Nơi cơn lũ đi qua

07:28, 09/09/2008

HGĐT- Ngồi cùng các bạn trong lớp ôn bài cũ, nhưng ưu phiền vẫn chưa hết trên khuôn mặt non nớt của Giàng Seo Chơ. Thoát chết sau đêm 8.8 vì thảm họa “vỡ núi” Tùng Cụm, 3 anh em Giàng Seo Chơ, Giàng Seo Chủ, Giàng Thị Bề được làng xóm, anh em, họ hàng, các đoàn thể cưu mang, được chính quyền giúp đỡ, nay cả 3 anh em Chơ về ở với anh cả Giàng Seo Cú.


 
 Em Giàng Seo Chơ, học sinh lớp 7 nội trú dân nuôi xã Nà Khương đang ngồi học cùng các bạn (Giàng Seo Chơ là con ông Giàng Seo Thào bị vùi lấp trong mưa lũ 8.8 ở Tùng Cụm (Nà Khương).

Năm học mới anh em Chơ được anh Cú cho đi học với mong ước em mình có được đầy đủ kiến thức để tự vươn lên trong cuộc sống sau này. Năm nay 14 tuổi, Chơ được các thầy cô trong trường động viên về ở nội trú tại xã đi học. Hiệu trưởng trường PTCS xã Nà Khương Đỗ Duy Xuân, cho biết: Ban giám hiệu bàn mãi, động viên mãi anh cả của Chơ mới đồng ý cho em ra ở nội trú. Ra đây, các thầy cô gần gũi động viên, các bạn động viên Chơ, Chủ mới nguôi ngoai đi nỗi mất cha mẹ, mất em trong thảm họa. Chơ bảo với tôi: Không có bạn học, thầy cô, các bác, các chú trong đoàn thể xã động viên, giúp đỡ chắc em không thể đi học. Nỗi ám ảnh về thảm họa thương tâm gia đình em quá lớn so với tuổi 14. Bây giờ tới lớp, ở với 135 bạn trong trường nội trú xã, được dân nuôi, thầy cô chăm sóc và nỗi vui bạn học, nỗi đau vơi dần. Không gặp Chơ thật khó có thể tượng tưởng, một “cây tre non lại đứng vững được trong gió bão”. Vậy, mong muốn ở Chơ là gì? - Tôi hỏi. “Cháu chỉ lo một điều, cả 3 anh em đi học, anh Cú ở nhà, chị dâu ở nhà sẽ vất vả hơn”. Thầy giáo Trần Văn Tuyên gắn với xã Nà Khương 12 năm nay cho biết: Cả 3 anh em Chơ ở với anh cả Giàng Seo Cú được ví như một gánh nặng, thật nặng, đối với Cú. Thấy vậy, nên tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, cán bộ, giáo viên ở trường đã có đề án: Quyên góp, giúp đỡ được gì thì giúp thứ ấy, miễn sao cho Cú có điều kiện “đồng ý” cho 3 em theo học ở nội trú, quyết tâm “không để các em trong 2 gia đình bị nạn thất học” là phương châm của BGH nhà trường. Được biết, chính thầy Tuyên đã giúp đỡ hàng triệu đồng để đồng bào tu sửa lại điểm trường Tùng Cụm sau lũ quét để các cháu học sinh Tùng Cụm có được lớp học khang trang đón năm học mới. Ngồi cùng bạn học ở lớp, Chơ tâm sự: Tựu trường hôm 14.8, vào học là 18.8 cùng các bạn mà em cứ lo anh Cú ở nhà chưa thu hoạch xong đám ngô nương. Tranh thủ ngày 2.9 lớp nghỉ đón Quốc khánh em phải xin phép thầy cô về nhà thu ngô giúp anh Cú. Vẫn biết học là vất vả cho cả anh, cả em, nhưng không đi học bây giờ sau này không thể trở thành thầy giáo được... Mong muốn với em thì nhiều lắm, nhưng mong nhất là trở thành học sinh tốt, có kiến thức làm ăn thoát nghèo và dạy chữ cho đám trẻ trong làng Tùng Cụm lớn lên biết lo làm ăn.


