Trống đồng Lô Lô ở Hà Giang

09:36, 13/03/2008

(HGĐT)- Người Lô Lô ở Việt Nam có trên 3 ngàn người. Cư trú chủ yếu tại hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Người Lô Lô ở Hà Giang phân làm hai nhóm là Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen. Ở Hà Giang, người Lô Lô sống tập trung tại các xã: Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là (huyện Đồng Văn), Mèo Vạc, Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc).


 

 Trống đồng Lô Lô trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.


Mặc dù dân số ít nhưng dân tộc Lô Lô là một cộng đồng có sự cố kết mạnh. Đồng bào luôn sống tập trung thành từng làng nhỏ. Đây là một trong những yếu tố giúp cho dân tộc này giữ gìn hầu như nguyên vẹn nét văn hoá truyền thống. Từ lâu, người ta đã biết đến dân tộc này với hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong bộ trang phục truyền thống cầu kỳ bậc nhất, với làn điệu dân ca sâu lắng, điệu múa rộn ràng… Nói đến văn hoá truyền thống của dân tộc này không thể không nhắc đến chiếc trống đồng.

 

Người Lô Lô ở Hà Giang cho rằng từ thửa có trời, có đất là có trống đồng. Trống đồng Lô Lô được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi. Trống có 4 quai, bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao nhiều cánh. Trống được trang trí nhiều loại hoa văn như: Vòng tròn chấm, sóng nước, hình người cách điệu… Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy hoa văn trên mặt trống đồng có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc này. Điểm khác biệt giữa trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống.

 

Trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người được thần linh hoá cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời- mẹ Đất, người Lô Lô cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ. Hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, còn những tia trống là những con mắt của Trời. Các vành hoa văn xung quanh là các hành tinh vây quanh mặt trời. Hình dáng trống đồng được cách điệu, mô phỏng từ hình dáng con người. Mặt trống đồng được gọi là dảnh mó, có nghĩa là đầu trống, từ tang trống đến thân trống là dảnh mảng, có nghĩa là thân trống, dảnh khế là chân trống.

 

Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng trong những dịp lễ của dân tộc. Trong lễ tế trời, người ta dùng trống mồ dảnh (trống trời). Lễ cúng thổ thần dùng trống Po dảnh (trống ếch). Trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh. Người Lô Lô dùng trống đồng theo bộ. Mỗi bộ gồm 2 chiếc: Trống đực và trống cái. Trống cái bao giờ cũng to hơn trống đực.


Khi lấy trống đồng ra sử dụng, người ta phải mời thày cúng đến làm lễ xin phép tổ tiên. Nếu phải đi mượn trống của dòng họ khác thì người ta phải đem theo một đôi gà (trống - mái), mổ thịt cúng xin phép chủ nhà. Người Lô Lô rất sợ phải đưa trống đồng qua những vực, hang sâu có nước, qua sông, suối… Vì theo đồng bào, đó là những nơi có rồng trú ngụ nên sợ rồng cuốn mất trống đồng. Cho nên khi đem trống đi xa, người ta phải buộc vải đỏ vào quai trống rồi trùm kín lại.

 

Khi đánh trống, người ta treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, 2 tay cầm hai dùi đánh 36 điệu. Người đánh trống phải được lựa chọn, đó là những người đàn ông chưa vợ và nếu có vợ thì vợ phải không trong thời kỳ mang thai.

 

Trống đồng dùng xong sẽ được bí mật đem chôn giấu ngay ở một nơi sạch sẽ, kín đáo, mặt trống để xuống dưới, chân trống trở lên trên rồi phủ đất lên.

 

Ngày nay, trống đồng chủ yếu dược sử dụng trong lễ ma khô của đồng bào. Nó dược coi như chiếc cầu nối giữa cõi sống và cõi chết. Tiếng trống đồng đại diện cho tiếng nói thần linh đưa hồn người chết về với đất mẹ. Trống đồng chỉ đánh vào buổi chiều trước khi đưa ma. Tiếng trống đồng cất lện trầm bổng, lúc dồn dập, lúc khoan thai theo lời đọc của thầy cúng, giữ nhịp cho các điệu múa nghi lễ. Thày cúng, trống đồng và các điệu múa nghi lễ là bộ ba không tách rời trong lễ ma khô của người Lô Lô.

 

Người Lô Lô xem trống đồng như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc mình. Trước đây, mỗi dòng họ thường có một đôi trống đồng nhưng hiện nay số lượng trống đồng trong các làng Lô Lô còn rất ít. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là bị bán đi vì đa phần các trống đồng Lô Lô đều là những cổ vật rất có giá trị, có tuổi thọ hàng nghìn năm.

 

Trước thực tế đó, tỉnh ta cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm giữ gìn trống đồng Lô Lô nói riêng cũng như những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong tỉnh nói chung. Hàng chục chiếc trống đồng Lô Lô đã được sưu tầm, phát hiện và đang được trưng bày tại Bào tàng tỉnh. Bên cạnh đó, những nghi lễ của đồng bào có sử dụng trống đồng cũng được khuyến khích khôi phục, đặc biệt là các điệu múa…

 

Có thể nói, trống đồng là một trong những nét văn hoá đặc sắc, tinh tuý của dân tộc Lô Lô. Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, trống đồng Lô Lô vẫn tồn tại là minh chứng cho bản lĩnh của dân tộc này. Mặc dù, trống đồng Lô Lô đã được nghiên cứu một cách khá hệ thống nhưng vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục được lý giải, ví như tại sao trên mặt trống đồng Lô Lô lại có những lỗ thủng tròn? Là một dân tộc có truyền thống dùng trống đồng nhưng người Lô Lô không có dấu tích gì của nghề đúc đồng, kể cả trong kho tàng chuyện kể dân gian cũng như các làn điệu dân ca. Nếu như người Lô Lô mua trống đồng về sử dụng thì chủ nhân làm ra những chiếc trống đồng là dân tộc nào…

 


Yến Khanh

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh nhận hiện vật từ gia đình có công với nước
(HGĐT)- Vừa qua, tại thôn Séo Lủng 1, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hai khẩu súng và một số hiện vật khác do gia đình ông Ma Kháy Sò và ông Ma Kháy Dèn, trao tặng.
29/02/2008
Dự thảo quy chế về liên kết xuất bản: Tư nhân chịu trách nhiệm liên đới về vật chất nếu như bị xử lý
Dự thảo “Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản” đang được Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) gấp rút xây dựng.
28/02/2008
Tục “kéo vợ” của người Mông Hà Giang
(HGĐT)- Ở Hà Giang, người Mông có dân số đông nhất, với hơn 190.000 người, phân bố chủ yếu ở các huyện vùng cao phía Bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện phía Tây là Xín Mần và Hoàng Su Phì.
26/02/2008
Hội văn học nghệ thuật Hội nghị lần thứ 6 BCH khóa III
(HGĐT)- Ngày 22.2, BCH Hội VHNT tỉnh khóa III tổ chức Hội nghị lần thứ 6 nhằm kiện toàn ban lãnh đạo, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở VH-TT, Báo Hà Giang.
25/02/2008