Hà Giang

Hành trình Hoàng Lỳ Pả - Mã Hoàng Phìn

08:36, 03/05/2017

BHG - Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn là 2 thôn của xã Minh Tân (Vị Xuyên) nằm trong vùng lõi của khu vực rừng đặc dụng Phong Quang. Nơi đây, người dân sống trong điều kiện hết sức khó khăn về giao thông, diện tích canh tác nông nghiệp; thời tiết, khí hậu không thuận lợi trong đời sống sinh hoạt... Nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng và biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, vừa qua, BTV Huyện ủy Vị Xuyên đã thành lập Tổ công tác “Tuyên truyền bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế các thôn bản tại xã Minh Tân” đến với từng thôn bản, từng hộ dân, trong đó có 2 thôn Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế.

Cô và trò điểm trường Mầm non Mã Hoàng Phìn.                                                      Ảnh: GIA BẢO
Cô và trò điểm trường Mầm non Mã Hoàng Phìn. Ảnh: GIA BẢO

Được sự đồng ý của đồng chí Lý Xuân Lù, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Tổ trưởng tổ công tác, chúng tôi cùng thực hiện chuyến hành trình về với bà con Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn. Hẹn nhau tập kết tại cổng trụ sở xã Phong Quang, đồng chí Lý Xuân Lù “hô lệnh xuất quân”, đoàn công tác hơn 10 người lên xe máy, nối theo nhau ngược dốc, xuyên vào rừng thẳm. Giữa đầu Hè mà sương mù như Đông, có những đoạn cách nhau 10 mét mà chỉ thấy le lói ánh đèn hậu của xe trước trên con đường chiến lược rải cấp phối nham nhở bùn, đất và đá trọc. Thêm vào đó, trận mưa rừng đêm trước tạo ra những vũng lầy trơn như mỡ đổ, như muốn thử thách lòng can đảm và tay lái của mỗi thành viên trong đoàn. Trầy trượt mãi rồi cũng lên đến Trạm Kiểm lâm Phong Quang (thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang), trên địa bàn thôn Lùng Giàng B, xã Phong Quang. Sau khi nghỉ chân, thăm hỏi các đồng chí cán bộ trạm, kiểm tra lại các loại ốc, vít trên xe, đoàn công tác tiếp tục vật lộn với con đường trơn lầy. Đi khoảng 2 km nữa thì đến địa bàn thôn Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân). Quãng đường vừa qua tưởng chừng như là rất khó khăn, rất nguy hiểm, nhưng không! Từ đây con đường rừng mới thể hiện sự hiểm trở gấp bội lần. Đi trong tán rừng thâm u, sương mù bít lối mà phải đối mặt những khúc cua tay áo gồ ghề dốc ngược, độ ma sát gần như bằng không. Những chiếc xe máy “hộc” lên, “gầm rú”, “oằn mình” bò nhích lên từng tí một, có những đoạn lốp sau quay tít, khói đen phụt lẫn vào sương trắng, khét lẹt! Cứ thế, theo con đường ngộp thở hơn 10 km chúng tôi đến được Trạm Kiểm lâm Hoàng Lỳ Pả (thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang), nằm sát ngay cạnh trụ sở thôn. Tất cả mọi người nét mặt dãn ra, ánh mắt chùng lại, toàn thân buông lỏng, điều chỉnh tiếng thở và nhịp tim. Trước sự đón tiếp niềm nở, thân thiết của cán bộ Trạm Kiểm lâm, cán bộ thôn, các thành viên đoàn công tác nhanh chóng lấy lại tinh thần và sức khỏe. Nhìn đồng hồ lúc ấy là 11 giờ trưa. Cũng cùng lúc đoàn công tác của xã Minh Tân đi theo đường Bản Hình, Phìn Sảng ngược lên vừa đến.

Theo kế hoạch, 14 giờ 30, đoàn công tác sẽ họp với bà con tại thôn, trước đó, chúng tôi đã đến thăm điểm trường Mầm non, Tiểu học của thôn. Cô giáo Vi Thị Hòa, giáo viên Tiểu học cho biết: Điểm trường có 36 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 mà chỉ có 2 giáo viên nên phải dạy ghép (số học sinh lớp 4, lớp 5 đều ra trường chính học bán trú). Điểm Mầm non có 50 cháu gồm cả nhóm trẻ và mẫu giáo do 3 cô giáo phụ trách. Học sinh ở đây đều là người dân tộc Mông. Về cơ sở vật chất của điểm trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Các cô giáo đều không phải là người địa phương, nhà đều ở xa nên ít khi về với gia đình do điều kiện giao thông hết sức khó khăn. Ngoài giờ lên lớp, các giáo viên thường đến thăm gia đình học sinh vừa động viên, vận động học sinh đến lớp vừa trả lời, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của phụ huynh trong việc học hành của con cái, vừa tuyên truyền bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều mà cô giáo Hòa vẫn trăn trở trong lòng là việc hầu hết bà con trong thôn từ lâu đã sử dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác nương rẫy. Cô và các giáo viên khác đã tuyên truyền, góp ý rất nhiều nhưng hiện tượng này vẫn không được chấm dứt. Thiết nghĩ vấn đề này không phải chỉ riêng của các cô giáo tại điểm trường mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan, và phải vào cuộc một cách rốt ráo, quyết liệt thì mới có thể đạt được hiệu quả.

