Giới thiệu tác giả - Tác phẩm

17:03, 22/05/2014

HGĐT- Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, bút danh Trí Tâm, quê xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa ngữ văn; Cử nhân chính trị; Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt nam; Hội viên Hội VHNT tỉnh Lào Cai; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.


Ông Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Lào Cai; nguyên Ủy viên BCH Hội VHNT tỉnh Lào Cai. Là người con Đất Tổ, sau khi tốt nghiệp đại học, ông tình nguyện lên dạy học ở Lào Cai mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó để lập nghiệp và lập gia đình cho tới hôm nay. Với vốn kiến thức nhà giáo và lòng đam mê văn chương, lại sống ở một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đa cộng đồng các dân tộc, ông đã đam mê cả hai vai: Dạy học và viết văn. Các tác phẩm truyện, thơ của ông, tư tưởng và nội dung thường là những mảng của đời sống, xã hội, hướng về tính nhân văn, sự yêu thương con người...Ông hay viết truyện cho thiếu nhi. Đến nay ông đã cho xuất bản được 11 đầu sách truyện, thơ;là cộng tác viên của Báo Hà Giang trong những năm gần đây. Báo Hà Giang Điện tử giới thiệu một chùm truyện ngắn cho thiếu nhi của ông nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.

Nhà văn Đặng Quang Vượng giới thiệu.



                       CHUYỆN VỀ CÁC CHÚ CÚN VÀ CÁI HỐ GIỮA RỪNG

 

Một ngày đẹp trời, ba chú Cún Bông mặc áo trắng mượt rủ nhau đi chơi. Rừng cây xanh rười rượi. Gió thổi nhẹ, là cây rì rào trong gió. Ba Cún Bông vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Rồi ba chú chơi trò đuổi nhau.

- Hai ba! Đố hai cậu chạy kịp tớ!

Một Cún Bông hô vậy rồi chạy vọt lên. Hai bạn vội đuổi theo. Bỗng Cún Bông chạy trước rơi “ bụp” xuống hố sâu. Lần lượt hai Cún Bông chạy sau cũng rơi “ bụp”, “bụp” tiếp theo. Cả ba cùng kêu lên:

- Ối! Ối!

Ba Cún Bông hoảng sợ, ôm nhau khóc.

- Hu Hu Hu! Hư hư hư! Ối mẹ ơi. Ai cứu chúng con! Hờ hờ hờ…

Chúng khóc mãi, khóc đến khản cả tiếng. Rồi chúng kiệt sức, thiếp đi…

Khi tỉnh dậy, cả ba Cún Bông đã thấy mình nằm trên ổ. Thì ra may mắn có ai đó đi qua đã đã cứu rồi đưa cả ba về nhà.

Cái hố thì vẫn còn nguyên trong rừng. Cỏ mọc dần phủ kín miệng hố.

Một hôm đẹp trời, lại có ba chú Cún Vện rủ nhau đi chơi trong rừng. Chúng chạy lon ton. Thỉnh thoảng lại dừng chân, vẫy vẫy đôi tai lắng nghe tiếng chim hót trên cây. Có lúc chúng xích mích nhau. Cún Vện lớn thường hay gây sự nhất, làm cho hai Cún Vện nhỏ hơn bực mình. Bỗng Cún Vện lớn hét lên:

- Eo ơi có con rắn!

Rồi nó bỏ chạy vụt lên phía trước. Hai Cún Vện kia sợ hãi chạy theo. Bỗng “ bịch!”, Cún Vện lớn hẫng chân, sa xuống hố. Hai Cún Vện kia đang đà chạy cũng rơi “ bịch bịch” xuống theo. Chúng kêu lên ôi ối.

Hai Cún Vện nhỏ với Cún Vện lớn cãi nhau àm ĩ. Rồi Cún Vện lớn vùng vẫy tìm cách vượt lên miệng hố. Một lần. Hai lần. Lần nào cũng bị trượt chân, rơi “ bịch” trở xuống. Hai Vện nhỏ cũng cố nhảy theo, nhưng chả ăn thua gì. Vện lớn cố sức nhảy lần thứ ba. Chân trước nó bấu được túm cỏ, hai chân sau đạp lên lưng hai Vện bé và rướn người lên. Nó đã lên khỏi miệng hố và chuồn thẳng, mặc cho hai Vện bé kêu khản cổ dưới hố sâu. Hai Vện bé gào mãi, gào mãi. Rồi tiếp tục cố hết sức nhảy lên.Nhảy mãi. Nhảy mãi. Nhưng cứ bị rơi “bịch” xuống. Rồi chúng mệt lử, nằm thiếp đi…

