Hà Giang

Người dân Kho Là không còn lo lũ quét

17:29, 12/09/2008

HGĐT- Trung tuần tháng 8 năm ngoái, 50 hộ dân sống tập trung ở thôn Kho Là, xã Minh Sơn (Bắc Mê) đã hứng chịu một trận lũ quét kinh hoàng tràn qua lúc nửa đêm. May là không thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng không đáng kể. Nhưng từ hôm đó, người dân luôn sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi mỗi khi trời đổ mưa.


Trước tình hình đó, ngay trong tháng 9, huyện đã thực hiện Dự án di dời 50 hộ dân Kho Là ra khỏi vùng nguy hiểm đến khu tái định cư Nà Seng, thuộc thôn Bản Vàn, cách nơi ở cũ một tiếng đi bộ. Đến nay, Dự án cơ bản hoàn thành, người dân tình nguyện di dời nhà và dần sống ổn định ở vùng đất mới định cư.


Thôn Kho Là có tổng số 70 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các huyện vùng cao về từ nhiều năm trước. Thời kỳ đầu, bà con sống rải rác trong thôn, mỗi hộ một khoảnh đồi nên nhà nước khó khăn trong việc đầu tư điện, đường, trường, nước. Cùng với đó là những hạn chế trong giao lưu kinh tế, văn hoá và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương…Năm 2006, huyện Bắc Mê đã vận động 50 hộ dân sống rải rác trên các sườn đồi hạ sơnsống tập trung để tiện cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quá trình giao lưu hàng hoá, văn hoá. 50 hộ được quyền chọn lựa vùng đất mới và họ đã chọn một thung lũng bằng phẳng ngay dưới chân những ngọn đồi mình đang sống, bởi đất rộng lại màu mỡ, rất tốt cho việc canh tác, chăn nuôi. Nhưng ít ai nghĩ cái thung lũng bằng phẳng đó lại ẩn chứa những hiểm hoạ khó lường. Đúng như thế, chỉ sau chưa đầy một năm bà con hạ sơn, vào trung tuần tháng 8.2007, sau nhiều ngày mưa to, cả thôn đã hứng chịu một trận lũ kinh hoàng tràn qua lúc nửa đêm. Anh Vừa Sía Chơ nhớ lại: “Thật khủng khiếp, nước bùn từ đâu ầm ập đổ về, tràn khắp mọi nơi. Nhà nào cũng bị nước bùn tràn đến hàng mét, có nhà đến tận nóc. Người già, người trẻ chạy tạt lên những mỏm đất cao để tránh lũ, ai cũng lo sợ và hoảng loạn”. Không có thiệt hại về người nhưng lũ đã vùi lấp 4 nhà dân và cuốn trôi 1 con bò vừa được Dự án Chia sẻ hỗ trợ của gia đình anh Chơ. Thiệt hại về tài sản mặc dù không lớn nhưng kể từ hôm đó, người dân nơi đây luôn sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi bởi biết đâu sau một trận mưa to nữa, những vạt đồi quanh thôn sẽ đổ ập xuống vùi lấp cả thôn như ở Du Tiến (Yên Minh) ngày nào.


Nhận thấy sự nguy hiểm rình rập 50 hộ dân thôn Kho Là, tháng 9.2007 huyện Bắc Mê đã triển khai Dự án di dời 50 hộ dân ở Kho Là ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đến sống ở khu định cư tập trung mới tại Nà Seng, cách nơi ở cũ một tiếng đi bộ. Đây là vùng đất khá lý tưởng, đất rộng, địa hình thuận lợi cho việc xây dựng khu dân cư, địa chất ổn định, không có khả năng xảy ra sạt lở, lũ lụt. Chưa đầy 2 năm, phải di dời nhà đến 2 lần, các cấp chính quyền địa phương nhận định sẽ rất khó để vận động bà con làm theo. Nhưng khi triển khai thực hiện, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “ Xã được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con thực hiện di dời nhà đến nơi ở mới. Ai cũng nghĩ là sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng khi đến vận động, thật bất ngờ, cả 50 hộ dân ở đây đã đồng ý và tự nguyện chuyển nhà lên nơi ở mới. Bởi Dự án này đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của bà con, đó là chịu vất vả một thời gian ngắn nhưng đổi lại sẽ có cuộc sống thanh thản hơn, không phải nơm nớp lo sợ đất sạt, lũ cuốn nữa…”. Người dân đồng tình nên chỉ trong vòng từ tháng 10 đến hết tháng 12, cả 50 hộ dân đã lên khu tái định cư Nà Seng nhận đất dựng nhà. Xã đã huy động nhân công toàn xã đến giúp bà con di dời, dựng nhà mới, sự giúp đỡ đó diễn ra trong vòng 6 ngày, mỗi ngày có đến 500 công lao động giúp bà con san đất nền nhà, mở đường vào và dựng khung cứng của nhà. Bình quân mỗi nhà rộng 40 mét vuông, nhà gỗ bưng ván, mái lợp ngói Phibrôxi-măng. Nhà nước cũng đã hỗ trợ cho các hộ di dời nhà bình quân mỗi hộ trên 10 triệu đồng.