Buổi họp dân tại thôn Hoàng Lỳ Pả.                                      Ảnh: AN DƯƠNG
Buổi họp dân tại thôn Hoàng Lỳ Pả. Ảnh: AN DƯƠNG

Tại trụ sở thôn, trao đổi với đồng chí Vàng Seo Sính, Bí thư chi bộ thôn được biết: Toàn thôn có 105 hộ, với 473 khẩu, trong đó có 19 hộ nghèo (64 khẩu) chiếm 18,10%. Diện tích tự nhiên của thôn là 600 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp 72 ha, đất lâm nghiệp 528 ha. Sản xuất nông nghiệp ở đây chỉ được 1 vụ ngô, lúa; chăn nuôi manh mún, chủ yếu là tự cung, tự cấp chưa trở thành hàng hóa... do đó đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng, việc có những đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép là khó tránh khỏi. Chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã triển khai nhiều biện pháp để dần chấm dứt vấn nạn này.

Trong buổi họp thôn, đồng chí Lý Xuân Lù cùng các thành viên trong đoàn công tác đã triển khai nhiều nội dung, đặc biệt là các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các hộ trong thôn để phát triển kinh tế. Những nguyện vọng của người dân như muốn được hỗ trợ chuyển đổi đất canh tác từ đất ngô sang đất ruộng, muốn được hỗ trợ trồng cam sành; hỗ trợ trồng cỏ để phát triển chăn nuôi; muốn được giao rừng về hộ để quản lý, bảo vệ... đều được đoàn công tác lắng nghe, trả lời và hướng dẫn thực hiện. Những nhu cầu của bà con về vốn vay phát triển kinh tế sẽ được đáp ứng... Tối đó, đoàn công tác nghỉ lại tại thôn, một phần nghỉ lại Trạm Kiểm lâm, một phần đến các nhà dân. Nhận lời mời của Bí thư thôn, tôi cùng đồng chí Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân đến thăm gia đình. Nhìn ngôi nhà gỗ khang trang, dãy chuồng trại sạch sẽ, ngăn nắp, những chú lợn đen ăn no bụng căng tròn, trong lòng chúng tôi mừng khấp khởi. Trong câu chuyện hàn huyên, chúng tôi đều mong muốn ở Hoàng Lỳ Pả nhà nào cũng được như gia đình Vàng Seo Sính!

Tạm biệt Hoàng Lỳ Pả, sáng hôm sau, đoàn công tác tiếp tục lên đường sang thôn Mã Hoàng Phìn “người anh em” của Hoàng Lỳ Pả (vì được chia tách từ Hoàng Lỳ Pả ra). Tiếp tục lên dốc, xuống đèo, con đường từ Hoàng Lỳ Pả sang Mã Hoàng Phìn cũng chừng hơn chục cây số được chia làm 3 phần, phần đầu là đường dân sinh rộng 1,2 m đi qua những nương đá trồng ngô, những thung lũng, ruộng bậc thang đang bị bỏ hoang vì không có điều kiện canh tác, vượt lên những dốc đá cao hơn cả ngọn cây cổ thụ. Phần giữa là đoạn đường đang mở nền, uốn lượn trên sườn núi. Phần cuối cũng là đường dân sinh 1,2 m thì đến trụ sở thôn “kiêm” điểm trường Mầm non. Kể là vậy! Những tưởng quãng đường từ Lùng Giàng B lên Hoàng Lỳ Pả là con đường bội phần nguy hiểm, nhưng không! Con đường nối Hoàng Lỳ Pả sang Mã Hoàng Phìn mới thực sự kinh hoàng. Ở phần đầu, nhìn từ trên cao xuống con đường uốn lượn duyên dáng mềm mại vô cùng (may có một đoạn vắng sương) nhưng đi trên nó quả thực là một cực hình. Những chỗ xóc chỉ muốn xuống dắt, những chỗ lầy không xuống dắt không được. Những chỗ dốc chỉ muốn tụt cả người lẫn xe, những chỗ cua không nghiêng mà cứ trực ngã! Ở đoạn giữa, con đường đang trong giai đoạn thi công mở rộng, rộng là thế mà chỉ đi được theo từng vết lốp, ngập đến gần ống xả, sểnh ra là chỉ có nước khênh xe. Ì ạch vượt qua đoạn giữa, đến đoạn cuối mới thực sự là con đường “tử thần”, không lầy như đoạn giữa, không xóc như đoạn đầu nhưng trơn, trượt, độ dốc đi xuống như chỉ muốn hất người ta ra khỏi xe. Nói là 1,2 m nhưng có đoạn chỉ 80 cm. Dốc đến mức về số 1 rồi mà xe vẫn cứ lao, trơn đến mức ghi đông một nơi, biển số một nẻo, một bên là vực sâu hun hút, một bên là taluy trực... lở. Rồi cuối cùng cũng đến! Trụ sở thôn “kiêm” điểm trường Mầm non nằm cheo leo trên sườn núi. Đứng trên sân nhìn ra là cả một màu trắng xám mịt mùng, 10 giờ trưa mà trời mới như chớm sáng. Cô giáo Vũ Thắm, giáo viên điểm trường kể: Em mong mãi hơn 2 tuần nay rồi không có nắng để giặt cái vỏ chăn! 18 học sinh của em cứ quẩn quanh trong sương mù, chả biết đến cuối tháng có đỡ hơn không! Nhà ở thị trấn Việt Lâm mà đến cả tháng nay em chưa về thăm được! Chúng tôi nghe mà muốn trào nước mắt. Bí thư kiêm Trưởng thôn Hầu Mí Vương cho biết, toàn thôn chỉ có 32 hộ với 152 khẩu, trong đó có 13 hộ nghèo. Ít dân nhưng diện tích tự nhiên lại “khổng lồ” hơn “ông anh” Hoàng Lỳ Pả với tổng diện tích lên 865,96 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp chỉ có 19,04 ha, còn lại là đất lâm nghiệp. Chăn nuôi cũng chỉ dựa vào lợn, gà, dê, cũng chả bán được mấy, chủ yếu là phục vụ gia đình thôi. Về mặt bằng kinh tế cũng như dân trí còn kém Hoàng Lỳ Pả nhiều.

