Độc đáo Lễ hội đua cá ở Mậu Duệ

14:34, 03/10/2014

HGĐT - Trong mỗi chúng ta, chắc chắn ai cũng được nghe, xem những cuộc đua, trận đấu độc đáo, thú vị của các loài vật như: Đua ngựa, chọi trâu, đua bò, chọi dê… Tuy nhiên, ít ai biết ở xã Mậu Duệ (Yên Minh) lại có trò chơi hết sức độc đáo, thú vị mà từ già đến trẻ, cả trai lẫn gái trong xã đều có thể tham gia. Đó là trò chơi đua cá chép được tổ chức vào ngày Tết cá, mùng 9 tháng 9 (âm lịch) hàng năm.



                     Chuẩn bị cá đua trước khi vào Lễ hội

Tết cá là phong tục truyền thống của người Tày ở xã Mậu Duệ, vào ngày này, nhà nghèo hay nhà giàu, nhà nuôi cá hay không cũng đều làm những món ăn từ cá để thắp hương, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cá được bà con chế biến thành nhiều món, trong đó có những món truyền thống như: Nộm cá; gỏi cá; bánh chưng nhân cá; cá lam… Người lớn chế biến món ăn, còn trẻ con được bố mẹ chuẩn bị cho ít nhất một con cá chép đẹp, khỏe mạnh để mang ra suối chơi trò đua cá cùng trang lứa trong xóm. Ông Nguyễn Đình Thái, thôn Nà Sài cho biết: “Năm nay tôi gần 50 tuổi, ngay từ những ngày còn nhỏ tôi đã biết đến trò chơi đua cá. Cứ đến ngày Tết cá là hầu như đứa trẻ nào trong thôn cũng được bố mẹ bắt cho một con cá, chủ yếu là cá chép ruộng to bằng 3 đầu ngón tay trở lên để mang ra suối đua cùng bạn bè. Đây là trò chơi trẻ tự tổ chức thành từng nhóm, tự chơi chứ không ăn thua hay có giải thưởng gì. Xóm nào cũng đua, thôn nào cũng đua nên con suối chảy qua xã trở nên đông vui, tấp nập hơn ngày thường. Cùng biết hiện nay, cuộc sống của bà con khấm khá hơn, trẻ em có nhiều thú vui hiện đại hơn, nhưng trò chơi đua cá vẫn được bọn trẻ duy trì hàng năm”. Về hình thức, cá đua phải là cá chép ruộng có trọng lượng từ 200g trở lên. Lấy một sợi chỉ buộc một đầu lên vây cá để dễ dàng lai dắt, điều khiển ở dưới suối, một đầu buộc một con thuyền nhỏ được làm bằng sốp hoặc bè làm bằng cây cỏ lau nhằm đánh dấu và là vật trang trí. Cá chép được thả xuống suối, té nước để cho bơi ngược dòng nước, con nào về đích nhanh nhất sẽ thắng cuộc…



Chuẩn bị xuất phát


   "Kéo thuyền vê đích"
 