Đến thăm em Hầu Thị Chanh, học sinh lớp 4 thoát chết sau lũ (con của ông Hầu Seo Tẩn) đang ở với anh trai Hầu Seo Hòa, cách trung tâm xã hơn 5km ở thôn Lùng Vi. Hòa năm nay tròn 20 tuổi, có 1 vợ và 2 con. Sau cái chết của bố mẹ, 2 em, giờ Hòa trở thành “trụ cột” của gia đình ông Hầu Seo Tẩn. Ngôi nhà 3 gian khá chắc chắn giờ là nơi trú ngụ của 7 người, có vợ chồng Hòa, 2 con nhỏ, 3 đứa em. Bố mẹ mất, Hầu Seo Tráng 16 tuổi, Hầu Thị Chanh 10 tuổi, Hầu Seo Xà 7 tuổi về ở cả với anh. Hoàn cảnh quá, Hầu Seo Tráng ở nhà lo làm ăn cùng anh chị nuôi 2 em Hầu Thị Chanh, Hầu Seo Xà đi học. Cô giáo Hoàng Thị Vẹn, tâm sự: Chanh là học sinh chăm ngoan, nhưng cũng nhiều lần định bỏ học với cái chết thương tâm của bố mẹ, 2 em trong lũ quét 8.8 vừa qua. Thầy giáo Trần Văn Tuyên nói mãi với gia đình Hầu Seo Hòa, đề nghị với đoàn thể, nhà trường để đưa Chanh về nuôi cho em ăn học, nhưng Chanh vẫn chưa đồng ý ra ở nhà thầy. Cô Gấm - vợ Tuyên thật thà: Vợ chồng em về làm thầy giáo ở đây 12 năm, mang bao tình cảm của bà con Nà Khương. Giờ đây, vợ chồng kinh tế cũng tạm ổn, lại có 1 đứa con, rất muốn các anh chị, các bác trong trường, trong xã nói giúp em Hòa, động viên cháu Chanh về ở với thầy cô, với em, gần trường thuận lợi cho Chanh theo học. Gặp hỏi mãi Chanh, em mới tỏ ra mạnh bạo đôi chút: “Sau khai giảng, em sẽ ra ở với thầy”. Còn cậu bé Hầu Seo Xà, 7 tuổi đã bám cây ổi cạnh nhà trong đêm mưa 8.8 cả đêm đến sáng, thoát chết trong lở đất là điều kỳ diệu cứ nép bên chị, len lét nhìn. Chị Giang, Phó phòng Giáo dục huyện Quang Bình hỏi mãi, Xà mới thỏ thẻ: Sách vở, đồ dùng học tập các thầy cô đã cho đủ. Quần áo đi học có 2 bộ thay đổi. Điểm trường Xà đến học nằm trên đường vào thôn Lùng Vi cách nhà em ở chừng 4km, men theo các rông đèo. Các thầy cô giáo trong trường cho biết: Chỉ cần các em đến lớp đi học đều nơi đây đã được coi là “có thành tích”. Nhà thưa, núi dốc, đường đèo, lội suối... ít ai có thể tưởng tượng một cô cậu 6 - 7 tuổi lại vượt được chừng ấy quãng đường để tới lớp. Trời nắng ráo đã vậy, trời mưa gió thì sao? Theo nhận định của nhà trường, năm học mới đã bắt đầu theo đúng kế hoạch. Tất cả các điểm trường, ở trường trung tâm học sinh đã đến lớp, tiếng trống trường sau gần 3 thángngủ yên đã thức dậy. Song, vẫn còn từ 10 - 12% số học sinh trong độ tuổi chưa đến trường. Nghĩ vềđoạn đường chúng tôi tìm đến nhà Hòa, động viên em Chanh, em Xà đi học đã thấy đầy khó khăn. Trường xa quá, đường khó quá, người lớn đi đã vất vả huống hồ các em. Thế mới thấy hết sự nỗ lực của các thầy cô nơi vùng lũ quét. Thầy Tuyên 12 năm bám bản, cô Vẹn 4 năm, còn bao thầy cô khác. Rồi nhìn lại cảnh nhà cậu thanh niên Hầu Seo Hòa, 20 tuổi, 2 con, 1 vợ lại “ôm liền” 3 đứa em thơ. Hòa tâm sự: Lũ quét làm mấy anh em mất bố, mất mẹ, mất 2 đứa em thơ. Lũ quét xóa sạch nương ngô, ruộng lúa vốn là tài sản nuôi sống các em... “Vụ tới, vợ chồng em bảo nhau khai hoang chút vậy. Còn lại trông vào ruộng nương của bố mẹ mất đi để lại, cố làm để nuôi em, nuôi con”. Lúc rời nhà Hòa trở ra, tôi kịp phát hiện thấy trên chiếc chuồng rách bươn, che tạm, một mái gà nằm trong ổ lót bằng chiếc mê rách, đang cần mẫn ấp những quả trứng tròn, mặc cho trên trời, dưới đất có yên lặng hay mưa gió bão bùng. Ngoài kia, tiếng trống trường đã điểm dội từng hồi giòn rã vào vách núi. Trong sân trường đám trẻ lưng đeo túi sách, cổ quàng khăn đỏ, trên 640 học sinh Nà Khương nô nức đón năm học mới.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Vị Xuyên: Lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích
(HGĐT)- Vào khoảng 3h sáng ngày 28.8, do mưa lớn kéo dài, tại đội 1 và 2 thôn Chất Tiền của xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã xảy ra lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích.
29/08/2008
Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiền
HGĐT- Sáng 28.8, trời mưa như trút nước, Tổng biên tập Báo Lê Trọng Lập liên tục chạy xuống phòng Phóng viên để hỏi, đồng thời đôn đốc phòng kịp thời theo dõi tình hình mưa lũ ở các địa phương trong tỉnh. Chừng 8h35, tôi được điều động lên xã Cao Bồ, huyện Xị Xuyên để nắm tình hình thiệt hại do lũ quét.
29/08/2008
Hoàng su phì: Lở đất 3 người chết
(HGĐT)- Theo tin từ BCĐ PCLB Hoàng Su Phì, đêm 26, rạng sáng 27.8, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo lũ cục bộ làm sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
28/08/2008
Thấy gì qua loạt bài có nhiều thông tin không chính xác về: Hà Giang & Công ty TNHH Sông Lô đăng trên Báo Người cao tuổi ?
(HGĐT)- Sau khi Báo Người cao tuổi (T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam) liên tục cho đăng các loạt bài về UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Sông Lô trong thời gian qua với nhiều thông tin không chính xác, dư luận ở Hà Giang đã tỏ ý bất bình, nghi ngờ về cách làm “khó hiểu” của Báo này.
28/08/2008