"Nốt thăng - trầm" giảm nghèo

21:29, 07/02/2015

Xuân 2015- Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 9.709 hộ thoát nghèo, giảm được 5.126 hộ nghèo so với năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 27% cuối năm 2013 xuống còn trên 23%. Riêng 6 huyện nghèo giảm được 4.517 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 39% xuống còn trên 33%. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 38.655 hộ nghèo, chiếm trên 23%; 24.684 hộ cận nghèo, chiếm gần 15%.

Kết quả trên khẳng định sự nỗ lực rất lớn, bởi lẽ các yếu tố thuận lợi, tác động trực tiếp đến công tác XĐGN vừa nhen nhóm thì thiên tai, lốc xoáy, mưa lớn liên tục xảy ra gây lở đất, lũ lụt, hư hại nhà ở, các công trình công cộng, thiệt hại sản xuất nông nghiệp, tài sản của nhân dân. Nhiều hộ gia đình, sau bao nhiêu năm phấn đấu, có chút tích lũy, vừa thoát khỏi diện nghèo, chỉ một đợt thiên tai ập đến, tài sản mất hết, lại rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng, từ các chính sách và dự án giảm nghèo thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp người nghèo về sản xuất, trâu, bò sinh sản, giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, y tế, giáo dục... đã giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công, thành tựu phát triển của xã hội.

Vận chuyển vật liệu xây dựng công trình cấp điện xã Tả Ván - Quản Bạ.
Vận chuyển vật liệu xây dựng công trình cấp điện xã Tả Ván - Quản Bạ.

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, nghị quyết về giảm nghèo, tại nhiều đơn vị đã có cách làm hay, tích cực, đem lại hiệu quả tốt như huyện Bắc Quang, Quang Bình triển khai thành công, nhân rộng được chương trình đầu tư có thu hồi. Sau khi triển khai, giá trị tăng thêm so với nhân dân tự đầu tư đối với cây lúa đạt trên 1,3 triệu đồng/ha; cây ngô đạt gần 1 triệu đồng/ha. Một số huyện như Bắc Quang, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh... đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng ngô, đậu tương. Bên cạnh đó, các tổ chức như Hội Phụ nữ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, XĐGN với số tiền trên 135 triệu đồng, trên 6 nghìn ngày công lao động, trên 1 nghìn kg giống các loại, 285 con gia súc, gia cầm cho gần 42 nghìn hộ. Các hội viên CCB đóng góp quỹ, cho hội viên vay không lãi 2,9 tỷ đồng phát triển kinh tế, XĐGN; Hội Nông dân vận động hỗ trợ 58.360 lượt hộ nghèo vay vốn không lãi, giúp nuôi rẽ bò, dê, giúp giống ngô, lúa, cây ăn quả, công lao động xóa nhà tạm... Những việc làm này, kết hợp cùng các chính sách đầu tư trực tiếp của Nhà nước đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.

Người nghèo huyện Hoàng Su Phì được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp dựng nhà.
Người nghèo huyện Hoàng Su Phì được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp dựng nhà.

Tuy nhiên, nhìn lại công tác giảm nghèo thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững, tái nghèo cao vẫn chưa giải quyết được. Cụ thể, năm 2014 toàn tỉnh có trên 9,7 nghìn hộ thoát nghèo, nhưng đã có gần 4,5 nghìn hộ nghèo mới phát sinh, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm trên 3,7%, không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định có phần rất quan trọng do công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của một số BCĐ cấp cơ sở chưa sát thực tiễn, lúng túng, thụ động. Sự phối hợp giữa cấp, ngành chưa đồng bộ nên việc thực hiện nhiệm vụ phân cấp quản lý chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, đa số các huyện chưa xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đến từng địa chỉ hộ nghèo để chỉ đạo tập trung nguồn lực hỗ trợ thoát nghèo. Công tác tuyên truyền chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều cán bộ cấp xã, người dân chưa nắm rõ chủ trương, chính sách giảm nghèo nên tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ giúp của Nhà nước còn khá phổ biến. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chưa vận động được doanh nghiệp tham gia liên kết phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình giảm nghèo có ưu thế tại huyện nghèo...

Tại hội nghị giảm nghèo triển khai vào cuối năm 2014, nhiều đại biểu đến từ các huyện, ngành cũng chỉ rõ tình trạng nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo, hoặc thoát nghèo một thời gian đã xin trở lại hộ nghèo để được hưởng chính sách. Cá biệt, có những thôn, việc bình bầu chính sách hết sức “tình cảm”, các hộ dân luân phiên nghèo để cùng được Nhà nước hỗ trợ. Ngoài nguyên nhân do các yếu tố bất lợi của thời tiết, thiên tai thì những tư tưởng trên đã kéo lùi tốc độ giảm nghèo của tỉnh. Năm 2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 8.240 hộ nghèo, tương đương giảm 5% số hộ nghèo, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 7% tỷ lệ hộ nghèo.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, chữa bệnh cho người nghèo được Nhà nước cấp phát thẻ BHYT.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, chữa bệnh cho người nghèo được Nhà nước cấp phát thẻ BHYT.

Thực hiện nhiệm vụ này, theo đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ giảm nghèo - dạy nghề và giải quyết việc làm đã yêu cầu phải tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền về giảm nghèo nhanh, bền vững đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể, các tầng lớp dân cư và người nghèo. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, hành động trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, từ đó tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Thực hiện triệt để cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở, xác lập cơ chế hỗ trợ đầu tư về tài chính; trên cơ sở tổng nguồn lực được giao, các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể để giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, phải không ngừng mở rộng, tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo từ xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả. Chuyển nhanh phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi nhằm bảo toàn nguồn vốn, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo. Tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, tín dụng, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo năm 2015. Phối hợp lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, các đề án xã phát triển toàn diện, đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc..., tạo nguồn lực trợ giúp người nghèo, hộ nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trong lòng Xuân đất nước

Xuân 2015- "Lá lành đùm lá rách" luôn luôn được coi là "kim chỉ nam" trong văn hóa Việt. Đó là trách nhiệm, là mùa Xuân trên mỗi vùng quê, mỗi con người, hay một cấp, ngành để làm nên mùa Xuân bất tận trong lòng Xuân Tổ quốc.     

07/02/2015
Trung tâm Y tế Bắc Quang:

Xuân 2015- Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Bắc Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế giám sát chặt chẽ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những ca bệnh truyền nhiễm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

07/02/2015
Hết lòng vì sức khỏe nhân dân

Xuân 2015- Với nỗ lực lớn của ngành Y tế. Cho đến nay, các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm đúng mức, bám sát tư tưởng xã hội hóa, tăng cường sự lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. 

07/02/2015
Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Xuân 2015- Năm qua, công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng trình tự, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, có tính khả thi cao; các thủ tục hành chính (TTHC) đã được thống kê, đơn giản và gọn nhẹ.

07/02/2015