Hà Giang

Chạm bạc ở Cao Bồ, nghề truyền thống có sức sống bền bỉ

07:17, 30/10/2014

HGĐT- Chạm bạc là một nghề thủ công đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Những đường nét trạm trổ hình vảy cá, hoa, chim... và cách tết sợi công phu của người Dao ở Cao Bồ đã tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc vô cùng độc đáo, mang đậm nét văn hóa.



      Xưởng làm việc của anh Đặng Văn Việt, ở thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ.


Ẩn mình trên núi cao giữa những đồi chè xanh mướt mắt, ruộng bậc thang vàng óng trải dài, thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) nơi có những ngôi nhà sàn lâu đời của người Dao tạo cho người đến một cảm giác bất ngờ bởi không khí trong lành, cảnh đẹp nên thơ. Ở đây, còn có nghề chạm bạc được lưu truyền từ nhiều thế hệ người Dao. Sản phẩm bạc của người Dao ở Cao Bồ có nét độc đáo riêng, mang đậm bản sắc dân tộc và đang tiếp tục được duy trì. Bởi, theo các già làng, chừng nào truyền thống của người Dao ở đây còn được lưu giữ, người Dao còn mặc áo dài thì nghề chạm bạc này không bao giờ mất đi.


Thực vậy, nghề chạm bạc ra đời gắn liền với bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Anh Đặng Văn Việt, một gia đình có hơn 3 thế hệ làm nghề, cho biết: “một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao cần có rất nhiều trang sức bằng bạc như: Vòng cổ, vòng tay, nhẫn, trâm cài tóc, dây áo, dây móc khóa, móc trầu... có giá trị khoảng 50 triệu đồng. Ở đây, thường thì mỗi người phụ nữ phải có một bộ trang phục truyền thống và trang sức bạc để đi lấy chồng; tham dự vào các đám cưới, đám ma, các ngày lễ, tết quan trọng”. Ngày nay, khi kinh tế phát triển hơn thì nghề chạm bạc cũng phát triển theo, ngày càng đông khách. Anh Việt chia sẻ, khách hàng của mình không chỉ giới hạn ở các huyện trong tỉnh như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ... tìm đến. Dù ở xã chưa có đường bê tông đi vào khiến việc đi lại rất khó khăn do địa hình hiểm trở nhưng nhờ sự phát triển của thông tin, có điện thoại, ti vi nên nhiều người đã biết tiếng làng nghề ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Hiện anh Việt có khách hàng ở các tỉnh khác như Lào Cai, Cao Bằng... thậm chí ở tận các tỉnh dưới xuôi như Nam Định cũng tìm tới. Bởi vậy, việc làm ăn luôn bận rộn, thậm chí có những lúc phải thức đêm để làm việc cho kịp đơn đặt hàng.



                     Các sản phẩm trang sức bằng bạc của người Dao.


Nhìn bàn tay khéo léo nhanh nhẹn chạm trổ các loại hoa văn trên trang sức và hiểu ý nghĩa của từng loại sản phẩm, mới thấy hết được giá trị của từng mặt hàng. Ngày nay, nghề chạm bạc đã có nhiều thay đổi so với xưa nhờ sự hỗ trợ của các công cụ như: Lò nấu bạc bằng điện, máy cán, máy đánh bóng,... khiến tốc độ làm ra một sản phẩm nhanh và đẹp mắt hơn. Bước chân vào nghề từ năm 16 tuổi đến nay đã có hơn 28 năm kinh nghiệm, anh Việt tiết lộ, tiền công trung bình của một tay thợ lành nghề là khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng.


