Trăn trở... Tà Làng!

17:43, 07/04/2017

BHG- Vượt quãng đường đất ngoằn ngoèo như một dải lụa vắt từ trên đỉnh núi xuống dòng Nho Quế xanh thẳm, chúng tôi đến với thôn Tà Làng, một trong những thôn giao thông đi lại khó khăn nhất của xã Pải Lủng (Mèo Vạc). Với 37 hộ dân tộc Tày, Giấy, Mông đang sinh sống ở nơi đây thì mong ước có một con đường bê – tông nối từ trung tâm xã đến thôn với chiều dài 8 km để thuận tiện cho việc đi lại và những ngôi nhà kiên cố thay thế cho những ngôi nhà tạm, dột nát có lẽ là mong ước lớn nhất của mọi người dân trong thôn. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo địa phương và bất kỳ ai khi đã một lần đặt chân đến Tà Làng.

Lãnh đạo Báo Hà Giang và Trưởng, Phó thôn Tà Làng thăm hộ anh Giàng Mí Tủa B – một trong những hộ nghèo của thôn.
Lãnh đạo Báo Hà Giang và Trưởng, Phó thôn Tà Làng thăm hộ anh Giàng Mí Tủa B – một trong những hộ nghèo của thôn.

Nằm nép mình dưới chân núi, bên dòng sông Nho Quế xinh đẹp, thơ mộng, bao đời nay các hộ dân tộc Tày, Giấy, Mông sống quần tụ cùng nhau. Bà con ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Theo Trưởng thôn Lù A Tỷ thì thôn Tà Làng hiện có 37 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm gần 60%. Toàn thôn có 9 ha đất trồng lúa, tuy nhiên do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên người dân chỉ trồng được lúa 1 vụ. Đất trồng ngô có 31,2 ha, năng suất bình quân cũng chỉ đạt 38,6 tạ/ha. “Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn lắm. Kinh doanh, buôn bán thì không thuận tiện vì thôn Tà Làng gần như tách biệt với các thôn khác trong xã, đường đi lại khó khăn. Đoạn đường từ trung tâm xã xuống đến thôn có hơn 8 km thôi mà đi xe máy cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ; đường đất đỏ mà dốc thẳng đứng nên trời nắng thì mới đi xe máy được, còn trời mưa thì chỉ có cách đi bộ. Mỗi lần được xã hỗ trợ giống, phân bón hay tấm lợp Phi bro xi măng là bà con lại phải đi chở từng tấm một về, vất vả lắm. Người dân ở đây quanh năm chỉ biết nuôi con bò, con lợn với trồng ngô, trồng lúa, nên cái nghèo cứ quẩn quanh mãi chẳng chịu đi...”.

Quả thật, có đi qua quãng đường đất đỏ với nhiều đoạn dốc quanh co mới thấu hiểu được niềm mong mỏi có một con đường bê – tông của bà con nơi đây cháy bỏng đến nhường nào. Người dân Tà Làng quanh năm suốt tháng, dù là đi làm, đi chợ hay đám trẻ con đi học vẫn phải đi lại trên đoạn đường nguy hiểm này. Đấy là còn chưa kể vào những ngày mưa bão, giao thông có thể bị tắc nghẽn 5 đến 7 ngày, không thể đi lại được. Vì tuyến đường đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương, buôn bán và phát triển kinh tế của thôn, hàng hóa bà con sản xuất ra khó vận chuyển đi các nơi khác để tiêu thụ. Đường từ trung tâm xã vào thôn khó khăn là vậy, còn tuyến đường nội thôn đi từ nhà này sang nhà khác chỉ có một cách duy nhất là đi bộ, theo cách nói của đồng bào nơi đây thì “quăng con dao là tới, nhà nọ ới nhà kia vẫn nghe thấy mà, nhưng đi đến nơi thì phải mất cả tiếng đồng hồ đấy...”.

Ngôi nhà tạm được ghép sơ sài bằng tre nứa, bên trong không một vật dụng nào giá trị của hộ anh Mua Mí Chứ, thôn Tà Làng.
Ngôi nhà tạm được ghép sơ sài bằng tre nứa, bên trong không một vật dụng nào giá trị của hộ anh Mua Mí Chứ, thôn Tà Làng.

