Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm - chủ trương hợp lòng dân

08:46, 02/07/2016

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 5 chương trình trọng tâm để tập trung đầu tư, thực hiện, trong đó xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hàng đầu. Mục tiêu phấn đấu sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng Đề án, có giải pháp linh hoạt cùng các cấp, các ngành cụ thể hóa Nghị quyết theo từng năm.

Theo thống kê mới nhất tính đến hết năm 2015, dân số của tỉnh ta có khoảng 806.500 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động (LĐ) 516.000 người, chủ yếu LĐ ở khu vực nông thôn, chiếm 85,75%. Dự báo giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm có khoảng 20.000 người bước vào tuổi LĐ; số LĐ cần đào tạo nghề bình quân hàng năm là 12.000 - 13.000 người. Trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ dạy nghề cho 61.000 người, trong đó sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng 55.000 người, số còn lại là trung cấp, cao đẳng nghề; tỷ lệ LĐ có việc làm sau học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%...

Một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại huyện Quản Bạ.					 Ảnh: HOÀNG NGỌC
Một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại huyện Quản Bạ. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Đồng chí Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh, cho biết: Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết đề ra, đầu năm 2016, tỉnh đã thành lập khoa Nội trú tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Hà Giang; có chủ trương đổi tên Trường Trung cấp Nghề Bắc Quang thành Trường Trung cấp Nội trú Bắc Quang; nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Minh thành trường Trung cấp Nội trú Yên Minh. Hệ thống các trường dạy nghề của tỉnh đã chủ động xây dựng mới, chỉnh sửa chương trình, giáo trình các nghề thống nhất trên địa bàn tỉnh theo chủ trương tăng thời gian thực học. Mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người LĐ có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề. Cử giáo viên đi đào tạo lại cho phù hợp về cơ cấu ngành nghề, cùng đó là bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, cập nhật công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ giáo viên. Đồng thời, tỉnh có cơ chế, áp dụng chính sách linh hoạt nhằm khuyến khích, động viên các nhóm đối tượng tham gia học nghề, cụ thể: Với những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng chính sách nội trú, được miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập, lệ phí tuyển sinh, được cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành. Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số với định mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Người khuyết tật, người học cư trú ở xã, thôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Với các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách  mới linh hoạt đã tạo thêm động lực, là cú hích để chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của tỉnh đi vào thực chất. Trong 6 tháng của năm 2016, toàn tỉnh đã thực hiện tư vấn việc làm và học nghề cho 3.450 LĐ; thực hiện giải quyết cho 1.325 trường hợp vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm với tổng số tiền 19 tỷ 217 triệu đồng, đạt 73,9% kế hoạch năm. Giải quyết việc làm cho gần 10.400 LĐ, đạt 64,86% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó có 2.817 LĐ đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu LĐ; đa số LĐ có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy vào từng vị trí việc làm. Đây là tín hiệu vui, thành quả bước đầu sau những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách học nghề của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân. Điều này càng được khẳng định rõ thêm khi xu hướng các bạn trẻ là ĐVTN, học sinh tốt nghiệp bậc THPT có nguyện vọng học nghề hơn là thi vào các trường đại học, cao đẳng như trước đây.

Em Vũ Ngọc Thịnh, tổ 18, phường Minh Khai (TPHG) có học lực khá, năm học 2015 - 2016 thay vì thi vào các trường đại học, em đã quyết định nộp hồ sơ xin vào học nghề với chuyên ngành Điện Công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Hà Giang. Em cho biết: “Học đại học hay học nghề thì mục đích cuối cùng khi ra trường là có việc làm và thu nhập ổn định. Em thấy nhiều người đi học đại học về nhưng không xin được việc làm lại chuyển sang học nghề như thế là tốn kém. Để không lãng phì thời gian, tiền của em chọn học nghề, vì khi ra trường có thể mình tự tạo và tìm được việc làm ngay”.   

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà chuyên môn: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, một số nơi bị xuống cấp. Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên luân chuyển, giáo viên cơ hữu thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp; chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... Ngoài ra, công tác khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng LĐ chưa được thực hiện đồng bộ nên một số cơ sở đào tạo nghề khi mở các lớp dạy nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dẫn đến tình trạng ở một số ngành, nghề học viên học xong không có việc làm hoặc làm không đúng nghề...

Xác định rõ những hạn chế khó khăn để có những giải pháp, bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng gắn với giải quyết việc làm đang là nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh. Điều này được khẳng định qua sự sâu sát, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với mục tiêu chung thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Hồng Nụ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Chữ thập đỏ Sở Công thương lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG - Ngày 29.6, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Sở Công thương tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhằm tổng kết công tác Hội và phong trào CTĐ nhiệm kỳ 2011 – 2016 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới.

30/06/2016
Kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức tại UBND phường Trần Phú và UBND xã Phương Độ

BHG - Thực hiện Quyết định số 642/QĐ-UBND ngày 12.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngày 29.6, Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại UBND phường Trần Phú và UBND xã Phương Độ (TPHG).

30/06/2016
Đồng Văn thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp Hè

BHG- Tháng 6, tiếng ve kêu râm ran trong những tán phượng đỏ rực báo hiệu một kỳ nghỉ Hè được thỏa thích vui chơi đang chờ đón các em học sinh. Thế nhưng, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn trong dịp Hè đang khiến các ngành chức năng và nhiều bậc phụ huynh "đau đầu". Thiếu sân chơi khiến cho khoảng trời tuổi thơ của trẻ bị thu hẹp và khiến các bậc phụ huynh lo lắng trong việc quản lý con cái những ngày Hè.

30/06/2016
Mèo Vạc tăng cường tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em

BHG- Thời gian qua, ở một số tỉnh xảy ra tình trạng trẻ em (TE) bị đuối nước rất thương tâm. Mặc dù là địa phương có ít sông, suối nhưng nguy cơ TE ở Mèo Vạc bị đuối nước vẫn luôn tiềm ẩn do thói quen tắm sông, suối. Trong thời gian học sinh nghỉ Hè cùng với mùa mưa đang đến được xem là thời kỳ "cao điểm" về TE bị đuối nước. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng này, Mèo Vạc đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền.

30/06/2016