Công ty TNHH CKC cần chấp hành nghiêm quy định bảo vệ môi trường

08:24, 07/03/2018

BHG - Nhà máy tuyển nổi chì - kẽm của Công ty trách nghiệm hữu hạn (TNHH) CKC thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) nằm giáp ranh với thôn Nà Vuồng, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê. Theo phản ảnh của người dân Bắc Mê: Thời gian gần đây, doanh nghiệp này liên tục xả thải, quặng đuôi với lưu lượng lớn, tần suất dày và kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến môi trường nước sông Gâm và gây bất bình trong nhân dân một số xã quanh khu vực.

Mặt nước sông Gâm cạnh suối xả thải (Ảnh chụp ngày 2.1.2018).
Mặt nước sông Gâm cạnh suối xả thải (Ảnh chụp ngày 2.1.2018).

Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Củng Thị Mẩy cho biết: “Sự việc trên được người dân phản ảnh từ cuối năm vừa qua, UBND huyện đã cử cán bộ chuyên môn lấy mẫu nước thải tại nơi xả thải và có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Giang, Cao Bằng về sự việc trên. Bên cạnh đó, huyện đã có công văn chỉ đạo các xã nắm bắt tình hình, vận động người dân thông tin khi có sự việc xảy ra...”.

Vừa qua, Sở TNMT tỉnh phối hợp với Sở TNMT Cao Bằng lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy tuyển nổi chì - kẽm của Công ty TNHH CKC. Tại buổi làm việc vào ngày 19.1.2018, Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực địa việc xử lý nước thải khu vực hồ lắng thải, hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy, theo biên bản của buổi làm việc đã chỉ rõ: “Trước phản ánh sự việc nước thải chảy vào suối Bản Khun ra sông Gâm, gây ô nhiễm môi trường nước theo phản ánh của Sở TNMT tỉnh Hà Giang. Với thông tin đó, đơn vị nhà máy đã chỉ ra nguyên nhân là do nước sữa vôi bổ sung hệ thống xử lý quá nhiều không kịp thời xử lý đã chảy ra ngoài môi trường...”.

Có mặt tại buổi kiểm tra thực địa tại nhà máy, ông Bùi Minh Tân, Trưởng phòng TNMT huyện Bắc Mê cho biết: “Buổi kiểm tra cho thấy hồ lắng thải của nhà máy đã quá đầy, có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nếu không có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Đoàn kiểm tra đã kiến nghị, trước ngày 15.2.2018, doanh nghiệp phải xây dựng phương án xử lý bùn lắng thải tại hồ chứa; thực hiện ngay việc nạo vét bùn thải khô lòng tại hồ chứa thải; không được phép nâng chiều cao của đập, có biện pháp duy trì an toàn đập, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố vỡ đập chắn thải của hồ chứa thải...”.

Theo ông Hoàng Văn Té Trưởng thôn Nà Vuồng: “ Hiện tượng xả thải của nhà máy diễn ra từ đầu năm 2017, cứ vào tầm sáng sớm, nước trên mặt sông chuyển sang màu tro, mặt sông gần phía Bảo Lâm có màu xanh và trắng đục... Hiện tượng trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do nghi bị nhiễm chì... Đồng chí Hoàng Thế Lực, cán bộ địa chính xã Yên Phong cho biết thêm: “Từ khi có hiện tượng trên, những dự án nuôi cá lồng của người dân trên lòng hồ thủy điện Bắc Mê đã bị dừng lại. Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước, khi những đoàn xe tải của nhà máy chạy qua tuyến đường thôn, thường xuyên làm chảy, tràn nước màu đen sang hai bên đường và có mùi hôi thối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân...”

UBND huyện Bắc Mê đã tiến hành lấy mẫu nước thải gửi Sở TNMT tỉnh Cao Bằng; trước sự việc trên UBND Cao Bằng đã có công văn đề nghị công ty TNHH CKC: Nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh và sở TNMT Cao Bằng trong công tác bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm việc nạo vét nhà máy...; Đoàn kiểm tra đề nghị Sở TNMT Cao Bằng cũng như Nhà máy tuyển nổi chì – kẽm của công ty TNHH CKC có câu trả lời chính xác về mẫu nước gửi đi và việc thực hiện những phương án đã được đề nghị trước ngày 15.2.2018. Nhưng đến thời điểm hiện tại Sở TNMT Hà Giang và người dân Bắc Mê chưa nhận được câu trả lời từ mẫu nước gửi đi.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới

BHG - Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới về lựa chọn các xã điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM) từng giai đoạn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động ở các xã thuộc Đề án xây dựng NTM.

28/02/2018
Nhiệm vụ quan trọng thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững

BHG - Công tác hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh, hiện nay, ngành nghề được đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục công lập là 103 ngành, nghề. Trong đó, tập trung chủ yếu vào ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng LĐ trên địa bàn; từ đó, định hướng việc làm cho người dân. 

28/02/2018
Ghi nhận công tác xuất khẩu lao động ở huyện Mèo Vạc

BHG - Xác định việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi làm ở các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh và đi làm việc theo "Biên bản thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới" là "chìa khóa" để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi XKLĐ ở các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh và nước bạn và đã có những kết quả đáng ghi nhận.

28/02/2018
Xuân về trên bản Đán Khao Mới

BHG - 13 hộ dân, với gần một trăm khẩu thôn Đán Khao, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần đã phải di dời khẩn cấp cuối năm 2007, đầu năm 2008. Sau 10 năm tái định cư tại nơi ở mới (Đán Khao Mới), cuộc sống đã thực sự đổi thay... Tôi tìm đến nhà ông Ly Sèn Chỉ, người đầu tiên vận động gia đình di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ sạt, lở mùa mưa năm 2007. Vẫn dáng nhanh nhẹn khi xưa, ông Chỉ vui vẻ: Tết qua, làng Đán Khao Mới no đủ, nhiều rượu, nhiều thịt treo lắm. Cầm chén rượu trên tay, cái vị cay nồng như thể làm cho Xuân này ấm hẳn lên. 

28/02/2018