Chúng tôi theo chân Trưởng thôn Lù A Tỷ đến thăm một vài hộ trong thôn. Sau một hồi cuốc bộ, leo đồi, chúng tôi đến nhà anh Giàng Mí Tủa B. Trong ngôi nhà trình tường nứt toác, trống huơ, vợ anh Tủa vội nhóm bếp lửa, bắc ấm nước để mời khách. Anh Tủa cho biết, vợ chồng anh lấy nhau đã hơn chục năm, có với nhau hai mặt con rồi nhưng tài sản tằn tiện, tích cóp cũng chỉ đủ để dựng ngôi nhà trình tường tạm bợ này. “Muốn sửa cái nhà lắm mà không có tiền. Giờ nó nứt hết rồi, trong góc tường kia nó còn sập xuống một nửa rồi ấy, vợ chồng mình phải lấy cột chống lên kia kìa”. Nhìn theo anh chỉ, chúng tôi không khỏi giật mình vì những mảng tường nhà nứt toác, trong góc buồng, một mảng tường đã sập xuống được chủ nhà dùng một cây cột to chống lên. Bên dưới kê chiếc giường là chỗ ngủ hàng ngày của mấy đứa con. Sẽ ra sao nếu nửa đêm các cháu đang ngủ và tường nhà sập xuống?!

Theo Trưởng thôn Tà Làng thì hiện nay, toàn thôn có gần chục hộ đang sống trong những ngôi nhà tạm, dột nát, hầu hết đều rơi vào các gia đình thiếu nhân lực làm việc, người già neo đơn và những đôi vợ chồng trẻ mới ra ở riêng, tiềm lực kinh tế yếu. “Bây giờ muốn xóa nhà tạm cho bà con thì cần một số tiền lớn lắm vì xuống đến thôn Tà Làng này, tiền công vận chuyển vật liệu phải gấp đôi bình thường do đoạn đường quá vất vả mà các hộ đấy đều thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để giúp bà con xây dựng những ngôi nhà kiên cố hơn để không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão và mùa Đông về” – Bí thư Chi bộ thôn Tà Làng, Nguyễn Văn Giàu cho biết. Nhìn những đứa trẻ co ro trong giá rét, những người già quanh quẩn bên bếp củi vì sống trong những ngôi nhà tạm gió lùa vi vút mà chúng tôi không khỏi xót xa; mùa đông rét mướt đã đành nhưng đến mùa mưa bão thì còn đáng lo ngại hơn vì không biết chúng sẽ sập đổ lúc nào...

Chia tay Tà Làng, Trưởng thôn Lù A Tỷ nắm chặt tay chúng tôi: “Nhà báo nhớ quay trở lại thăm Tà Làng nhé, bà con ở đây rất mong các anh chị và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để cuộc sống bớt khó khăn hơn”. Chia tay rồi mà giọng nói lơ lớ, chưa sõi tiếng phổ thông của anh Tỷ vẫn vọng lại trong tâm trí chúng tôi cùng với nỗi trăn trở làm sao để đường về Tà Làng ngắn hơn, để những ngôi nhà kiên cố sẽ thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ, dột nát và để cuộc sống của bà con Tà Làng sẽ vơi bớt đi những nhọc nhằn?

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chú lợn con có hình thù lạ

BHG - Ngày 27.3, hàng trăm người dân sinh sống trên địa bàn xã Đạo Đức (Vị Xuyên), đã đua nhau kéo về nhà ông Trần Thế Lợi, thôn Làng Nùng để chứng kiến chú lợn con mới đẻ mồm giống khỉ, hai chân trước giống bàn tay người .

31/03/2017
Ý kiến người dân: Đề nghị đổi lại tên cầu

BHG - Tuyến Quốc lộ 2 (QL2) thuộc hệ thống Quốc lộ do cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tại km 8+801m, đường Hà Giang đi Hà Nội (địa điểm tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức) có ,1 cây cầu hiện đang được khai thác sử dụng. Cây cầu này trước đây được xây dựng năm 1929, có tên là cầu LÀNG NÙNG.

31/03/2017
Hiến máu tình nguyện – một việc làm dễ mà khó

BHG - Đó là trăn trở của những người làm công tác vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Hà Giang. Với khẩu hiệu "Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp";"Hiến máu cứu người – Xin đừng thờ ơ!' hay "Hiến giọt máu  đào – trao niềm hy vọng;  "Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại", hẳn những ai đã từng hiến máu cứu người đều hiểu hơn việc cho máu không hề khó. 

30/03/2017
Xã Phương Thiện nâng cao tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh

BHG - Phương Thiện là xã nằm ở cửa gõ phía Nam của thành phố Hà Giang, nhưng tại đây vẫn tồn tại những phong tục, nếp sống cần loại bỏ. Trong đó, vấn đề nhà cầu trên ao của các hộ dân đã tồn tại từ lâu đời, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đứng trước nguy cơ đó, UBND xã đã thực hiện chiến dịch "xóa nhà cầu trên ao".

30/03/2017