Làng may trên cao nguyên đá

17:29, 01/10/2008

HGĐT- Những bộ trang phục dành cho phụ nữ dân tộc Lô Lô với đường nét tinh xảo, hoa văn rực rỡ được làm từ bàn tay khéo léo của người thợ may Sủng Máng (Mèo Vạc) có giá từ 1-4 triệu đồng.


 
 Chị Vàng Quẩy Chiêm đang hoàn thiện sản phẩm, quần áo nam giới. Ảnh: Thiên Thanh

Có bộ trang phục được Bảo tàng Dân tộc học đặt mua với giá 10 triệu đồng để trưng bày, giới thiệu nét độc đáo văn hoá thể hiện qua trang phục của đồng bào dân tộc. Điều này cho thấy sản phẩm của làng may Sủng Máng đang từng bước khẳng định đẳng cấp.

Giàu từ nghề may

Chúng tôi đến Sủng Máng khi ngày mùa vừa xong. Khắp xã miền núi đâu đâu cũng tràn ngập màu vàng ươm của ngô chín. Sau ngày mùa, Sủng Máng lại rộn rã trong muôn vàn âm thanh phát ra từ những chiếc máy khâu. Nghề may ở Sủng Máng có từ rất lâu, trẻ em khi sinh ra đã quen nghe âm thanh của máy, quen nhìn sắc màu sặc sỡ trên vải và nhanh chóng tiếp cận với nghề truyền thống của cha ông. Những bộ váy, áo đặc trưng của đồng bào các dân tộc xuất xứ từ làng may Sủng Máng đã có mặt ở khắp phiên chợ vùng cao và trở nên quen thuộc với người dân.


Mấy năm gần đây, chị Vàng Quẩy Chiêm đã dựng ngôi nhà khang trang nằm cạnh con đường chạy qua xã để phát triển nghề may. Ngay từ nhỏ, chị đã được làm quen với nghề truyền thống. Dù không qua trường lớp đào tạo nhưng đôi tay chai sần của chị thực hiện rất thành thục từng nhát cắt và đường may tinh xảo. 6 người trong gia đình chị, ai cũng biết nghề may. Với hai chiếc máy khâu, mỗi tháng gia đình chị may được 50 bộ quần áo, giá mỗi bộ giao động từ 1-200 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu đầu vào, mỗi tháng nghề may cũng mang lại cho gia đình chị khoản thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, chị Chiêm khẳng định: Những người thợ làng nghề Sủng Máng đã may nhiều bộ trang phục phụ nữ theo đơn đặt hàng với giá từ 1 - 2 triệu đồng. Đối với trang phục của phụ nữ dân tộc Lô Lô đòi hỏi sự cầu kỳ với nhiều hoạ tiết thể hiện trên nền vải và bạc đính trang trí, giá có thể lên tới 3-4 triệu đồng/bộ. Gần đây, Bảo tàng Dân tộc học đã tìm đến Sủng Máng đặt mua một bộ trang phục với giá trên 10 triệu đồng để trưng bày giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với Sủng Máng, sản phẩm của làng nghề đã vươn ra thị trường nội huyện, nội tỉnh và đang gây dựng được thương hiệu. Sản phẩm của làng may Sủng Máng tiêu thụ khá mạnh, nhất là trong dịp tết. Khi mùa xuân đến, khắp vùng cao bước vào ngày hội, các thiếu nữ, chàng trai ai cũng lựa cho mình những chiếc váy, áo đẹp nhất. Cả làng may luôn nhộn nhịp, sản phẩm làm ra không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.


Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, nhiều gia đình thợ ở Sủng Máng sau khi tích luỹ được vốn đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của nghề may như máy, phụ tùng máy khâu, cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm. Gia đình ông Phản Mảy Phơi và Phản Giàng Páo là hai đại lý kinh doanh dịch vụ tổng hợp đầu tiên của xã. Nhà ông Páo hiện có 5 máy khâu hiện đại, 5 người chuyên nghề may, mỗi tháng làm ra khoảng trăm bộ quần áo. Từ làm may, kinh doanh tổng hợp, gia đình ông mua được 2 ô-tô tải phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá của nhân dân trong vùng. Vừa duy trì nghề may, ông vừa đứng ra thu mua sản phẩm của các thợ may trong xã và cung ứng nguyên liệu cho làng nghề.


