Hà Giang

Thôn Minh Tường không còn hộ nghèo

08:14, 27/09/2017

BHG - Thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) có 81 hộ, 324 khẩu. Kể từ khi xây dựng tiêu chí “Thôn tự chủ, tự quản” đến nay, Minh Tường đã 3 năm liền được công nhận là Thôn văn hoá. Thôn không có tệ nạn xã hội, không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35,6 triệu đồng/năm. Dự kiến, thu nhập đầu người năm 2017 sẽ đạt khoảng 36 triệu đồng...

Ngôi nhà cấp 4 do nhân dân thôn Minh Tường xây tặng gia đình anh Nguyễn Văn Chung trong thôn, trị giá quyên góp trên 55 triệu đồng. Trong ảnh: Bí thư Đảng uỷ xã Minh Ngọc và Bí thư Chi bộ thôn Minh Tường cùng anh Nguyễn Văn Chung (áo kẻ).
Ngôi nhà cấp 4 do nhân dân thôn Minh Tường xây tặng gia đình anh Nguyễn Văn Chung trong thôn, trị giá quyên góp trên 55 triệu đồng. Trong ảnh: Bí thư Đảng uỷ xã Minh Ngọc và Bí thư Chi bộ thôn Minh Tường cùng anh Nguyễn Văn Chung (áo kẻ).

Nằm kề ngay đầu cầu Sảo trên Quốc lộ 279 là thôn Minh Tường. Thôn có 3 dân tộc là Cao Lan, Tày, Kinh được chia làm 2 ngả. Một ngả nằm kề và chạy dọc theo Quốc lộ 279 theo hướng đi xã Bằng Hành, Liên Hiệp; một ngả rẽ trái, bám theo bờ Sông Lô chạy ngược theo lối đi xã Đồng Tâm, Đồng Tiến. Sự phân bố dân cư trên đã tạo cho Minh Tường nhiều điểm mạnh để phát triển kinh tế. Ông Trần Văn Sung, Bí thư Chi bộ thôn Minh Tường cho biết: Các hộ trong thôn đã tận dụng lợi thế nằm dọc theo 2 tuyến đường để làm dịch vụ. Vào các vụ thu hoạch, hàng hoá nông, lâm, thổ sản từ các ngả, các xã, xóm thôn trong vùng Trọng Con được vận chuyển về trung tâm Phố Sảo qua các thương lái. Người thì mở cửa hàng mua đi, bán lại, người thì trang bị ô - tô, xe máy vào tận các thôn, xã vùng sâu mua về bán lấy lãi làm ăn. Người làm ăn được, lôi kéo người kia đi theo, làm theo. Cứ thế, rần rà Minh Tường trở thành một “phường” có 35 hộ buôn bán hàng hoá nông, lâm sản và hàng tạp hoá phục vụ tiêu dùng. Ngoài ra, Minh Tường còn có 3 xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp chuyên thu mua, chế biến gỗ rừng trồng, làm đồ mộc, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động trong độ tuổi. Thôn không có người thất nghiệp, nên không có ai thiếu ăn, thiếu mặc. Ông Sung khẳng định.

Lúc vui chuyện, ông Sung, Bí thư Chi bộ Minh Tường cho rằng: Các xưởng sản xuất trong thôn hiện nay ví như một sự phối kết hợp giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người làm nông, lâm nghiệp. Vào những thời điểm cao độ, các xưởng thu hút vài chục lao động trong thôn mỗi ngày. Người trong thôn tạo việc làm cho người trong thôn. Sự kết hợp đó đã ngẫu nhiên tạo ra một vòng quay sản xuất “khép kín”. Bên cạnh làm kinh tế, tạo việc làm còn là sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm với nhau để cùng giúp nhau phát triển.

