Hà Giang

Thực trạng lao động tự do qua biên giới

07:31, 25/08/2016

BHG - Trong những năm gần đây, cùng với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chế độ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc vẫn có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo của ngành chức năng, số lao động tự do sang Trung Quốc làm việc giai đoạn 2011-2015 của toàn tỉnh là: Năm 2012: các huyện biên giới có 11.652 lượt người/11.898 lượt người toàn tỉnh; năm 2013: có 17.263/17.568 lượt người; năm 2014 là 19.743/ 20.313 lượt người và năm 2015 có 23.460/24.043 lượt người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. 

Người lao động chủ yếu đi theo đường mòn, sông, suối không qua các cửa khẩu, không có giấy tờ xuất cảnh. Đa số sang lao động phổ thông, làm thuê tại các trang trại và doanh nghiệp: Phát nương, trồng cấy, thu hoạch hoa màu, cây ăn quả, khai thác khoáng sản, bốc vác vận chuyển hàng hoá..

Thời gian đi lao động phụ thuộc vào tính chất thời vụ của công việc làm thuê và đối tượng thuê lao động, song chủ yếu là hơn 1 tháng, 6 tháng đến 1 năm. Tiền công không đồng nhất, tùy theo tính chất và thời gian làm việc, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc từ 160.000 đồng- 400.000 đồng/ngày.

Nguyên nhân đi lao động tự do

Có nhiều nguyên nhân người lao động tự do sang Trung Quốc, song những nguyên nhân chính: Là tỉnh có trên 277 km đường biên giới, thời tiết  khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đá nhiều, đất sản xuất ít, thiếu nước sinh hoạt; sản xuất chủ yếu chỉ có một vụ, trình độ dân trí còn hạn chế, nên vấn đề giải quyết việc làm, nhất là việc làm trong lúc nông nhàn là vấn đề nan giải.

Do địa bàn giáp biên thường có nhiều đường mòn, lối mở, nên người dân không thực hiện đúng các quy định về xuất, nhập; tự ý đi lại tự do.  Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông của phía Trung Quốc tăng cao, yêu cầu công việc không cần trình độ, tay nghề cao; chủ yếu làm việc theo hình thức khoán công việc. Thời gian làm việc và nghỉ ngơi không gò bó, rất phù hợp với tâm lý, trình độ và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân. Nhiều nơi có cùng chung ngôn ngữ  nên việc sang Trung Quốc làm việc đối với họ cũng như làm việc tại địa bàn.

Các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn các huyện ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Trong những năm qua, do cắt giảm đầu tư công nên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn giảm, dẫn đến việc làm của người lao động, nhất là lao động tại chỗ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không ít hộ dân mặc dù đã được đào tạo, tập huấn nhưng chưa tiếp thu được tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chưa được hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hỗ trợ và nguồn vốn vay một cách hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất, nhân lực của từng gia đình, nên chưa tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho nhân dân. Được lao động có thu nhập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân, đó cũng là nguyên nhân mà họ tự do đi lao động.  

Hệ lụy  từ việc đi lao động tự do 

Với quan điểm cố gắng đi làm một thời gian để kiếm được một khoản thu nhập lớn về xây nhà, cải thiện cuộc sống cho gia đình, mà không nghĩ đến những vấn đề tiêu cực, những hệ lụy đằng sau việc tự do sang Trung Quốc làm việc.

Đại bộ phận người lao động tự do sang Trung Quốc làm việc là tự phát, không thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng; vì thế mà quyền lợi của họ không được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Thu nhập có thể cao hơn so với lao động trong nước nhưng người lao động “chui” thực tế phải làm việc rất khổ cực, 3 - 4 ca/ngày trong điều kiện mất vệ sinh, an toàn lao động. Bị chủ lao động từ chối thực hiện các quyền lợi của người lao động như nghỉ ngơi, chữa bệnh, bảo hiểm. Việc trả lương không đúng thỏa thuận hoặc không tương xứng với công sức bỏ ra (cùng một công việc giao khoán, song người Việt Nam chỉ được trả công lao động bằng 60% - 80% công lao động trả cho người Trung Quốc). Mức thu nhập khá cao song thực tế không cao hơn nhiều so với lao động tại địa phương bởi phải chờ việc và chi phí cho việc ăn ở, sinh hoạt, chi cho những người môi giới. Có trường hợp còn bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền, bị một số đối tượng xấu chiếm đoạt tiền, tài sản; bị đối xử ngược đãi, điều kiện  sinh hoạt không đảm bảo, mất tự do, do làm việc bất hợp pháp.  Một số ít lao động bị đẩy, đuổi về nước; bị trục xuất qua cửa khẩu do không có giấy tờ...

Điều kiện làm việc không an toàn, cường độ lao động lớn, thời gian làm việc kéo dài (trung bình là 10 giờ/người/ngày, cá biệt tới 14 -16 giờ/ngày), nên về lâu dài họ sẽ bị những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe.

Do sang làm việc trái phép tại Trung Quốc làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, an ninh trật tự trên địa bàn; đó là chưa kể có người trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, có trường hợp cả gia đình đi làm thuê, mang theo con cái, làm ảnh hưởng tỷ lệ trẻ em bỏ học và tái mù chữ.

Không thể phủ nhận người lao động qua biên giới làm thuê đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho các hộ nghèo. Song kéo theo đó là những hệ lụy tác động không nhỏ đến đời sống, trật tự xã hội ở vùng biên giới. Giải quyết, hạn chế tối đa tình trạng người lao động tự do sang Trung Quốc, rất cần sự vào cuộc một cách tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Hương- Phùng Thị Hoa(Sở Tài chính)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX

BHG - Ngày 24.8, Liên minh HTX tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX; đại diện Sở LĐ-TBXH; lãnh đạo HTX các huyện, thành phố. 

24/08/2016
Đại hội đại biểu phụ nữ Công an tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG - Ngày 23.8, Ban chấp hành Hội phụ nữ Công an tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, vì an ninh Tổ quốc, xây dựng Hội phụ nữ Công an Hà Giang vững mạnh", Đại hội lần này đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động trong thời gian tới.

24/08/2016
Hướng dẫn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

BHG - Theo Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12 của Quốc hội; Nghị quyết số 68/2013/NQ-QH13 ngày 29.11.2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 và các văn bản hướng dẫn tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau: 

23/08/2016
TPHG: Hỏa hoạn thiêu rụi một cửa hàng tạp hóa

BHG- Khoảng 22 giờ 45 phút tối ngày 22.8, đám cháy lớn bùng phát tại một cửa hàng tạp hóa ở số nhà 92, tổ 8, phường Minh Khai, TP Hà Giang (gần ngã tư Công an tỉnh).

23/08/2016