Hiện tại, cuộc sống của người dân ở khu tái định cư đã dần ổn định. Anh Sùng Mí Hờ, công an viên thôn, người nắm rất rõ cuộc sống của bà con nơi đây và cũng là hộ gia đình chuyển nhà lên khu định cư mới đầu tiên trong thôn, cho biết: “Hiện nay, bà con đã làm xong 50 nhà nhưng chỉ có 33 hộ đã xuống ở hẳn đây, các hộ còn lại chưa xuống ngay vì muốn chỉnh trang lại nhà cửa cho đàng hoàng, cũng như đợi ngày nông nhàn sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa năm nay chuyển nhà cho tiện”. Các hộ đến nơi ở mới nhưng đất sản xuất vẫn ở chỗ cũ. Bà con vẫn phải đi bộ lên nương mất cả tiếng đồng hồ, rất vất vả. Tuy nhiên, theo như anh Hờ tâm sự thì dù vất vả đến mấy bà con cũng vẫn chịu được, lên vùng đất mới này không còn phải lo sợ bị lũ lụt, sạt lở nên tư tưởng bà con rất ổn định, hơn thế khu tái định cư lại gần trung tâm xã, tiện đường đi lại nên bà con rất vui. Dự án cũng đã đồng loạt đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn. Đến nay, nhà trụ sở thôn, điểm trường và nhà lưu trú giáo viên cũng vừa hoàn thành, kịp đón năm học mới. Trong căn phòng lưu trú mới hoàn thành còn nguyên mùi vôi vữa, thầy giáo Nguyễn Sỹ Quảng vui vẻ khoe: “ Năm nay điểm trường huy động được 98% học sinh trong độ tuổi đến trường. Điểm trường ở thôn có 4 lớp, từ lớp mẫu giáo đến lớp 3 với tổng số 45 học sinh. Từ khi chuyển lên khu tái định cư Nà Seng này, các em đi học rất đều, không còn tình trạng bỏ học, bỏ tiết như những năm trước nữa bởi điểm trường nằm ngay giữa khu tái định cư nên các em đi học rất gần. Một số gia đình dù chưa chuyển hẳn lên đây nhưng cũng đã cho con lên ở để tiện cho việc đi học. Giáo viên đến điểm trường cũng thuận tiện hơn, giờ thì đi xe máy nửa tiếng là vào được thôn, điểm trường trước chưa có đường phải đi bộ mất vài tiếng”. Đường điện 0,4 kv cũng đã được kéo vào thôn, chỉ tháng nữa bà con sẽ được kéo điện đến tận nhà. Hệ thống nước sạch cũng đang được triển khai, các hạng mục như xây dựng bể chứa nước đã hoàn thành. Tuy nhiên, đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về chưa được làm nên bà con hiện vẫn sử dụng nước mưa, nguồn nước chưa ổn định nên có thời điểm phải đi xa lấy nước sinh hoạt. Quang cảnh trong thôn giờ rất đông vui và nhộn nhịp. Sống trên khu tái định cư, đường rộng, 14 hộ dân đã mua được xe máy để đi lại, giao lưu hàng hoá.


Ra sinh sống ở khu tái định cư Nà Seng, người dân Kho Là không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi trời đổ mưa, bà con đã yên tâm để tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Ra nơi ở mới, được hưởng lợi từ các công trình do Nhà nước đầu tư như điện, đường và đặc biệt là thuận tiện cho việc học hành của con trẻ. Ai cũng vui vì điều đó. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn còn nhiều trăn trở cần được Nhà nước quan tâm hơn như: Giúp đỡ bà con khai hoang ruộng, nương mới gần nhà; nhanh chóng mắc đường ống dẫn nước nguồn để bà con có nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định…Có thể nói, Dự án di dời dân thôn Kho Là ra khỏi vùng nguy hiểm và xây dựng khu tái định cư tập trung Nà Seng đã thành công. Trong điều kiện tỉnh ta còn rất nhiều khu vực dân cư trong vùng nguy hiểm dễ bị sạt lở thì khu tái định cư Nà Seng là một điểm để các địa phương trong tỉnh học tập.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiền
HGĐT- Sáng 28.8, trời mưa như trút nước, Tổng biên tập Báo Lê Trọng Lập liên tục chạy xuống phòng Phóng viên để hỏi, đồng thời đôn đốc phòng kịp thời theo dõi tình hình mưa lũ ở các địa phương trong tỉnh. Chừng 8h35, tôi được điều động lên xã Cao Bồ, huyện Xị Xuyên để nắm tình hình thiệt hại do lũ quét.
29/08/2008
Huyện Vị Xuyên: Lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích
(HGĐT)- Vào khoảng 3h sáng ngày 28.8, do mưa lớn kéo dài, tại đội 1 và 2 thôn Chất Tiền của xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã xảy ra lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích.
29/08/2008
Hoàng su phì: Lở đất 3 người chết
(HGĐT)- Theo tin từ BCĐ PCLB Hoàng Su Phì, đêm 26, rạng sáng 27.8, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo lũ cục bộ làm sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
28/08/2008
Các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ
LTS: Để bạn đọc hiểu đúng các vấn đề liên quan giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang, tòa soạn xin công bố các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ giải trình về các nội dung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
28/08/2008