Với các hộ còn lại làm nghề nông làm ăn ra sao? Ông Sung cho biết, người làm nông chủ yếu là trồng rừng kinh tế, kết hợp trồng cây ăn quả có múi. Hiện tại, Minh Tường chỉ có 2 ha lúa, gần 3 ha diện tích trồng màu. Còn lại, có 33 hộ, trồng trên 38 ha cam và 30 ha rừng. Sự kết hợp hài hoà trên là trồng rừng kinh tế, dưới ven lô rừng thì trồng cây ăn quả và đắp đập qua các khe suối nuôi trồng thuỷ sản. Ông Mai Trọng Luận, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc trò chuyện: Mỗi ha rừng trồng sau 6 – 7 năm sẽ cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng (đã trừ chi phí). Còn mỗi ha cam bước vào năm thứ 5, thứ 6 sẽ cho thu nhập bình quân từ 250 – 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ làm rừng, làm vườn còn kết hợp ngăn ke, đắp hồ thả cá. Ngoài các loại cá bình dân như: Trôi, Mè, Trắm, Chép còn có cá đặc sản vùng phía Đông Sông Lô là Trắm đen, Trôi mắt đỏ, Chiên, Quất... Các loại cá đặc sản qua đầu tư chăn nuôi đã mang lại giá trị thương phẩm cao. Hiện nay, trong thôn Minh Tường có rất nhiều gia đình làm giàu bằng mô hình kinh tế  “RVAC” (rừng, vườn, ao, chuồng). Và các mô hình làm ăn đó đã, đang lan rộng ra cả xã Kim Ngọc.

Trao đổi về vốn để đầu tư hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế? Bí thư Chi bộ Trần Văn Sung cho biết: Có 2 yêu cầu nhất thiết để các hộ làm ăn đó là kiến thức và vốn. Kiến thức thì cán bộ, nhân dân liền kề hỗ trợ nhau tìm lối đi, cách làm. Còn vốn, các hộ trong thôn quyên góp thành quỹ thôn để cho các hộ cần vốn vay làm ăn. Tính đến tháng 8.2017, thôn đã vận động quyên góp được trên 85 triệu đồng. Số vốn quỹ này, thôn ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo được vay trước, làm trước. Các hộ trong thôn cùng nhau giám sát người vay sử dụng đồng vốn vay, cùng dìu dắt các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.

Bài học xoá nghèo ở Minh Tường là, dựa vào thực tiễn địa phương để có cách làm ăn phù hợp. Tận dụng được thế mạnh lưu thông trên Quốc lộ 279 và tuyến đường liên xã Đồng Tâm, Đồng Tiến để làm dịch vụ. Tận dụng được thế mạnh về đất rừng để làm kinh tế RVAC. Và trên nhất, bài học quý nhất vẫn là sự thông cảm, chia sẻ trong cộng đồng làng xóm cùng đoàn kết giúp nhau để cùng vươn lên. Bài học ngắn gọn, xúc tích nhất để Minh Tường không còn hộ nghèo đó là, người dân Minh Tường đã “Đồng tâm, đồng lòng” dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền địa phương để cùng nhau xoá nghèo. 

NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đề phòng cây gãy, đổ trong mùa mưa

BHG - Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa, tình trạng cây xanh gãy, đổ trên các tuyến đường của thành phố Hà Giang khiến người dân lo nơm nớp khi tham gia giao thông. Mặc dù, đơn vị chức năng đã có những giải pháp để xử lý; nhưng thực tế cho thấy, tình trạng này vẫn xảy ra,... 

27/09/2017
Người dân tiếp tục mong mỏi cầu treo Vô Điếm sớm được nâng cấp

BHG - Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu treo Vô Điếm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như: Báo Hà Giang ra ngày 4.6.2016; Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Giang phát ngày 27.6.2016;... 

26/09/2017
Những con số ấn tượng của nhiệm kỳ 2012 – 2017

1 - Nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã kết nạp được 42.160 đoàn viên mới, đồng thời giới thiệu được 16.275 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó có 6.138 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. 

26/09/2017
Kiểm tra VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu

BHG - Thực hiện Quyết định số 931/QĐ - SYT của Sở Y tế Hà Giang, về việc kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ngày 25.9, Đoàn kiểm tra VSATTP thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Trân, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP làm trưởng đoàn...

26/09/2017