May quá, một dịp may rất hiếm hoi, có người tình cờ đi qua đã cứu hai Vện bé lên khỏi hố. Gặp lại Vện lớn, hai Vện bé mắng cho Vện lớn một trận vì cái tội trong lúc hoạn nạn lai giẫm lên lưng bạn rồi thoát thân lấy một mình. Nhưng Vện lớn đã lủi đi. Từ đó, chả ai thèm chơi với Vện lớn. Xấu tính thì lủi thủi đơn độc là đáng đời.

Cái hố trong rừng vãn còn đó. Cỏ lại mọc che lấp miệng hố. Lại một hôm mát mẻ. Ba chú Cún Vàng rủ nhau đi chơi. Các chú Cún đều khoác bộ cánh vàng mượt. Chú nào trông cũng đẹp: Đầu nhỏ, mắt đen tròn và sáng. Hai chú tai quýp, một chú tai dỏng dựng vểnh lên. Cả ba đều bụng thon, chân hơi cao và chắc khỏe, đuôi cong vắt lên lưng, vẫy ngoe nguẩy. Chúng cùng nghển đầu lắng nghe tiếng chim khướu hót thánh thót, họa mi hót véo von và hếch cái mũi hồng hồng ươn ướt hít hà làn hương thơm của hoa rừng. Chúng vừa đi vừa nhảy nhót tung tăng. Bỗng cả ba rơi ùm xuống hố sâu.

- Ái giời ui đau quá!

- Làm thế nào bây giờ?

Cún Vàng tai dỏng nhắc hai bạn:

- Bình tĩnh! Bình tĩnh! Hãy nghe tớ chỉ huy. Chúng mình cùng tìm cách thoát lên khỏi hố!

Cả ba cùng đặt hai chân lên trán, yên lặng suy nghĩ. Cố tìm cây gậy rồi bám vào đó nhảy lên được không nhỉ? Nhưng lấy đâu ra gậy dưới cái hố này? Đào bậc rồi trèo lên vậy! Nhưng chỉ đào được bậc dưới thấp. Lên bậc thứ ba là không bám vào đâu mà đào được. Hay là chúng mình kiệu nhau lên. Ai lên trước thì tìm dây kéo tiếp người sau lên.

Hoan hô! Nghĩ mãi rồi cũng tìm ra kế thoát hiểm. Quả nhiên, ba Cún Vàng lần lượt thoát lên khỏi cái hố tai hại. Chúng lon ton ra về. Bỗng Cún Vàng tai dỏng cất tiếng:

- Khoan đã! Chưa về được!

- Tại sao? Còn điều gì?

- Chúng mình thoát hiểm nhưng cái hố vẫn còn đấy. Cỏ sẽ lại phủ lên, lại có bạn khác mắc bẫy sa hố!

Hai bạn cùng à lên. Thế là Cún Vàng tai dỏng chỉ huy hai bạn kia khuân đá, ủn xuống lấp hố. Mệt, nhưng cả ba cùng gắng sức. Một lúc lâu, cái hố tai ác được lấp đầy.

Bây giờ ba Cún Vàng ra về. Lá rừng rì rào hát, chim rừng véo von hòa nhạc, chúc mừng ba bạn Cún Vàng biết bảo nhau bình tĩnh suy nghĩ tìm kế lúc hiểm nguy, lại biết bảo nhau lấp cái hố tai ác.

Ba chú Cún Vàng trở về trong niềm vui…

 

MẸ CON NHÀ NHÍM

 

Trong khu đồi lúp xúp yên ả ấy, có bốn mẹ con nhà nhím sống với nhau rất hạnh phúc. Nhím mẹ gọi các con theo ba cái tên thật dễ thương: Nhím Lớn, Nhím Nhỡ và Nhím Út. Nhím mẹ dáng chắc khỏe, là bởi hàng ngày chịu khó làm lụng và miệt mài tìm kiếm củ quả nuôi cả nhà. Nhím mẹ thường nhường cho các con ăn trước những hạt những quả ngon bùi, những củ nẫn nạc, các con ăn no rồi Nhím mẹ mới ăn sau. Ba đứa con biết ý, nhất quyết mời mẹ cùng ăn, đứa nào cũng muốn nhường cho mẹ miếng ngon.

