Cuộc sống của người dân xã Sủng Cháng gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt

09:09, 01/02/2018

BHG - Dù mới bắt đầu bước vào mùa khô, nhưng hiện nay, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân xã Sủng Cháng huyện Yên Minh đang ngày một cạn kiệt; cảnh chờ để lấy từng giọt nước, giờ không còn là chuyện lạ với người dân nơi đây. Khi mà mỗi năm có đến 5 tháng, bà con phải sống trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Học sinh Trường Tiểu học Sủng Cháng chờ lấy nước ở khe suối để phục vụ sinh hoạt.
Học sinh Trường Tiểu học Sủng Cháng chờ lấy nước ở khe suối để phục vụ sinh hoạt.

Vào một chiều Đông, tôi theo chân cán bộ xã Sủng Cháng về thôn Làng Pèng. Thấy người lạ đến, mấy đứa trẻ mặt mũi lấm lem, quần áo phong phanh đang nô đùa trong thời tiết giá lạnh, tò mò chạy theo. Làng Pèng cách trung tâm xã không xa, thôn có 77 hộ, với 450 khẩu  và đa phần là hộ nghèo. Vào thăm nhà Mua Vá Sử, khi anh đang cặm cụi sửa lại chuồng nuôi gia súc; quan sát xung quanh, tôi thấy vật dụng nhiều nhất là những can chứa nước loại 20 lít. Dừng tay, anh Sử chia sẻ: “Gia đình có làm máng hứng nước mưa và cùng một số hộ trong thôn góp tiền xây bể dự trữ nước mưa, nhưng thời gian này, mưa ít nên hết nước. Nhà có 9 khẩu, để có nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt; vợ chồng mình phải thay phiên nhau đi lấy nước tại bể dân sinh của thôn khác, cách xa nhà khoảng 2km. Có hôm phải đi rất sớm, chờ nhau lấy được can nước phải mất cả buổi sáng, không thể đi nương được. Chưa kể, vào mùa cấy lúa, mưa xuống bà con phải thắp đèn cày đêm để giữ nước ruộng nên rất vất vả”.

Việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, mà cả trạm y tế, các trường học của xã cũng cùng chung cảnh ngộ. Thầy giáo Mai Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Sủng Cháng cho biết: “Nhà trường có 42 cán bộ, giáo viên và 536 học sinh; trong đó, có 128 em ở bán trú. Mỗi năm, mùa khô đến không có nước dùng, cán bộ, giáo viên phải mua với giá từ 5 - 10 nghìn đồng/can 20 lít;  thương nhất là học sinh. Hiện tại, nhà trường phát cho mỗi em ở bán trú một chiếc can 5 lít, ngoài giờ học, các em đi lấy nước ở khe núi, cách khoảng 800m để có nước sử dụng. Nguồn nước trên được khử phèn cho học sinh dùng nấu ăn, tắm rửa. Vào mùa cao điểm, hết nước, phải trích nguồn Quỹ tự đóng góp của trường để mua nước cho học sinh.”

Dẫn tôi đến xem nguồn nước mà cả học sinh, cán bộ, giáo viên và người dân xung quanh đang xếp hàng chờ hứng nước; quả thật, nguồn nước chảy nhỏ không quá đầu đũa. Thầy giáo Lý Seo Tính, Phan Văn Hưng, những người đã gắn bó 5 - 6 năm với công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Sủng Cháng cho hay: “Cảnh chờ đợi nước bây giờ đã trở thành thói quen, có khi 2 giờ sáng, các thầy phải dậy để đi lấy nước. Nước rửa rau xong thì phải dùng để rửa bát; nhiều khi cả tuần không tắm được vì không có nước. Có lẽ, những câu chuyện dở khóc, dở cười vì thiếu nước đã thành “đặc sản” khó quên với các thầy”.

Sủng Cháng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, toàn xã có 604 hộ, với 3.426 khẩu, gồm 9 thôn, bản. Do khí hậu khắc nghiệt, nên từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng 4 năm sau hầu như không có mưa. Nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, sản xuất chủ yếu là nguồn tự nhiên thông qua hệ thống các khe suối, hồ, mạch ngầm trên núi, nhưng trữ lượng thấp. Được sự quan tâm của các cấp, ngành; những năm qua, xã được đầu tư và đưa vào sử dụng 2 công trình hồ treo tại thôn Mào Phố với dung tích chứa 4.200m³ và thôn Chúng Trải với dung tích 3.400m³. Nhìn chung, các hồ đã cơ bản đáp ứng 40% nhu cầu sử dụng nước toàn xã. Để tiết kiệm và tích trữ nguồn nước cho nhân dân, xã đã xây dựng kế hoạch cấp nước theo lịch cụ thể. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài, nên 6/9 thôn, bản của xã luôn rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng; bà con phải đi lấy nước ở các khe suối xa nhà, ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã có 60ha lúa nước; 800ha ngô, đậu tương và rau đậu các loại. Lường trước những bất lợi của thời tiết, năm 2018, xã dự kiến chuyển đổi 10ha trồng lúa sang trồng ngô để tránh hạn hán.

Để ổn định cuộc sống cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Sủng Cháng mong muốn tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thiện công trình cấp nước sinh hoạt tại trung tâm xã để cho học sinh, cán bộ và nhân dân trên địa bàn được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh, cũng như nguồn nước phục vụ cho sản xuất...

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị quyết 109/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

BHG - Từ ngày 6 đến ngày 8.12, tại tại Hội trường lớn HĐND - UBND tỉnh, Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã được tổ chức. Tại Kỳ họp, các đại biểu đã tập trung trí tuệ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết 109/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Giang.

31/01/2018
Sẵn sàng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán

BHG - Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người dân được nghỉ 7 ngày (14.2 – 20.2), theo dự báo nhu cầu đi lại sẽ tăng đột biến. Nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân, Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) đã ban hành kế hoạch đảm bảo giao thông trước, trong, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân năm 2018. "Để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở đã xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân; bố trí trực 24/24h...

30/01/2018
Mèo Vạc: Băng giá bao trùm một số địa phương

BHG - Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ 29-30.1 trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, đặc biệt khu vực các xã biên giới xuất hiện băng giá; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -3 độ C. Theo đó băng giá xuất hiện bao trùm toàn bộ khu vực địa bàn các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ và khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán thuộc Thị trấn Mèo Vạc. 

30/01/2018
Năm 2017 Hà Giang huy động được gần 88 tỷ đồng xã hội hóa giáo dục

BHG - Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo, trong năm 2017 các ngành, địa phương, trường học đã kết nối, huy động, vận động được hàng trăm tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí để củng cố, xây dựng trường lớp, nhà công vụ giáo viên, nhà vệ sinh, công trình nước sạch cho các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, hàng nghìn trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi, áo ấm, chăn ấm, xe đạp… 

30/01/2018