Trăn trở nơi biên ải Khó Chư!

07:05, 02/09/2017

BHG- Thôn Khó Chư, xã Phố Cáo (Đồng Văn) nằm sát với huyện Malypho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), là thôn khó khăn nhất nhì của xã. Con đường về thôn biên cương này vô cùng gian nan, đặc biệt trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, vạn nỗi lo “treo” trên đầu mỗi người dân. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn luôn vững tâm, bền trí vượt qua khó khăn bám bản, phát triển kinh tế và trấn giữ biên cương.

Khu vực bên dưới thôn Khó Chư đã bị sạt lở.
Khu vực bên dưới thôn Khó Chư đã bị sạt lở.

Từ việc trăn trở con đường về bản...

Chủ tịch UBND xã Phố Cáo Vừ Mí Chơ trước khi đi đã dặn dò: Đường khó đi, cô phóng viên chịu khó nhé! 7h sáng chúng tôi bắt đầu hành trình lên thôn Khó Chư. Từ trung tâm xã, đi qua thôn Sảng Pả là đoạn đường dễ đi, thế nhưng khi đến lối rẽ lên thôn Suối Thầu thì toàn ổ voi, ổ gà, phía trước không khác gì một “dòng sông đá”. Tiếp tục lên khoảng 2 km là thôn Lũng Thầu, đoạn đường này không có đá nhưng lại là những vũng bùn dài hàng chục mét ngập tới nửa bánh xe, một bên là núi một bên là vực thẳm sâu đến vài chục mét. Thế nên chỉ dài 8km, nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ vật lộn mới đến được Khó Chư.

Được biết, đây là tuyến đường thuộc Dự án đường vành đai biên giới xã Phố Cáo - xã Phố Là, được triển khai thi công từ năm 2009 có tổng chiều dài 10km, do huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Khánh Sơn thi công, với số vốn đầu tư được phê duyệt là 37 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các thôn biên giới của xã Phố Cáo – Phố Là thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa giữa các thôn nội địa, biên giới với cư dân biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công do thiếu vốn, trong giai đoạn giãn hoãn, cắt giảm đầu tư công của Nhà nước, nên từ năm 2011, tuyến đường đã phải tạm dừng thi công. Đến nay, mới chỉ hoàn thành được phần thô là tạo mặt bằng nền đường. Tuyến đường thi công dở dang trong nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân tại 4 thôn Sảng Pả, Suối Thầu, Tá Tò, Khó Chư (thôn xa nhất) của xã. Nhiều đoạn do thiếu cống, rãnh thoát nước nên vào mùa mưa, nước, đất, đá tràn ra đường gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Anh Vàng Sáy Hồ, người dân ở thôn Khó Chư bộc bạch: “Mong mỏi nhất của chúng tôi là Nhà nước tiếp tục đầu tư để hoàn thành tuyến đường cho bà con có điều kiện giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất; cho các cháu nhỏ có đường đi học...”. Đây cũng là mong muốn của người dân 4 thôn mà con đường đi qua.

... Đến nỗi lo đất định cư

Cuối đường vành đai biên giới xã Phố Cáo là một sườn núi đất dài chừng 3km. Từ trên đỉnh núi hướng xuống, những ngôi nhà lợp Phi brô xi-măng tập trung giữa sườn núi, đây chính là nơi định cư của 18 hộ dân với 70 nhân khẩu của thôn Khó Chư. Ông Vàng Vảng Sính, Trưởng thôn Khó Chư cho biết: Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Mông. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền thì người dân đã có cuộc sống tốt hơn; chăm lo sản xuất, chăn nuôi và giữ gìn, bảo vệ đường biên, mốc giới. Tuy nhiên, khi đề cập đến những khó khăn của thôn thì ánh mắt của ông Sính hiện rõ sự lo lắng. Ông Sính tâm sự: Khó Chư thì nhiều nỗi lo lắm, nỗi lo nhất là làm thế nào để thoát nghèo vì hiện nay cả thôn này đều là hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo 100%); nỗi lo thiếu đất canh tác, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cũng làm cho bà con càng khó khăn hơn.