- Mẹ ăn đi cho khỏe. Mẹ đào hang, làm nhà vất vả. Mẹ khỏe mới dẫn chúng con đi tìm quả, tìm hạt và bới củ được chứ!

- Mẹ ăn phần củ ngon này cơ! Mẹ không ăn, chúng con ứ ăn đâu

- Các con ngoan quá! Nào, mẹ ăn đây!

Hôm nay, nhà Nhím được một bữa ngon lành no nê. Bây giờ, bốn mẹ con xếp hàng một về hang, trông thật đẹp, thật vui. Thỉnh thoảng, chùm chuông ở đuôi Nhím mẹ lại rung lên “lách cách” nho nhỏ làm tín hiệu gọi ba đứa con.Ba nhím con lũn chũn theo sau.

Mẹ con nhà Nhím đã tới nhà mình. Nhím mẹ dừng lại: Cửa hang vẫn còn nguyên mấy cọng cỏ phủ hờ. Nhím mẹ âu yếm nói:

- Hang nhà mình vẫn yên ổn, không bị kẻ nào quấy phá. Các con ơi, vào nhà mình đi.

Nhím mẹ đứng né sang bên, cho các con lần lượt vào nhà. Nhím mẹ vào sau cùng, không quên kéo mấy cọng cỏ khô phủ vào cửa ngụy trang.

Nhà của mẹ con Nhím là một cái hang dài trong lòng đất, Nhím mẹ hì hụi đào mấy ngày trời mới xong. Nhím mẹ dẫn các con đi ngắm công trình và giảng giải cho các con. Rằng, hang rộng và dài mới thoải mái. Lại phải đào nhiều ngách, mỗi ngách thông ra một cửa để thông thoáng khí trời, và để thoát hiểm khi gặp nguy nan!

Mẹ con nhà Nhím trò chuyện với nhau, rồi cùng nhau đi ngủ. Ngoài trời se lạnh, nhưng trong hang thật ấm áp. Nhím mẹ cùng các con ngủ thiếp đi...

Một buổi sáng êm đềm, Nhím mẹ chờ cho sương sớm tan hẳn thì sẽ dẫn ba đứa con đi kiếm hạt dẻ, hạt sồi gai hay đào mấy thứ củ cho bữa sáng ngon lành. Nào ngờ, buổi sáng ấy, tai họa đã ập đến với mẹ con nhà Nhím.

Có hai chú bé, một béo múp và một cao gầy đã vào khu đồi này và phát

hiện ra hang nhím. Béo chỉ huy, Gầy làm theo. Béo hăm hở xăm xắn, Gầy hình như hơi miễn cưỡng thì phải. Béo thì thào điều hành. Chụp rọ vào đây, nhèn thật chặt. Thế! Thế! Tiếng Béo thở cứ phì phì, hối thúc gấp gáp. Gầy cũng phải nhanh chân nhanh tay làm theo.

Trong hang, Nhím mẹ đã thấy thế nguy nhưng vẫn tự trấn tĩnh để các con không hoảng loạn. Cửa chính đã bị chiếc rọ úp chụp. Mấy của phụ đã bị chèn đá. Ánh sáng mờ mờ từ các của phụ dần bị thút nút, tối om. Không khí đã dần trở nên ngột ngạt, bức bí. Tiếng Béo và Gầy ngoài kia vọng vào. Mẹ con nhà Nhím nghe rõ mồn một.

Sống chung với trăm loài trong rừng, hươu, nai, dúi, tê tê, chồn, sóc, khỉ, voọc, toàn là những bạn hiền lành, kẻ dưới đất, kẻ trân cây, việc ai người ấy làm, sản phẩm núi rừng chung hưởng, chẳng có ai oán thù ghen ghét gì nhau, chỉ toàn là yêu thương hòa thuận. Cũng có mấy kẻ ác là hổ, báo, chó sói và trăn gió. Gặp thế nguy thì Nhím lập tức chui vào nương náu trong hang. Gấp quá thì chùm chuông phía đuôi rung lên “lách cách” liên hồi, răng nghiến kèn kẹt, vừa dọa đối phương, vừa báo động cho anh em con cháu mau mau chạy trốn. Trong tình thế nguy nan, Nhím có thể lùi vụt lại, xỉa tên nhọn vào mũi, vào mõm địch thủ. Khi ấy, kẻ thù lớn xác cũng đành thua. Nhưng vũ khí ấy khó địch với hai chú bé này.

