Hà Giang

Độc đáo và ấn tượng

08:03, 27/10/2014

HGĐT - Những chiếc mảng giản đơn, lặng lẽ vận chuyển người và hàng hóa qua sông mỗi ngày… nay được khoác lên mình những màu sắc sặc sỡ, trở thành phương tiện đua tài trong Lễ hội cấp huyện; lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội đua Mảng huyện Bắc Mê đã để lại nhiều ấn tượng độc đáo trong lòng du khách gần xa.


Độc đáo không chỉ bởi đây là Lễ hội đua Mảng duy nhất trên địa bàn tỉnh, không bởi những chiếc mảng được thiết kế đẹp mắt, mà còn là ấn tượng về tình đất, tình người nơi đây. Từ sáng sớm, khi làn sương Thu mỏng manh còn vương vít khắp không gian, trên mọi ngả đường đổ về trung tâm huyện, dòng người xúng xính trong những bộ quần áo sực sỡ sắc màu đã nô nức đi xem hội. Dưới bến thuyền thị trấnYên Phú, các đội đua cũng đã sẵn sàng cho giờ xuất trận.

 

7 giờ 30 phút, bến thuyền gần như không còn chỗ trống, người ta đứng cả về phía quả đồi bên kia sông để theo dõi cuộc đua; ước tính có khoảng hơn 5.000 người đã có mặt tại đây. Sắc màu trang phục lẫn trong mênh mông sông nước của sắc trời Thu tạo nên bức tranh sống động bên dòng sông Gâm. Sau tiếng trống khai hội, không gian trở nên tĩnh lặng khi nghĩ lễ cúng “Vượt sông” được tiến hành. Tương truyền rằng, từ ngày xưa, dòng sông nước chảy hiền hòa, trong xanh, là nguồn nước chính phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây; những chiếc mảng bằng tre, nứa được kết thành bè làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa qua sông. Nhưng hàng năm, vào mùa mưa lũ, con sông trở nên hung dữ, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, cuốn trôi nhà cửa, gia súc, hoa màu củabà con, người dân cho rằng thần linh nổi giận, đòi lễ vật; từ đó, vào mùa mưa lũ, họ tổ chức Lễ tạ ơn thần sông, ma suối gọi là lễ cúng Vượt sông để cầu an khi qua sông, suối; đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày, gắn với tập quán canh tác lúa nước, quăng chài, đánh bắt cá trên sông, đồng thời có tính giáo dục, tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn đối với giao thông đường thủy.



Toàn cảnh lễ hội đua mảng huyện Bắc Mê lần thứ nhất, năm 2014
 

Dòng sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua địa phận huyện Bắc Mê với chiều dài 45 km; có 7/13 xã, thị trấn nằm dọc hai bên bờ sông. Khi giao thông chưa phát triển, chưa có những chiếc cầu nối dịp bờ vui, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, huyện Bắc Mê đã thành lập “Đội vận tải mảng” để đáp ứng nhu cầu đi lại, cũng từ đây chiếc mảng đã trở thành phương tiện quen thuộc, thân thiết phục vụ lao động sản xuất mang đậm nét văn hóa đặc sắc vùng miền.

 

Sau Lễ cúng, các đội đua về vị trí xuất phát, chuẩn bị thi đấu vòng loại. Lễ hội đua mảng năm nay có 23 đội đua, với 115 tay chèo tham gia đến từ 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; các đội đua được chia làm 4 bảng thi đấu vòng loại để chọn 8 đội xuất sắc nhất thi đấu vòng chung kết, chiều dài đường đua là 1.200m. Ngay khi hiệu lệnh được cất lên, những chiếc mảng thi nhau bơi về phía trước với sức mạnh và sự khéo léo của các tay chèo. Trên bờ sông, tiếng hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khán giả lẫn trong tiếng trống, chiêng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới… làm sôi động cả một vùng. Các đội đăng ký tham gia đua năm nay có cả những đội là tổ chức chính quyền xã, các ban ngành, đoàn thể, có cả những đội là tập hợp những người có cùng sở thích, những người trong một gia đình…tạo nên sự đa dạng, độc đáo. Ban Tổ chức sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và giải ấn tượng cho các đội đua xuất sắc.

 

Trong tiếng loa xướng tên đội chiếng thắng, ông Trần Văn Việt, 68 tuổi, ở Thị trấn Yên Phú vẫn cố nói thật to với chúng tôi như để chia sẻ cảm xúc rằng: “Gần trọn cuộc đời sống trên đất Bắc Mê, gắn bó với sông Gâm, đã nhiều lần sử dụng đến chiếc mảng làm phương tiện di chuyển; hôm nay, được đi xem Lễ hội đua mảng, lần đầu tiên những chiếc mảng được mang ra đua tài, tôi vui lắm; mong huyện tổ chức hàng năm để người dân có cơ hội giao lưu, vui chơi sau những ngày đã gặt xong vụ Mùa…”.

 

Tay chèo Nông Văn Cường, Đội trưởng Đội đua thôn Bó Cũng, đội đoạt giải Nhất không dấu nỗi niềm vui: “Ngay khi có thông tin lễ hội, chúng tôi đã đăng ký tham gia, nỗ lực tập luyện cả về thể lực và kỹ thuật chèo mảng nhanh. Giải nhất này là nỗ lực của toàn đội; chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia giải đua vào năm sau”.

 

Từ năm 2006, khi công trình thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) đóng đập, dâng nước, sông Gâm trở thành vùng lòng hồ rộng lớn với diện tích trên 1.200 ha, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình với đa dạng sinh thái, thu hút đông đảo du khách đến tham quan; huyện Bắc Mê đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Về vấn đề này, Đồng chí Trần Tú Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết thêm: Việc tổ chức Lễ hội đua mảng đã được chuẩn bị rất chu đáo từ cơ sở vật chất, tập luyện, xây dựng điều lệ cuộc đua và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Lễ hội này sẽ được huyện tổ chức vào tháng 10 hàng năm và chính thức trở thành lễ hôi truyền thống của huyện Bắc Mê. Đây là hoạt động văn hóa - thể thao thiết thực, nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết TW 5, khóa VIII của Đảng về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tạo sản phẩm độc đáo phát triển du lịch.

 

Gió nhẹ nhàng, lả lơi trên mặt sông yên bình sau Lễ hội; những chiếc mảng được các đội cẩn thận mang về chuẩn bị cho mùa giải sau; những cái nhìn luyến lưu, tiếc nuối như muốn lưu giữ mãi không khí sôi động trênsông Gâm đủ chứng minh sức hấp dẫn của lễ hội để lại trong lòng du khách và người dân nơi đây.
Biện Luân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Sáo và cá Cờ
HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng
30/09/2014
Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh trời cực Bắc
HGĐT- Trong một chuyến hành trình dài lên với Cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua những cung đường đèo dốc như vắt ngược lên đỉnh núi, thưa thớt bóng người. Thấm mệt..., nhưng cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng, ấm lạ khi lẫn trong gió ngàn và đá núi là hình hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước cửa một nhà dân.
30/09/2014
Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn
Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.
29/09/2014