Hà Giang

Luôn quan tâm và đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức trẻ

16:41, 30/10/2017

BHG - Năm 2014, 212 trí thức trẻ (TTT) là người địa phương, tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng được hợp đồng, phân công công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh theo Đề án số 07 của BTV Tỉnh ủy. Trong 3 năm thực hiện Đề án, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 48 tỷ đồng để chi trả lương, phụ cấp cho các TTT; đã có 15 TTT được tuyển dụng trở thành cán bộ, công chức (CB-CC) ở các địa phương. Điều này khẳng định sự quan tâm và niềm tin của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đối với đội ngũ TTT.

Nguyễn Mạnh Linh (bên phải), công tác tại xã Na Khê (Yên Minh) là 1 trong những TTT thuộc Đề án 07.
Nguyễn Mạnh Linh (bên phải), công tác tại xã Na Khê (Yên Minh) là 1 trong những TTT thuộc Đề án 07.

Với chủ trương thu hút TTT là người địa phương về tỉnh công tác, giúp giải quyết việc làm và là cơ sở cho việc tuyển dụng CB-CC cấp xã, huyện, ngày 4.4.2013, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07 về việc hợp đồng TTT là người địa phương, đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, đến công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đề án được Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao và nhất trí cho triển khai thực hiện. 212 TTT, trong đó154 người có trình độ đại học, 58 người trình độ cao đẳng đã được lựa chọn và phân công công tác tại 140 xã đặc biệt khó khăn thuộc 10 huyện của tỉnh; trong đo, có 72 xã bố trí 2 người, 68 xã bố trí 1 người. Ngày 1.3.2014, các TTT chính thức nhận công tác tại cơ sở.

Đồng chí Bùi Văn Tuân, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức về công tác tại tỉnh. Đề án 07 là một trong những chính sách đó và thể hiện rất rõ sự quan tâm, đặt niềm tin của các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đối với đội ngũ TTT là người địa phương. Các TTT của Đề án 07 trước khi về cơ sở nhận công tác đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và những kiến thức, kỹ năng cơ bản về mô hình tổ chức của chính quyền địa phương, quy chế làm việc, quy trình tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã để thuận lợi cho quá trình công tác tại cơ sở. Ngoài ra, ngay khi về các địa phương công tác, các TTT cũng được cấp ủy, chính quyền huyện, xã phân công CB-CC theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ và bố trí nơi ăn, nghỉ và làm việc để yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, đội ngũ TTT cũng được hưởng lương và các chế độ, chính sách gần như tương đương CB-CC, viên chức cơ sở. Theo đó, đối với TTT công tác tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình; hàng tháng được hưởng hệ số lương theo trình độ đào tạo (đại học là 2,34 và cao đẳng là 2,10 mức lương cơ sở); hưởng phụ cấp thu hút hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng; nhận trợ cấp công tác phí hàng tháng bằng 0,13 mức lương cơ sở; trợ cấp tiền tàu xe bằng 1,2 triệu đồng/người/năm và được hỗ trợ đóng BHYT và BHXH theo quy định. Đối với các TTT công tác tại xã đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện 30a của tỉnh là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, ngoài các chế độ nêu trên còn được hưởng phụ cấp khu vực hàng tháng bằng 0,7 mức lương cơ sở; phụ cấp biên giới (đối với xã biên giới). Trong 3 năm thực hiện Đề án (từ tháng 3/2014 đến hết tháng 02/2017), tổng kinh phí đã thực hiện chi trả chế độ cho TTT theo Đề án 07 là trên 48 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương trên 9,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách T.Ư hỗ trợ. Mặc dù tỉnh đang thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, xong tỉnh ta đã bố trí, tuyển dụng được 15 TTT của Đề án trở thành công chức cấp huyện, xã. Tuy số lượng tuyển dụng không nhiều, nhưng đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ này.

Nhận được sự quan tâm của các cấp trong quá trình công tác, đội ngũ TTT đã tích cực phát huy vai trò, trí tuệ vào các lĩnh vực ở địa phương, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; nhiều TTT được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao khi đưa ra nhiều ý tưởng, mô hình, sáng kiến hay và làm tốt công tác dân vận ở cơ sở trong phát triển KT - XH, xây dựng NTM... Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Quản Bạ, Nguyễn Trung Dũng, cho biết: Huyện Quản Bạ có 16 TTT được phân công về công tác tại các xã trên địa bàn. Các TTT luôn nhiệt tình, năng động, bám sát cơ sở, tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hình thành nhiều Đề án, mô hình hay, hiệu quả. Qua theo dõi hàng năm, các địa phương và ngành đánh giá 100% TTT đều hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Một đồng chí đã được UBND huyện tuyển dụng vào công chức theo đúng vị trí việc làm.

Khẳng định thêm sự quan tâm, tin tưởng từ T.Ư đến tỉnh, huyện, sau 3 năm triển khai, Đề án 07 được T.Ư Đảng đồng ý cho tiếp tục triển khai trong 3 năm tiếp theo và hỗ trợ kinh phí thực hiện. Hiện, ngoài các TTT đã được tuyển dụng vào công chức và một số TTT do hoàn cảnh cá nhân xin thôi không tham gia Đề án, nên tổng số trí thức trẻ đang hợp đồng công tác tại các xã đặc biệt khó khăn còn 185 người. Để các TTT tiếp tục yên tâm công tác, cống hiến cho quê hương, tỉnh ta đã có chủ trương: Đối với những TTT có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ 2 năm trở lại đây thì giao cho các huyện xem xét tuyển dụng vào công chức, viên chức ở cấp huyện, cấp xã (nếu còn chỉ tiêu và phù hợp với vị trí việc làm); rà soát đội ngũ cán bộ cấp xã, chưa được đào tạo về trình độ chuyên môn, hoặc trình độ chuyên môn yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, xem xét, giải quyết cho thôi việc theo quy định; rà soát vị trí CB-CC cấp huyện, cấp xã còn thiếu, xem xét luân chuyển, điều động để bố trí phù hợp đội viên TTT (trong phạm vi địa bàn huyện) có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ vào thay thế...

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành đoàn Hà Giang phát huy vai trò trong cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến

BHG - Thành phố Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh; với dân số trên 5 vạn người, trong đó đội ngũ thanh niên chiếm 21% dân số. Đa số thanh niên luôn phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt, có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trước sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập văn hóa đa phương đã khiến một bộ phận nhỏ thanh niên có biểu hiện sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây tác động không tốt đối với thế hệ trẻ, gia đình và toàn xã hội.

30/10/2017
Khánh thành công trình trường Mầm non xã Khâu Vai (Mèo Vạc)

BHG - Ngày 30.10, Agribank Việt Nam phối hợp với UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Khánh thành công trình trường Mầm non xã Khâu Vai. Tham dự có đồng chí Phạm Hồ Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Agribank Việt Nam; lãnh đạo Agribank Chi nhánh Hà Giang; lãnh đạo huyện Mèo Vạc và xã Khâu Vai.

30/10/2017
Khảo sát chính sách tiền lương tại Bộ LĐTB&XH

Chiều 26/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã tới khảo sát việc thực hiện chính sách tại Bộ LĐTB&XH.

30/10/2017
Khai trương Văn phòng giao dịch An Cư

BHG-Sáng 29.10, tại số nhà 392, đường Nguyễn Trãi, tổ 9, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, Văn phòng giao dịch An Cư tổ chức lễ khai trương. Đến dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo thành phố Hà Giang và đông đảo khách hàng.

30/10/2017