Trước đây, làng nghề Sủng Máng chủ yếu làm theo phương pháp thủ công, các gia đình thợ may quần áo bằng chất liệu lanh, đòi hỏi khá nhiều thời gian và công lao động. Nhưng gần đây do nhu cầu của thị trường, các hộ dân đã đầu tư mua máy, nhập vải về may quần áo nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngợi, Bí thư Đảng uỷ xã rất tự hào về nghề may truyền thống của địa phương. Ông cho biết: Làng may Sủng Máng được hình thành từ rất lâu rồi và đang có uy tín trên thị trường. Tìm hiểu thực tế ở một số chợ phiên vùng cao, chúng tôi thấy những gì Bí thư Đảng uỷ xã nói hoàn toàn có cơ sở. Các sản phẩm của làng may Sủng Máng tràn ngập khắp chợ phiên Mèo Vạc và cả những huyện lân cận. Tiếng lành đồn xa, tư thương đã tìm đến làng nghề đặt hàng với số lượng lớn đem tiêu thụ ở nhiều tỉnh. Những người thợ may phải làm việc liên tục mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ông còn cho biết thêm: Sủng Máng hiện có trên 400 hộ, 150 hộ đang theo nghề may và có cuộc sống khấm khá. Nghề may ở Sủng Máng đã góp phần quan trọng vào công cuộc XĐGN của địa phương.


Cơ hội cho làng nghề

Trải qua nhiều biến động với sự tác động lớn của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền công nghiệp đã len lỏi về tận xóm núi, nhưng nghề may truyền thống ở Sủng Máng vẫn được các thế hệ duy trì, phát huy. Người dân Sủng Máng rất có ý thức trong việc giữ gìn nghề truyền thống, sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được kiểm tra chặt chẽ, phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như bền, chắc, đẹp. Từng đường may được người thợ thực hiện rất cẩn thận, từng hoa văn cũng được lựa chọn kỹ, phù hợp với màu sắc của trang phục. Xét về tiềm năng, lợi thế, làng may có nhiều thuận lợi để phát triển hơn nữa nhưng chưa có sự đầu tư hợp lý, quy mô sản xuất chưa mở rộng. Hiện nay, làng may cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bởi lẽ Sủng Máng nằm khá xa trung tâm huyện và các vùng cung cấp nguyên liệu nên nguyên liệu đầu vào cho sản xuất có lúc rất khan hiếm. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được người dân làng nghề chú trọng.


Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của làng may Sủng Máng, huyện Mèo Vạc đang triển khai chiến lược nâng cấp làng nghề. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng để các gia đình thợ đầu tư mua máy mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban Quản lý chợ trung tâm Mèo Vạc sẽ dành 1 gian hàng để các hộ dân trưng bày, giới thiệu sản phẩm của làng may Sủng Máng. UBND xã đã xây dựng Đề án thành lập HTX may Sủng Máng, tới đâysẽ chính thức ra mắt. HTX sẽ tập hợp các hộ dân làm nghề may, đảm nhận các khâu dịch vụ như cung ứng nguyên liệu, phụ tùng máy và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Điều này sẽ mở ra tương lai mới cho làng nghề. Làng nghề Sủng Máng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn, sản phẩm được nhiều người biết đến và cuộc sống người dân làng nghề sẽ khá hơn.


Th.Thanh - H.Trang

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện chính sách đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
HGĐT- Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ việc thực hiện tốt các chính sách đã góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của các em bớt khó khăn, đảm bảo cho trẻ em có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, hoà nhập với cộng đồng và xã hội.
29/09/2008
Hai chị em tật nguyền cần giúp đỡ
HGĐT- Được người hàng xóm giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thành và vợ là Đoàn Thị Nga ở tổ 9, thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường, thị xã Hà Giang là gia đình có 2 người con gái đều bị tàn tật.
29/09/2008
Cần chấp hành nghiêm các quy định vận tải hành khách
HGĐT- Ngày 23.7, Báo Hà Giang nhận được “Lời cảm ơn” của ông Nguyễn Vi Lượng, đại diện nhân dân, lái xe phường Minh Khai, thị xã Hà Giang về ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 2037/UBND-NVKT ngày 11.7.2008: Cho phép xe chở khách của bến xe phía Bắc được trả khách tại bến xe phía Nam và xe chở khách của bến xe phía Nam được trả khách tại bến xe phía Bắc...
26/09/2008
Bưu điện tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ công ích
HGĐT- Năm 2008, năm đầu tiên Bưu điện tỉnh chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới chia tách trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ của đông đảo cán bộ, CNVC-LĐ... Song, với quyết tâm đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam giao, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra, Bưu
26/09/2008