Cần giải pháp khơi thông nguồn tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo có hoạt động nghề rừng

09:46, 06/01/2018

Ngày 9.9.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR), gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Đối tượng áp dụng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện KT-XH khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động BV-PTR: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch PTR được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng. Và đối tượng là cộng đồng dân cư thôn được giao rừng tại các xã có điều kiện KT-XH khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.

Các nội dung hỗ trợ gồm: Khoán bảo vệ rừng; bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; trồng rừng phòng hộ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy và chính sách tín dụng.

Riêng chính sách tín dụng, việc vay không có tài sản bảo đảm, lãi suất ưu đãi 1,2%/năm, hạn mức, thời hạn cho vay phù hợp với điều kiện của đồng bào trồng rừng. Cụ thể, đối với tín dụng trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, hạn mức vay tối đa 15 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay từ khi trồng đến khai thác theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm; cho vay phát triển chăn nuôi, hạn mức tối đa 50 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm. Đây là cơ hội rất tốt để đồng bào có vốn phát triển sản xuất bền vững.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tổng vốn giải ngân đến nay mới đạt hơn 15 tỷ đồng; nhiều huyện chưa thực hiện chính sách này… Những vướng mắc dễ nhận thấy đó là điều kiện để ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn. Đối với việc trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, hộ gia đình phải có thiết kế, dự toán trồng rừng, trong khi cơ quan chức năng chưa hướng dẫn cụ thể nên trên địa bàn tỉnh chưa giải ngân được vốn. Cho vay phát triển chăn nuôi mới chỉ giải ngân được một số hộ có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Còn các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng chưa thực hiện được, vì thủ tục giải ngân đòi hỏi phải có hợp đồng giao khoán cho từng gia đình. Nhưng trên thực tế, việc giao khoán thường được các chủ thể giao cho trưởng thôn và lập đanh sách các hộ tham gia, không có bản đồ, diện tích cụ thể từng hộ được giao khoán nên phía ngân hàng không thể ký kết hợp đồng tín dụng. Từ thực tế trên, năm 2018, các huyện không đăng ký số lượng nguồn vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để giải ngân; các ngành liên quan chưa thật sự chú trọng phối hợp để tháo gỡ.

Để triển khai và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, rất cần sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương. Cụ thể, các Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường cần thống nhất, đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng cho đồng bào, có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về quy trình, thủ tục lập thiết kế, dự toán trồng rừng với từng loại rừng; quy định việc giao khoán bảo vệ rừng có thời hạn phù hợp với chính sách tín dụng tối thiểu 10 năm. Đối với UBND tỉnh, các huyện, thành phố cần đánh giá đúng nhu cầu thực tiễn của người dân để đăng ký nguồn vốn thực hiện; chỉ đạo ký hợp đồng giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng đến từng hộ, làm cơ sở ký kết hợp đồng tín dụng. Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục cụ thể, trước hết tập trung với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người Kinh nghèo tại xã vùng II, III của tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ, tạo động lực vươn lên, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để các chính sách phát huy hiệu quả, rất cần các giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm khơi thông nguồn vốn hỗ trợ.

 

Vương Ngọc Hà

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn từ thiện Hải Phòng trao tặng điểm trường Mầm non Pờ Chúa Lủng

BHG - Ngày 29.12, tại thôn Pờ Chúa Lủng, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, đoàn từ thiện Hải Phòng gồm: Công ty Cổ phần Thương mại và Vật liệu xây dựng Thiên Lương và Nhóm thiện nguyện Hoa Phượng đỏ thành phố Hải Phòng, do bà Phan Kim Oanh làm Trưởng nhóm, đã tổ chức lễ khánh thành và trao tặng công trình nhà lớp học điểm trường Mầm non Pờ Chúa Lủng, thuộc trường Mầm non Cán Tỷ. 

30/12/2017
Điểm trường Mầm non Đông Chè, xã Nàn Xỉn (Xín Mần) còn gặp nhiều khó khăn

BHG - Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT - XH đối với các xã biên giới của huyện Xín Mần. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống cơ sở y tế, giáo dục được đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Dẫu vậy, vẫn còn một số điểm trường trên đỉnh núi Gia Long với độ cao hơn 2.000m còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học; chỗ học tập, chỗ ăn, chỗ ngủ cho học sinh...

06/01/2018
Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi thoát vị màng não tủy

BHG - Ngày 4.1, cháu Phàn Mẩy Phương (10 tháng tuổi), dân tộc Dao trú tại xã Sủng Máng (Mèo Vạc) bị thoát vị màng não tủy  đã được các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho xuất viện. Trước đó, ngày 26.12, Khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhi Phàn Mẩy Phương với khối u vùng sau gáy có kích thước 8x10cm. Theo lời mẹ của bệnh nhi, khối u bắt đầu xuất hiện từ khi cháu được 3 tháng tuổi, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không cho cháu đi điều trị.

05/01/2018
Không ngừng nâng cao chất lượng công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

BHG - Thực hiện tốt công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian qua, Chi cục  DS – KHHGĐ đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền cho người dân về duy trì mức sinh hợp lý, cân bằng tỷ lệ giới tính, nhằm nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh.

05/01/2018