèo Vạc tiếp nhận và hoàn thành cấp phát 370,295 tấn gạo để hỗ trợ cho các em học sinh vùng khó khăn, học sinh nghèo trên địa bàn trong đợt 2 học kỳ I, năm học 2018-2019, theo Nghị định 116/2016/NĐ - CP của Chính phủ. Trong đợt này, toàn huyện Mèo Vạc có 8.463 em học sinh thuộc 37 đơn vị trường học có học sinh bán trú được hỗ trợ gạo. Định mức hỗ trợ 15kg/học sinh/tháng.

30/11/2018
Sắp xếp cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo xã ở Đồng Văn

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và coi trọng vai trò của phụ nữ, đặc biệt đánh giá cao vai trò của họ trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xây dựng tổ chức Đảng. Người cũng nhấn mạnh: "Đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ". Chăm lo công tác cán bộ nữ, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo thực hiện như: Nghị quyết số 04-NQ/TW về "Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới"; Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư về "Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới"…

 

29/11/2018
Lễ phát động hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

BHG - Sáng 29.11, UBND thành phố Hà Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 10.11 – 10.12.2018 và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1.12.2018. Đến dự và chỉ đạo buổi Lễ có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

29/11/2018
Trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó của huyện Vị Xuyên

BHG - Ngày 27.11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Quỹ thiện tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Đến dự có lãnh đạo huyện Vị Xuyên. Đã có 22 suất học bổng được trao cho 22 em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn toàn huyện, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng cho 3 tháng (10,11, 12) của năm học 2018 – 2019. Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Vị Xuyên gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Quỹ thiện tâm (tập đoàn Vingroup). 

28/11/2018