Tìm về phiên chợ Phong lưu Khâu Vai huyền thoại

19:28, 15/05/2023

BHG - Chợ phong lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) huyền thoại hơn 100 năm qua vẫn luôn giữ vẻ yên bình, không ồn ào, náo nhiệt nhưng chất chứa bao tình cảm của đôi lứa yêu nhau mà không đến được với nhau. Đến hẹn lại lên, trong hai ngày 15 – 16.5 (tức ngày 26 – 27.3 âm lịch) năm nay, phiên chợ lại khiến lòng người thổn thức tìm về...

Du khách trải nghiệm cầu tình yêu tại khu vực Mê cung đá.                                                                                                  Ảnh: TL
Du khách trải nghiệm cầu tình yêu tại khu vực Mê cung đá. Ảnh: TL

Mèo Vạc không chỉ đẹp bởi những danh thắng mà còn đẹp bởi tình người chất phác, thân thiện, hiền hậu. Đâu chỉ có rừng hoa đá Lũng Pù độc nhất vô nhị, đèo Mã Pì Lèng trứ danh hay dòng Nho Quế biếc xanh, Mèo Vạc còn có một huyền thoại về tình yêu đôi lứa, tạo nên một Chợ phong lưu Khâu Vai đầy thương nhớ.

Năm nay, Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai được tổ chức theo quy mô cấp huyện, với chủ đề “Về nơi tình yêu bắt đầu”, gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng: Trình diễn thổi khèn Mông; trình diễn múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; múa, nhảy lửa của dân tộc Lô Lô xã Xín Cái; múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc; múa trống của dân tộc Giáy, thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; hát dân ca dân tộc Nùng, xã Khâu Vai; hát đối giao duyên của dân tộc Nùng, Giáy; các trò chơi dân gian, như: Thi leo cột chinh phục tình yêu, tung còn giao duyên, đánh yến, ném pao, địu nước, bắn nỏ, giã bánh giày... Trong khuôn khổ chương trình, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; lễ cầu duyên; thưởng thức văn nghệ chợ đêm thị trấn Mèo Vạc; chụp ảnh các loài hoa tại Mê cung đá; tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên sông Nho Quế ngắm hẻm Tu Sản; chinh phục tuyến đi bộ vách đá trắng Mã Pì Lèng...

Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà là hoạt động văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội. 
							 Ảnh: TL
Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà là hoạt động văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội. Ảnh: TL

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Để phục vụ lễ hội chu đáo, huyện thành lập các tiểu ban; phối hợp với các đơn vị chủ động nguồn điện dự phòng, hỗ trợ đường truyền internet tốc độ cao; xây dựng kịch bản, phương án thiết kế trang trí khánh tiết; tích cực tập luyện chương trình văn nghệ phục vụ khai mạc lễ hội. Mặt khác, để tạo điểm nhấn cho lễ hội, huyện chỉ đạo xã Khâu Vai trồng bổ sung khoảng 100 cây hoa giấy, 20 cây hoa hồng phục vụ lễ hội; các xã, thị trấn vệ sinh sạch sẽ các tuyến đường, treo cờ Tổ quốc dọc Quốc lộ 4C, Tỉnh lộ 176. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các xã, thị trấn tham gia hoạt động tại lễ hội.

Khu vực Mê cung đá đang khẩn trương hoàn thành lắp đặt các hạng mục trò chơi dân gian.
Khu vực Mê cung đá hoàn thành lắp đặt các hạng mục trò chơi dân gian.

Để đảm bảo tiến độ, huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện khẩn trương trang trí, khánh tiết, thiết kế sân khấu chính tại khu vực Mê cung đá, khu vực nhà sàn xã Khâu Vai; thiết kế băng zôn treo các trục đường trung tâm huyện và từ khu vực Mê cung đá đến trụ sở UBND xã Khâu Vai; thiết kế pano hộp đặt tại khu vực UBND huyện và xã Lũng Pù; cắm cờ chuối tại khu vực nội huyện và từ cổng chào Mê cung đá xuống bãi đỗ xe khu vực cầu tình yêu và xã Khâu Vai…

Mặt khác, huyện duy trì hoạt động chợ đêm thị trấn Mèo Vạc vào tối thứ 7 hàng tuần. Tích cực chuẩn bị Ngày hội thiếu nhi các dân tộc huyện với hoạt động cắm trại của 33 liên đội đến từ các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn; tổ chức các hoạt động văn nghệ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và trình diễn tiểu phẩm tuyên truyền về bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu… Để tạo ấn tượng trong lòng du khách khi đến với Mèo Vạc và Chợ phong lưu Khâu Vai, địa phương chủ động xây dựng và ban hành kịch bản lễ hội, các trò chơi, văn nghệ dân gian; chuẩn bị 10 gian hàng ẩm thực của địa phương. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn vận động viên, nghệ nhân tham gia lễ hội; lựa chọn các cặp đôi tham gia lễ cầu duyên; họp thống nhất với người dân thôn Khâu Vai để tổ chức Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà và lựa chọn thầy cúng đảm bảo tổ chức ngắn gọn, đúng phong tục, tập quán.

Cán bộ, diễn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Mèo Vạc tích cực luyện tập văn nghệ biểu diễn trong lễ khai mạc.
Cán bộ, diễn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Mèo Vạc tích cực luyện tập văn nghệ biểu diễn trong lễ khai mạc.

Để bảo đảm chỗ ăn, ngủ phục vụ du khách đến với Mèo Vạc, huyện tổ chức gặp mặt các nhà hàng, khách sạn; xây dựng phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước và trong thời gian diễn ra lễ hội; bố trí lực lượng tại các tuyến đường, hướng dẫn các phương tiện giao thông đỗ đúng nơi quy định, tránh tình trạng ách tắc khi tham gia lễ hội. Thành lập đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc cho nhân dân và du khách; thường xuyên kiểm tra các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch, đảm bảo chấp hành nghiêm túc việc niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết. Tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chỉ đạo nhân viên lễ tân mặc trang phục dân tộc khi đón tiếp khách đến lưu trú… Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, Mèo Vạc đã sẵn sàng đón du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chỉ duy nhất một lần trong năm, Chợ phong lưu Khâu Vai 2023 với sự chuẩn bị chu đáo cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn đang mời gọi bước chân du khách tìm về bến đợi tình yêu. Hãy đến để cảm nhận, trải nghiệm một Mèo Vạc hoang sơ, kỳ vĩ, mê đắm lòng người và để cảm nhận một phiên chợ không kẻ bán, người mua mà chỉ có những lời tâm tình sau một năm gặp lại.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Đất thiêng” Quảng Trị
BHG - Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình…
29/04/2023
Long trọng tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023
Tối 28/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023.
29/04/2023
Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế mở màn cho Năm du lịch Tuyên Quang
Với thông điệp "Tuyên Quang-điểm đến an toàn-thân thiện-hấp dẫn," lễ hội khinh khí cầu là điểm nhấn cho Năm du lịch Tuyên Quang, góp phần thực hiện mục tiêu đón trên 2,5 triệu lượt du khách năm 2023.
28/04/2023
Bảo tồn, phát huy và lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay. Với những đặc trưng ý nghĩa đó, ngày 06/12/2012, tại kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 Pari, UNESCO đã chính thức ghi danh tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
28/04/2023