Trăn trở "bài toán" thoát nghèo ở Thượng Cầu

08:07, 21/05/2015

BHG- Trải qua biết bao nhiêu năm, Thượng Cầu vẫn luôn là thôn vùng 3 – đặc biệt khó khăn của xã Tiên Kiều (Bắc Quang). Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại có nhiều nỗ lực để đưa Thượng Cầu thoát nghèo, nhưng ngoài những khó khăn chung của thôn vùng 3 về điều kiện phát triển KT-XH thì “bài toán” thoát nghèo chưa tìm được lời giải đang nằm ở một bộ phận gia đình (GĐ) trẻ, chưa chuyên tâm phát triển kinh tế (PTKT). Dù bên cạnh họ luôn có những tấm gương không ngừng lao động, dựng xây cuộc sống GĐ hạnh phúc.

Ngày chồng say rượu nhiều hơn tỉnh, khiến gia đình chị Đặng Thị Lan (SN 1991) đã nghèo lại thêm khổ.
Ngày chồng say rượu nhiều hơn tỉnh, khiến gia đình chị Đặng Thị Lan (SN 1991) đã nghèo lại thêm khổ.

“Ru ngủ” tuổi xuân bằng... rượu(!?)        

Trong tổng số 123 hộ dân của thôn Thượng Cầu (trên 97% là đồng bào dân tộc Dao) thì chỉ còn 33 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Nhưng thực tế đáng buồn, số lượng GĐ trẻ là hộ nghèo chiếm một phần không nhỏ, chỉ vì người chồng ham vui bên mâm rượu hơn việc chuyên tâm PTKT.

Trong ngôi nhà sàn đã xuống cấp theo thời gian, ôm con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ngồi cạnh người chồng say giấc ngủ, vì bữa trưa vui uống rượu cùng bạn, chị Đặng Thị Lan (sinh1991) ngậm ngùi: “Mặc dù có chồng nhưng một mình em phải lo toan mọi công việc nhà và chăm sóc 2 con nhỏ, vì chồng suốt ngày say rượu”... Nhìn khu vực dành riêng cho chỗ ngủ của GĐ, bên dưới là nơi nhốt trâu với mùi hôi khó chịu cùng sự xuất hiện của ruồi, khiến nhiều người e ngại cho GĐ chị trước vấn đề ăn, ở mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Giãi bày về điều này, chị Lan cho biết: “Em cũng muốn di dời chuồng gia súc ra xa nhà. Nhưng sức em không tự làm chuồng trâu được. Còn chồng em thì...”. Nước mắt chảy dài khiến câu nói của chị Lan bỏ dở. Phải chăng, chị tủi cho phận làm vợ, không thể cậy nhờ chồng cùng xây tổ ấm, khiến GĐ đã nghèo lại thêm khổ. Xế chiều, khi đã tỉnh men rượu, chúng tôi giả ngỏ ý mời anh Trưởng Văn Kim (sinh 1986) – chồng chị Lan uống rượu. Thấy vậy, anh Kim hào hứng, còn giới thiệu thêm về tửu lượng của mình: Anh uống được 650ml đến trên 1 lít rượu/ngày và có thể dành cả 5-6 ngày/tuần để uống rượu cùng bạn.

Và bạn của anh Kim phần nhiều là những người cùng sở thích với anh, ngay tại thôn Thượng Cầu, như anh: Trương Đức Mạnh (sinh 1984), Trưởng Văn Lợi, Lý Văn Danh (đều sinh 1980)... Chung hoàn cảnh với chị Đặng Thị Lan (sinh 1991), chị Đặng Thị Lan (sinh 1987) – vợ anh Trương Đức Mạnh cũng không ngần ngại kể tội chồng làm khổ vợ, con chỉ vì rượu: Nhà em có ruộng, có nương nhưng không có người làm. GĐ nuôi được con gà hay có quả trứng đều trở thành đồ ăn của chồng bên mâm rượu. Dù em có cố gắng gây dựng kinh tế cũng không sao ngăn được “miệng ăn, núi lở”, khi không có sự đồng thuận từ chồng...

Vẫn có những tấm gương:

Bên cạnh những “trụ cột” GĐ đang để “mối mọt” ăn mòn bằng rượu, thì ngay tại thôn Thượng Cầu vẫn có những tấm gương sáng, không ngừng cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của quê hương hoặc cần mẫn lao động để sở hữu khối tài sản bạc triệu khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ sự cần cù, yêu lao động, anh Đặng Văn Dũng trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở cơ sở, đáng để nhiều người học tập.
Từ sự cần cù, yêu lao động, anh Đặng Văn Dũng trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở cơ sở, đáng để nhiều người học tập.