Đoàn công tác tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, triển khai các nội dung như ở Hoàng Lỳ Pả, sau đó lại tiếp tục ngược dốc lên thăm Trạm Biên phòng Minh Tân (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy) mới được xây dựng khang trang, bề thế trên địa bàn thôn và nhà của đồng chí Hầu Mí Vương. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức món rau Tam Giác Mạch, một loại cây đã lâu đời gắn chặt với dân tộc Mông trên mọi nẻo quê Hà Giang.

Chia tay Mã Hoàng Phìn, con đường về là cả một chặng gian nan. Khi ấy nhìn 2 lốp xe của đồng chí Lộc Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân được cuốn xích mà... thèm! Nhìn lại chiếc Wave “đời Tống” lốp thì mòn, máy thì yếu của mình mà cảm thấy tự... thương thân. Cũng may, chiếc ba lô thiết bị nặng chừng 20 kg của tôi được đồng chí Nguyễn Xuân Đạt san sẻ. Trên đường về khi được đồng chí này đẩn xe hộ, đồng chí kia dắt giúp, thậm chí đi hộ qua một đoạn đường dài trượt trơn lên đá, xuống bùn... Xẩm chiều về đến Trạm Kiểm lâm Phong Quang, ngoảnh nhìn lại, Hoàng Lỳ Pả, Mã Hoàng Phìn đã chìm vào biển sương mù trắng đục, chìm vào cái lạnh mùa Đông giữa Hè. Nhìn lại, hy vọng rằng những nỗ lực của huyện Vị Xuyên, của xã Minh Tân, đặc biệt là của đoàn công tác sẽ mang lại những kết quả thiết thực giúp người dân 2 thôn vùng lõi rừng đặc dụng Phong Quang có cuộc sống tốt hơn và để rừng không còn “chảy máu”.

Từ Phong Quang về thành phố Hà Giang, con đường như một “đại lộ cao tốc”. Tôi và chiếc Wave “già” mình đầy bùn đất, và đều mệt rã rời như nhau nhưng đã lướt được tốc độ số 3, số 4. Tôi nhắc nó “Với bạn, từ khi sinh ra chỉ lăn bánh trên đường nhựa, hoặc cùng lắm mới chỉ trải nghiệm những khó khăn chỉ bằng 1/10 con đường này. Nhưng bạn đã vượt qua được thử thách khắc nghiệt vừa xong, bạn rất đáng tự hào. Chúng ta sẽ chăm sóc lẫn nhau để sẵn sàng quay lại chứng kiến sự đổi thay của Hoàng Lỳ Pả - Mã Hoàng Phìn. Nhớ nhé!”.

Ghi chép của AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Tháng công nhân" - Ngày hội hướng về người lao động

BHG - Từ năm 2012, thực hiện kết luận của Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc lấy tháng 5 hàng năm là "Tháng Công nhân" với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; trong những năm qua, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh đã tổ chức phát động và thực hiện hiệu quả chủ trương này.

29/04/2017
Ngày hội việc làm huyện Yên Minh năm 2017

BHG - Sáng 27.4, huyện Yên Minh đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm năm 2017. Tham dự ngày hội, có Thường trực HĐND-UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện; đại diện các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đông đảo người lao động trên địa bàn huyện.

27/04/2017
Khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ năm 2017

BHG - Sáng 26.4, Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ năm 2017. Tới dự có lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện Trường Chính trị, các giảng viên và đông đủ học viên.

26/04/2017
Bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

BHG - Ngày 25.4, tại Công ty Điện lực Hà Giang đã diễn ra Lễ bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Giang.

26/04/2017