Béo và Gầy đã hò nhau dậm chân, nện đá, bổ cuốc, gõ dao inh ỏi. Họ chỉ chờ mẹ con nhà Nhím vọt ra, rúc vào rọ là túm lấy, vác về. Trong hang, Nhím Út run cầm cập, rúc vào bụng mẹ thút thít khóc. Nhím Lớn và Nhím Nhỡ cố bình tĩnh chờ lệnh mẹ. Bỗng Nhím mẹ phát lệnh nho nhỏ nhưng dứt khoát:

- Các con theo mẹ! Út và Nhỡ đi liền sau mẹ, Lớn đi sau cùng. Nhớ bám sát mẹ nhé!

Hồi hộp. Mau chân. Dường như nín thở. Nhím mẹ rẽ qua một ngách rồi vọt lên một miệng hang hoàn toàn bí mật, ba đứa con bám sát mẹ, lẹ mau. Không một tiếng động. Béo và Gầy không phát hiện được. Bốn mẹ con luồn trong cây cỏ, chạy một mạch theo sườn núi, đi thật xa, xa tít. Đến chỗ thật an toàn rồi mới dừng lại thở. Phì phì. Phù phù. Hổn hển. Thoát rồi các con ạ! Nhím mẹ thở phào.Nhím Út rúc đầu vào nách mẹ, nũng nịu.

Phía xa kia, Béo và Gầy hò hét giậm chân, nện đá, gõ dao, bổ cuốc inh ỏi một hồi. Cái rọ vẫn rỗng không.

Đêm ấy, ở một góc rừng xa, Nhím mẹ lại hì hụi đào, đào, đào, để các con mau chóng có nơi ở mới. Nhím Lớn và Nhím Nhỡ đã biết đào cùng mẹ. Nhím Út sau cuộc chạy mỏi rời chân, được ưu tiên nằm ngủ ngon lành…

 

 AI ĐẸP NHẤT?

 

Sóc làm nhà trong một cái hốc cây rất cao. Một buổi sáng đẹp trời, Sóc ra khỏi nhà, nhoài mình vươn vai rồi bắt đầu nhảy nhót. Bốn chân thoăn thoắt nhảy qua, nhảy lại trên cành cây. Cái đuôi như một bông lau mới trổ, màu phớt hồng, cong vổng lên, quét qua quét lại. Vừa nhảy, Sóc vừa hát:

Là lá Là la

Trong khu rừng này

Đẹp nhất là ta

Bốn chân thoăn thoắt

Cái đuôi mượt mà

Nhảy nhót gần xa

Đẹp nhất là ta

Là la la lá

Là lá là la….

Sóc vừa nhảy vừa hát, cố để cho mọi người chú ý đến cái đuôi phớt hồng cong vổng lên quét qua quét lại.

Vừa lúc đó, Gà Rừng từ trong lùm cây bước ra. Gà Rừng có thân hình thon nhỏ, hai cánh ốp sát bên sườn, gọn ghẽ. Bộ long đuôi cong cong đen nhánh. Cái mào đỏ như lửa cao ngất nghểu trên đầu. Gà Rừng tự hào với bộ cánh của mình lắm. Thấy Sóc nhảy nhót và hát những lời có vẻ kiêu ngạo như thế, Gà Rừng rất khó chịu. Nó nghếch mỏ nhìn lên rồi khẽ lắc đầu, như muốn nói: Đẹp gì mà đẹp. Có mỗi cái đuôi cong vổng mà cứ hát mãi. Nghĩ thế, Gà Rừng nhảy lên một mô đá cạnh đấy. Vỗ vỗ hai cánh độp độp, Gà Rừng rướn cổ cất tiếng hát rất vang:

Ò ó o… ò…!

Ò ó o… ò…!

Đuôi ta cong vút

Mào ta đỏ cờ

Cổ cườm óng mượt

Đẹp nhất là ta

Ò ó o…ò…!