Hơn cả những nỗi lo là nỗi ám ảnh túc trực từng ngày, từng giờ đối với người dân Khó Chư. Những người dân đang phải sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất cao, nhất là khi mùa mưa lũ đã về. “Ngay như nhà của tôi đây, mỗi năm nền nhà bị lún xuống từ 15-20cm, tường nhà thì nứt ngày một to ra, thôi đành phó mặc số phận vậy”. Ông Sính buồn bã, bất lực chia sẻ. Chúng tôi đến những nơi có nguy cơ sạt lở cao của Khó Chư và thực tế hiện tại, viền phía Tây của làng tức là phía Tây sườn núi và dưới chân làng đã bị sạt lở ăn sâu, nhiều ngôi nhà của dân đều có vết nứt rộng trên tường.

Năm 2011, xã Phố Cáo đã có kiến nghị với UBND huyện Đồng Văn về vấn đề này. Trao đổi với ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Để giải quyết tình trạng này, năm 2012 huyện đã chỉ đạo xã Phố Cáo phối hợp với một số phòng, ban có liên quan của huyện Đồng Văn khảo sát nền đất định cư của thôn Khó Chư, báo cáo thực trạng với UBND tỉnh để tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ, giải quyết tình hình. Nhưng ở thời điểm đó, do tỉnh thiếu kinh phí, nên đề nghị của huyện Đồng Văn cũng chưa được phê duyệt. Để giải quyết trước mắt, năm 2012 huyện đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Phó Bảng hỗ trợ 8 hộ nằm trong vùng nguy cơ đã sạt lở mỗi hộ 15 triệu đồng để mua vật liệu. Tuy nhiên qua vài năm sinh sống hiện nay chỉ còn 3 hộ trụ lại ở đầu bản, 5 hộ đã chuyển về nơi ở cũ trước kia.

Được biết, tỉnh ta có khu tái định tại định cư thôn Dìn, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) dành riêng cho người dân nằm trong vùng khó khăn, thiên tai tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Nguồn vốn đầu tư cho khu tái định cư này là trên 70 tỷ đồng từ ngân sách của Chính phủ; được bàn giao đưa vào sử dụng trong đầu năm vừa qua nhưng do các huyện không vận động được người dân rời nơi ở cũ xuống khu vực tại tái định cư của tỉnh.

Chia tay Khó Chư, chúng tôi cứ ám ảnh mãi những ngôi nhà đang nằm giữa sợi dây mong manh của đói nghèo, của sạt lở, của vạn nỗi lo.

My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuẩn hóa công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

BHG - Với nội dung cô đọng, xúc tích, cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (TDSKBM&TE) không chỉ là phương thức hướng đến mục tiêu chuẩn hóa công cụ TDSKBM&TE trên địa bàn tỉnh mà còn là cuốn sổ hữu ích cho mẹ bầu trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) của con từ quá trình thai kỳ đến khi con tròn 6 tuổi.

31/08/2017
Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam: Trao học bổng "Chào năm học mới tươi đẹp" cho các em học sinh nghèo huyện Đồng Văn

BHG- Nhân dịp khai trương Văn phòng Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai - ichi Việt Nam tại Hà Giang; chiều 30.8, tại hội trường UBND huyện Đồng Văn, Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp" thuộc Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng "Chào năm học mới tươi đẹp" cho các em học sinh vùng khó khăn trên địa bàn huyện. Dự  buổi lễ có lãnh đạo huyện Đồng Văn, Hội Khuyến học tỉnh, đại diện Công ty BHNT Dai - ichi Việt Nam…

31/08/2017
Người dân thôn Bản Tha tự làm cầu qua suối

BHG - Ngày 27.8, nhân dân thôn Bản Tha, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đã tự nguyện đóng góp công sức làm cầu qua suối, hưởng ứng ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường 5. 9".

31/08/2017
Các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất

BHG - Tình huống 1: Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở những khu vực đã dự kiến trước.

Các hoạt động ứng phó khẩn cấp cần thực hiện:

31/08/2017