Theo Trưởng thôn Thác Hùng, anh Đặng Xuân Thái, cũng là một gia đình làm nghề chạm bạc, cho biết: “ở thôn có 80 hộ thì có đến 30 hộ làm nghề chạm bạc, trong đó có khoảng 10 hộ làm lớn. Thời điểm khách hàng mua nhiều là vào mùa cưới và cuối năm. Làm nghề cũng có thời điểm nghỉ ngơi là tháng 9 âm lịch vì người Dao kiêng không mua bạc vào tháng này”. Muốn trở thành một thợ làm bạc có nghề hoàn toàn không đơn giản, vì không có lớp dạy nghề nên những ai muốn học nghề phải tự đi học ở các tay thợ lão làng. Tuy nhiên, muốn được thầy dạy cho các bí quyết thì còn cần cả sự khéo léo nữa. Ngoài ra, khi đã học được nghề bản thân người thợ cũng phải tự nghiên cứu, rèn luyện để nâng cao tay nghề.


Nói về sự thăng trầm trong nghề, ông Đặng Văn Lệch, năm nay 64 tuổi, tâm sự: “trước kia nghề chạm bạc có ở 2 thôn là Thác Hùng và Lùng Tao nhưng bây giờ chỉ còn ở thôn Thác Hùng là chính, thôn Lùng Tao có vài hộ thôi. Nhờ đường xá, thông tin phát triển nên nghề cũng đã khá hơn xưa nhiều”. Đặc biệt, làm nghề không chỉ có đàn ông mà cả phụ nữ cũng có thể tham gia vào một số khâu đơn giản như đan dây bạc. Hình ảnh người phụ nữ vừa đeo gùi đi lên nương vừa đan dây bạc rất phổ biến ở đây.


Mặc dù là nghề truyền thống lâu đời, song chạm bạc ở Cao Bồ lại chưa được công nhận là một làng nghề. Đến nay, các hộ làm nghề vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún; không có hướng phát triển thị trường, cải tiến mẫu mã mới, mở rộng đối tượng khách hàng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, Đặng Văn Chung, cho biết: “Năm 2008, những người làm bạc ở Cao Bồ mới được một tổ chức nước ngoài tài trợ người dân mua đồ nghề theo việc xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lùng Tao. Tuy nhiên, để làng nghề thực sự được bảo tồn, phát huy hiệu quả, mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, huyện Vị Xuyên cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ phát triển làng nghề chạm bạc ở Cao Bồ theo chủ trương của tỉnh xây dựng mỗi địa phương một làng nghề.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dấu ấn Đoàn nghệ thuật “Cổng trời xanh”
HGĐT- Được thành lập cùng với 10 Đoàn nghệ thuật (ĐNT) bán chuyên nghiệp trong toàn tỉnh, thời gian qua, ĐNT “Cổng trời xanh” huyện Quản Bạ đã khẳng định được vị trí trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ và nhân dân các dân tộc, với rất nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài huyện. Đồng thời, giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan
30/10/2014
Người nhạc sĩ của quê hương đá núi
HGĐT- Ông sinh tháng 5.1938 tại Hà Giang. Quê cha đất Tổ lại ở huyện Kiến Xương (Thái Bình). Năm 1924 cha ông rời quê lên non nước Cao Bằng. Năm 1932 cha ông di cư sang vùng cực Bắc đá núi Hà Giang lập nghiệp đến giờ.
30/10/2014
Niềm tin
Kính tặng chị Lê Thị Biển Khơi, vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng!Ngày ngày con vẫn hỏi cha dâu?Chị chỉ ôm con lệ rơi theo tủi phậnCon lớn lên với nửa tình yêu ôm chặtMột nửa tâm hồn thơ dại thiếu bóng cha
30/09/2014
Sáo và cá Cờ
HGĐT- Sáo đỏm dáng, đầu lúc nào cũng mượt. Cặp mỏ và đôi chân màu vàng, trông rõ là kẻ sang. Cổ Sáo có một vòng lông trắng, hễ rỗi rãi Sáo lại nghển lên cho thiên hạ xem. Chiều chiều Sáo đậu trên lưng Trâu tha thẩn ở soi đất rìa sông, tên Cào Cào, Châu Chấu nào bị Trâu khua động bay ra là Sáo sà xuống xơi tái. No đủ, nhàn nhã, Sáo đi đứng điệu đà, thỉnh thoảng hót vài tiếng
30/09/2014