Gà Rừng rướn cong cổ, vỗ cánh và hát vang ba lần. Sóc dừng chân nhảy, cái đuôi tím hồng cũng hạ bớt xuống. Nó chip chip miệng nghĩ, đuôi cong, mào đỏ có gì mà đẹp.

Vừa lúc ấy, Thỏ Trắng từ bãi cỏ non xanh bên cạnh, thoăn thoắt ba bước một, nhảy ra. Thỏ buông thõng hai chân trước, rướn thẳng lưng, hai tai dựng đứng, nghiêng đi nghiêng lại. Khi thấy Sóc và Gà Rừng đã chú ý đến mình, Thỏ bắt đầu nhảy và hát:

Tằng tắng tắng tăng

Ta là Thỏ Trắng

Ai nhanh cho bằng

Này đôi tai dỏng

Nghe rất tinh tường

Áo ta mịn mượt

Như tuyết như bông

Tằng tắng tắng tăng…

Sóc trên cây lại chip chíp miệng:

-Đẹp gì mà đẹp!

Gà Rừng cũng tặc tặc:

-Có đẹp gì đâu mà!

Thế là ai cũng thấy mình đẹp, còn người khác thì chả đẹp gì cả. Suýt

nữa thì xảy ra cãi nhau. Vừa lúc đó, bác Gấu bước ra. Bác cất giọng ồm ồm:

- Cái gì mà đẹp với xấu ầm ĩ thế các cháu?

Sóc nhanh nhảu kể lại sự việc cho bác Gấu nghe rồi vơ vào:

- Cháu đẹp nhất, bác Gấu nhỉ!

Gà Rừng gạt đi, rồi nhận về phần mình:

- Cháu mới là đẹp nhất, phải không bác Gấu!

Thỏ cũng nhất quyết chả chịu:

-Hẳn là cháu đẹp nhất rồi, phải không bác Gấu!

Nghe cả ba nói thế, bác Gấu gật đầu cười:

- Cả ba cháu đều nói đúng. Sóc cũng xinh. Gà Rừng cũng đẹp. Thỏ cũng có dáng lắm chứ!

Nói đến đấy, bác Gấu dừng lại một lát. Rồi bác tiếp:

- Nhưng mà…

Sóc, Gà Rừng và Thỏ cùng hỏi:

- Nhưng mà thế nào hả bác?

Bác Gấu ôn tồn, âu yếm nói:

- Cháu nào cũng đẹp. Nhưng các cháu phải thấy bạn mình cũng đẹp nữa chứ! Nào, các cháu hãy nhìn xem, có đúng bạn mình cũng rất đẹp, đúng không?

Nghe bác Gấu nói, Sóc chăm chú nhìn Gà Rừng và Thỏ. Gà Rừng chăm chú ngắm Thỏ và Sóc. Thỏ ngước đôi mắt tròn nhìn hai bạn. Ồ, bác Gấu nói đúng thật.

Cả ba bạn vui vẻ, cảm ơn bác Gấu. Bốn bác cháu nắm tay nhau nhảy múa và hát vang. Chim chóc cũng tụ về hòa tiếng hát. Khu rừng rộn rã hẳn lên.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chợ vẫn họp đỉnh trời
Người gọi tôi: Cô bé ơiCho tôi tìm lại tuổi thơ xa rồiCải cay thì đã về trờiChỉ răm ở lạirăm thời là tôi...
30/04/2014
Trước giờ xung trận
Rừng Trường Sơn xao xácBom thù phạt ngang đầuNằm chờ giờ xung trậnThân gửi lời cho nhau
30/04/2014
Trở lại Điện Biên
Tôi hăm hở ngược đường Tây BắcLên Điện Biên thăm lại chiến trường xưaTrắng mùa Ban em về bản TháiLòng nôn nao gợi nhớ đêm xòe
30/04/2014
Bước “tiền trạm” xác định nơi cư trú của người tiền sử
HGĐT- Thực hiện chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Australia về lĩnh vực khảo cổ học và xuất phát từ nhu cầu lấy mẫu đất của các nhà nghiên cứu người Australia để xác định niên đại con người cư trú ở những nơi cổ xưa nhất Việt Nam; vừa qua, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật diện tích 4m2 tại khu vực di chỉ khảo cổ học Đồi Thông, phường Trần Phú (TP Hà Giang) để lấy
30/04/2014