Hà Giang

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

07:42, 25/08/2016

BHG - Liên tiếp những vụ đuối nước trẻ em thương tâm xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước trong mùa Hè này, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội về sự an toàn tính mạng của trẻ nhỏ.

Đối với Hà Giang, tính đến hết năm 2015, trẻ em từ 0 đến 16 tuổi là 269.440 trẻ (chiếm khoảng 34 % dân số toàn tỉnh). Mặc dù ở tỉnh ta, mật độ sông suối, ao, hồ không dày đặc như các tỉnh miền xuôi; nhưng nguy cơ trẻ em bị đuối nước vẫn ở mức cao bởi phần lớn các em chưa được trang bị các kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn dưới nước và sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy... Nhất là trong điều kiện sân chơi cho trẻ em mùa Hè đang thiếu như hiện nay, nhu cầu về hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao và đặc biệt ở nhiều bản làng, trẻ em vẫn phải đi học qua  sông suối, qua những cầu treo tạm bợ mà không có bảo hộ an toàn, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ là rất lớn.

Trẻ em xã Quảng Ngần (Vị Xuyên) vui đùa trong ngày Hè nắng nóng, bất chấp những hiểm nguy rình rập.
Trẻ em xã Quảng Ngần (Vị Xuyên) vui đùa trong ngày Hè nắng nóng, bất chấp những hiểm nguy rình rập.

Thông tin từ Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ- TB&XH cho biết: Trong năm 2015 đã có 11 trẻ bị đuối nước; từ đầu năm 2016 đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả nên trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị đuối nước nào.

Để phòng, chống tại nạn, thương tích cho trẻ em hiệu quả; vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Theo đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; chủ đề của Tháng hành động trẻ em năm nay là: “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”; Sở LĐ - TB&XH cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em với các giải pháp: Nâng cao năng lực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em dịp nghỉ Hè... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước giúp trẻ em có môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.

Trước những thông tin liên tiếp các vụ trẻ em bị đuối nước vừa qua, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động cho con em mình đi học khóa học bơi lội để trang bị cho các em kỹ năng an toàn ở dưới nước; nhiều thầy, cô giáo giảng dạy môn giáo dục thể chất ở một số trường học đã mở các lớp dạy bơi tại bể bơi Công viên nước Hà Phương, bể bơi Nhà máy Thủy điện Sông Miện... thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Chị Đặng Thị Ngân (phường Minh Khai) chia sẻ: “Con trai tôi năm nay lên lớp 6, chưa hề có kỹ năng bơi lội nên tôi rất lo lắng mỗi khi con xin phép đi chơi với bạn bè, trời nắng nóng thế này cứ sợ chúng nó rủ nhau đi bơi. Để giúp con có kỹ năng an toàn dưới nước, tôi đã đăng ký cho cháu đi học bơi, giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm vì không sợ con bị đuối nước”. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con đi học bơi như gia đình chị Ngân, đặc biệt phần lớn gia đình các em nhỏ lại sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên việc tiếp cận kỹ năng bơi lội là rất khó; trong khi các bậc cha mẹ bận đi làm nương rẫy, việc quản lý con cái bị lơ là, các hoạt động vui chơi dịp hè tại đây cũng hạn chế...

Việc trang bị kỹ năng bơi lội cho các em là rất cần thiết nhưng để phòng, chống đuối nước cho trẻ một cách hiệu quả nhất; các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em, sử dụng trang thiết bị an toàn cho trẻ  em khi hoạt động trên sông nước, tạo môi trường học tập và sân chơi lành mạnh cho trẻ em; đừng để những sự việc đuối nước thương tâm xẩy ra vì sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn; sự thơ ơ của chính chúng ta.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực trạng lao động tự do qua biên giới

BHG - Trong những năm gần đây, cùng với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chế độ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc vẫn có chiều hướng gia tăng.

25/08/2016
Khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX

BHG - Ngày 24.8, Liên minh HTX tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX; đại diện Sở LĐ-TBXH; lãnh đạo HTX các huyện, thành phố. 

24/08/2016
Đại hội đại biểu phụ nữ Công an tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG - Ngày 23.8, Ban chấp hành Hội phụ nữ Công an tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, vì an ninh Tổ quốc, xây dựng Hội phụ nữ Công an Hà Giang vững mạnh", Đại hội lần này đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động trong thời gian tới.

24/08/2016
Hướng dẫn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

BHG - Theo Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12 của Quốc hội; Nghị quyết số 68/2013/NQ-QH13 ngày 29.11.2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 và các văn bản hướng dẫn tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau: 

23/08/2016