Dù năm nay mới tròn 30 tuổi nhưng GĐ anh Đặng Văn Dũng đã có một cơ ngơi khang trang cùng nhiều vật dụng hiện đại, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với 2 ha cam sành cộng thêm thu nhập từ vườn chè và phát triển chăn nuôi, giúp anh có nguồn thu vài trăm triệu đồng/năm. “Riêng vụ cam sành năm 2014, vợ chồng tôi thu được 570 triệu, nếu trừ chi phí, lợi nhuận còn lại đạt trên 300 triệu đồng. Là người nông dân, nếu không biết tận dụng từng “tấc đất” để lao động, sản xuất thì khó có được “tấc vàng” lắm!”. Anh Dũng chia sẻ. Còn anh Đặng Văn Môn (sinh 1986), khi bước qua tuổi 20, nhiều năm liền anh được người dân thôn Thượng Cầu tín nhiệm, bầu giữ những chức danh quan trọng như: Phó thôn, Chi hội trưởng Hội nông dân. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, anh còn giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Thượng Cầu. Với sự năng động, sáng tạo của mình, anh có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của thôn và mang cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy về vật chất cho vợ con, bằng chính nguồn thu nhập từ ruộng, vườn và quầy hàng tạp hóa...

Bên cạnh những tấm gương năng động trong phát triển KT-XH, chia sẻ của Trưởng thôn Thượng Cầu, Đặng Đức Niên về những hộ nghèo thuộc thế hệ trẻ, khiến chúng tôi thêm trăn trở: “Thực tế cho thấy, việc lạm dụng rượu không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, gan,... mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển KT-XH và nhất là mái ấm GĐ thiếu hạnh phúc. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, mong họ thay đổi nhận thức. Rồi hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón theo chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo nhưng họ chưa chuyên tâm thoát nghèo”...

Nếu đặt một phép tính đơn giản, giả sử anh Trưởng Văn Kim (hoặc những người khác) uống hết 2,5 lít rượu/tuần (có giá 15.000 đồng/lít) thì trong một năm, anh phải tiêu tốn gần 2 triệu đồng cho 130 lít rượu. Số tiền trên tuy không nhiều so với những GĐ khác, nhưng là con số đáng lưu tâm đối với một hộ nghèo. Bởi nếu số tiền này được sử dụng vào mục đích khác thì trong một năm (giá tại thời điểm hiện tại), anh Kim có thể lựa chọn để mua 100 con gà giống hoặc 166 cành cam sành hay 133 cây giống cam Vinh, nhằm phát triển sản xuất. Thêm vào đó, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, qua thời gian chắc chắn GĐ anh Kim và nhiều hộ khác ở Thượng Cầu sẽ thoát nghèo. Nhưng câu hỏi: Làm cách nào giúp họ chuyên tâm PTKT, vẫn còn bỏ ngỏ.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh, 50% Trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia

BHG- Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân ở các cơ sở y tế xã, huyện Yên Minh đã tập trung hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các y, bác sỹ tại các Trạm y tế xã, thị trấn.

21/05/2015
Người dân Cao Mã Pờ cần hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

BHG- Trong cơn bão số 3 diễn ra vào năm ngoái, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất. Anh Viên Quang Chương, Chủ tịch UBND xã kể  lại: "Thật không tưởng tượng nổi! Không chỉ tôi mà tất cả người dân trong xã từ trẻ con tới người già chưa bao giờ được chứng kiến cơn lũ khủng khiếp đến như thế. 

20/05/2015
Công ty Điện lực: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

BHG- Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, quản lý lưới điện trải dài trên địa bàn 11 huyện, thành phố, nhằm không ngừng nâng cao khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định, rút ngắn thời gian mất điện trong các trường hợp sự cố xay ra, đặc biệt đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, tài sản thiết bị... 

20/05/2015
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ chuyên môn

BHG- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh là đơn vị trực thuộc sở Y tế, có chức năng tham mưu cho Giám đốc sở Y tế về công tác CSSKSS, triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật và cung cấp dịch vụ CSSKSS  trên toàn tỉnh. Những năm qua, Trung tâm CSSKSS không ngừng đẩy mạnh ứng dụng các khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao các chất lượng dịch vụ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

20/05/2015