Anh Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: “Đua cá là trò chơi độc nhất không chỉ ở Yên Minh mà trong cả nước. Nếu được tổ chức quy mô, có sự tham gia, vào cuộc của chính quyền địa phương thì chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Do đó, năm nay huyện chỉ đạo xã Mậu Duệ phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện tổ chức Lễ hội đua cá. Mục đích nhằm gìn giữ và phát triển trò chơi dân gian thành lễ hội truyền thống có tổ chức, quy mô, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân, tạo thành điểm đến hấp dẫn với du khách khi lên Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện, xã Mậu Duệ đã tổ chức Lễ hội đua cá lần thứ nhất năm 2014 vào sáng 2.10, tức ngày 9.9 (âm lịch). Do thực hiện tốt công tác chuẩn bị nên Lễ hội thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân. Anh Nguyễn Văn Thêm, thôn Nà Sài, chủ cá số 10 vui vẻ cho biết: “Nhà mình năm nào cũng nuôi cá ruộng, đến gần ngày Tết cá, ruộng lúa bắt đầu chín vàng là nhà mình tháo nước để bắt cá về ăn Tết. Đồng thời, chọn những con khỏe, đẹp cho con trẻ đem ra suối đua. Năm nay, xã tổ chức Lễ hội đua cá, có khen thưởng, có tổ chức, có trọng tài nên mình tham gia, mong muốn đóng góp công sức để lễ hội thành công và cũng muốn cá chọi của mình đoạt giải”. Lễ hội thu hút trên 60 cá đua đến từ các thôn có truyền thống đua cá như Nà Sài, Cốc Cai, Nà Ngoa, Nà Bưa… “Trường đua” là đoạn suối nằm ngay trung tâm xã, trên 60 cá chép đua với đủ kích cỡ, màu sắc được chia thành nhiều bảng đấu vòng loại, trọn lựa những chú cá đuavào vòng trong. Giống như những cuộc đua của nhiều loài vật khác, đua cá cũng hết sức sôi động và gay cấn, những chú cá đua khỏe mạnh, chạy ngược dòng nước về đích trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng trăm khán giả. Do không được huấn luyện nên trong cuộc đua xuất hiện nhiều tình tiết thú vị, hài hước. Ngoài những chú cá bơi ngược dòng nước theo đúng luật thì có những chú cá không chạy theo đường đua mà luẩn quẩn ở vạch xuất phát hoặc bơi ngược đường đua… Kết thúc cuộc đua năm nay, cá đua số 15 của ông Nguyễn Văn Thùy, thôn Nà Ngoa xuất sắc giành chức vô địch. Ông Thùy phấn khởi cho biết: “Đua cá là trò chơi truyền thống của nhân dân xã Mậu Duệ, từ trước đến nay, trẻ con trong xã vào ngày này đều tổ chức đua cá nhưng quy mô nhỏ lẻ, không có giải thưởng. Năm nay, xã tổ chức Lễ hội quy mô lớn, tôi tham gia vì việc tổ chức lễ hội đua cá thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa của địa phương mình. Mong muốn từ nay trở đi xã tiếp tục tổ chức Lễ hội để trò chơi dân gian của người dân tộc Tày xã Mậu Duệ được lưu giữ, phát triển, giới thiệu cho nhiều người biết và đến xem”. Trong ngày hội, ban tổ chức lễ hội cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp của đông đảo cán bộ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là niềm cổ vũ, động viên lớn lao cho xã tiếp tục tổ chức lễ hội những năm tiếp theo.

 


             Cá số 15 của ông Nguyễn Văn Thùy, thôn Nà Ngoa vô địch 

Hội đua cá Mậu Duệ lần đầu được tổ chức thành công không chỉ có ý nghĩa gìn giữ, phát huy giá trị trò chơi dân gian mà còn có ý nghĩa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, thúc đẩy bà con phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi cá ruộng nói riêng. Bên cạnh đó, Lễ hội còn là thông điệp gửi đến những ai quan tâm, yêu mến khám phá và tìm hiểu các lễ hội truyền thống của dân tộc, qua đó góp phần phát triển du lịch huyện Yên Minh nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyến rũ mùa tam giác mạch nơi Cao nguyên đá
Những ngày tháng 10, khi màu vàng óng ả của những nương ruộng bậc thang nhường chỗ cho những bông hoa nhỏ li ti, phơn phớt trắng hồng điểm tím, là khi ấy, Hà Giang bước vào mùa hoa tam giác mạch. Những vạt hoa tam giác mạch bung nở tạo thành những thảm hoa bồng bềnh trải dài khắp các sườn núi, bản làng, dọc đường đi… Hà Giang bỗng như đẹp dịu dàng như một người thiếu nữ,
29/09/2014
Ngày đón nhận Thẻ xanh
HGĐT- Năm 2010, chúng ta không khỏi vui sướng và tự hào khi Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), nơi chứa đựng những nỗi nhọc nhằn, khó khăn bậc nhất cả nước, nhưng cũng là một nơi có những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, những điều còn kỳ bí đã được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) - Thẻ xanh.
29/09/2014
Các cấp Hội Phụ nữ chung tay xây dựng Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Những năm qua, trong nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) có sự đóng góp không nhỏ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Trong đó, có vai trò quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh.
28/08/2014
Khám phá sông Gâm mùa nước lên
HGĐT- Từ ngày thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) đóng đập, dâng nước (năm 2006), dòng sông Gâm hiền hòa, uốn lượn cung cấp nguồn thủy sản quý hiếm: Dầm xanh, Anh vũ, Nheo, Sứt mũi, Ngạnh, tôm Bó Củng… đã biến thành lòng hồ Thủy diện Nà Hang mênh mông nước.
26/09/2014